Y Phương - người trai, người thơ làng Hiếu Lễ

11-06-2019 10:59 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Một người trai trong quân ngũ - một tính cách thơ

Đầu năm 1983 ngày nhập Trường viết văn Nguyễn Du (khóa II) thật vui. Biết bao giọng điệu tôi đã từng đọc bây giờ hội tụ cả về đây: Hà Đình Cẩn, Đức Ban, Đặng Ái, Văn Chinh, Phạm Thị Minh Thư... tôi có cảm tình với một anh chàng cao dong dỏng, mặc áo chàm xanh, có nước da tai tái sốt rét rừng. Hỏi ra mới biết đó là Y Phương. Ngày trước xem trên sách báo, đọc thơ Y Phương cứ ngỡ anh là người Tây Nguyên. Hóa ra không phải, anh là người Tày sinh ở Cao Bằng, có nhiều năm trong quân ngũ và chiến đấu ở Tây Nguyên. Đấy, ta xem anh tự họa mình: Tôi/ Trán dô/ Mũi thô/ Môi dày/ Chân đi dép bốn quai vẫn thừa năm ngón/ Nhịn đói không kêu/ Nhịn khát không kêu/ Thiếu ngủ không kêu... lại là người thơ có trái tim nhạy cảm; Một đàn kiến re re chạy tới/ Một cọng cỏ bình yên mát rượi/ Ngón tay mềm tôi vuốt run run (Chín tháng). Người trai ấy ra trận còn vương nặng nỗi nhớ người thương đến quay quắt: Hình như/ Lúc em tiễn anh/ Không quay lại/ Góc rừng khuya nặng hạt sương buồn/ Võng giống tay em ôm anh ngủ/ Khẩu súng nằm nghiêng huýt gió lay (Người vùng cao).

Người thơ ấy cũng ơn nghĩa lắm với quê hương/ một quê hương nghèo khó mà sâu nặng biết bao: Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Mang trong mình cơn sốt cao nguyên/ Mang trong mình ba sáu vết thương/ Ơn cây cỏ quê nhà/ Chữa cho con lành lặn (Tên làng).

Người thơ này trân trọng kỷ vật những ngày gian lao khói lửa chiến tranh thì tôi tin rằng sẽ không thể là người vô tình, bạc nghĩa: Chiếc ba lô bé nhỏ/ Chiếc ba lô lép kẹp/ Treo vách nhà/ Đựng những ngày đẹp nhất đi xa (Chiếc ba lô).

Có một quê hương trong trái tim nhà thơ

Có lẽ không một ai trong trái tim mình lại không ấp ủ một quê hương yêu dấu chở che, đùm bọc. Với Y Phương, anh cũng có một quê hương như thế. Một quê hương mà những ngày đánh giặc đi xa, anh nhớ đến điệp trùng những người đi chân đất/ đó là sức mạnh được nhân lên gấp bội trong chiến đấu sao gần gũi, sao da diết đến vậy: Những người đi chân đất/ Nhìn lại phía sau mình/ Đeo kính lên ru cháu/ Vườn cây chìm trong nắng/ Thấy mồ hôi lấm tấm trên lưng (Bài ca những người đi chân đất). Nhớ quê nghĩa là nhớ về mẹ/ nhớ về những gì thân thuộc đã lặn sâu vào tiềm thức, từ những ngày ấu thơ và ở lại trong tâm trí: Năm mươi tuổi mụ/ Sao lông tơ ria mép không cạo/ Năm mươi tuổi mụ/ Còn để mẹ giục tắm/ Sao thế hả con/ Đến bữa/ Mẹ gọi về ăn/ Con chỉ ngồi nhìn/ Mủm mỉm cười/ Sao thế hả (Chín tháng).

Người đàn ông, người thi sĩ đa cảm này dù ở đâu đi đâu thì hồn vía anh vẫn vọng về nơi ấy, về cái làng mà cha mẹ đã sinh thành, nuôi anh khôn lớn: Ơi cái làng của mẹ sinh ra/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề/ Có tình yêu tan tành tiếng thác/ Vang lên trời vọng xuống đất/ Cái tên làng Hiếu Lễ của con (Tên làng).

Một thi sĩ của mộng mơ, ân tình

Ba năm học khóa II Trường viết văn Nguyễn Du, tôi mới nghiệm ra một điều: vì sao Y Phương được lắm cô gái mê đến thế? Câu hỏi này cứ day trở tôi hoài sau đó khi những năm tháng ở trường chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Y Phương có lợi thế về mặt hình thể, ăn nói cũng dễ nghe. Và khi yêu chắc cũng đắm say lắm chứ! Cứ đọc thơ anh sẽ rõ, mối tình nào đã ám vào câu chữ đố có thể dứt ra được “Anh có thể dối em/ Thơ anh không thể dối” - một nhà thơ Nga đã viết như vậy. Đây là trong tâm tưởng nhà thơ: Ước gì giường bé lại/ Chỉ bằng hai gang tay/ Ta nằm thương nhau/ Ngày nối ngày (Ước gì).

Và nhiều lúc soi vào nhau, chàng trai cũng tự biến đổi mình: Em/ Cơn mưa rào/ Ngọn lửa/ Có em về/ Anh mất dần thói xấu/ Biết ăn năn trước lúc bình minh (Em/ Cơn mưa rào/ Ngọn lửa). Chao ôi, mùa hoa, mùa của tình yêu, mùa của những lứa đôi tìm nhau trong nảy nở mùa xuân, trong ý nghĩa phồn thực dồi dào. Trong thể hiện này phải nhận thấy Y Phương có cách diễn đạt thật súc tích, thật mới lạ, vừa hồn nhiên đồng thời lại mang được dáng vẻ của thơ hiện đại: Mùa hoa/ Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng phừng/ Đủ sức vác đàn ông/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rủ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ (Mùa hoa).

Và cả cái lúng túng ngượng ngập của chàng trai đáng yêu trong dáng vẻ này: Ai cũng biết mùa thu năm nay/ Chẳng ngắn dài hơn mùa thu năm ngoái/ Tôi chọn nón làm quà bạn gái/ Chưa có quai/ Biết đội/ Hay cầm (Nón mùa thu). Quặn thắt tình cảm lứa đôi những tháng năm lửa đạn trong khắc khoải chia xa: Tôi đi xa/ Người ấy phải bùa người ta/ Săn tìm người ta/ Bỏ quên tôi đắm chìm nơi lửa đạn (Sám hối). Cảm nhận những mất mát thua thiệt như vậy nên người thơ này biết trân trọng đối tượng mình yêu: Vàng bạc với đá quý/ Anh cất vào rương hòm khóa kỹ/ Nhưng em anh biết giấu vào đâu/ Thôi đành/ Nuốt em vào trong bụng (Cất giấu).

Cất lên và tôn cao cái nền đã có trong thơ Y Phương

Lại nhớ những ngày cuối khóa II, Y Phương đổ bệnh hiểm nghèo. Các bạn học thay phiên nhau vào chăm sóc anh ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi cứ nghĩ hồi ấy Y Phương không qua khỏi nên “chạy” khắp các tòa soạn báo chí hoặc Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam để “bán” bài, mong có chút nhuận bút ít ỏi giúp anh. Sau này Y Phương ra cuốn thơ Tiếng hát tháng giêng có ghi lời tặng tôi: Mãi mãi tao không quên ơn mày. Tôi thì nghĩ khác. Chẳng riêng gì tôi mà bạn bè cả khoá xúm vào giúp anh cơ mà. Cũng là cái tình bạn đồng học, đồng bệnh... thơ văn tương liên nữa.

Thơ Y Phương thường bắt đầu từ cảnh ngộ cụ thể, một khoảnh khắc tâm trạng mà tác giả bắt gặp, khai thác trong nhận biết mà anh dày công trải nghiệm. Cái hồn nhiên chân thành trong thơ anh bạn đọc dễ tiếp nhận trong khả năng lạ hóa khiến bài thơ rộng hơn trong liên tưởng. Cất lên và tôn cao cái nền đã có mà tác giả đã dày công vun đắp trong bề dày văn hóa, tôi tin Y Phương thành tựu không chỉ dừng lại những cái anh đã có.

Nhà thơ Y Phương, người dân tộc Tày, có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Phong cách sáng tác của Y Phương in đậm chất tư duy cụ thể của người miền núi. Thơ Y Phương thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

Tác phẩm: Nói với con (1980); Người núi Hoa (1982); Tiếng hát tháng giêng (1986); Lửa hồng một góc (1987); Lời chúc (1991); Đàn then (1996); Thơ Y Phương (2002); Thất tàng lồm (Ngược gió, 2006) tập thơ song ngữ; Chín tháng (trường ca); Đò trăng (trường ca); Vũ khúc Tày (2015), tập thơ song ngữ. Ngoài ra, Y Phương còn viết tản văn và tiểu luận...

Giải thưởng: Năm 2007, Y Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về thành tựu văn học nghệ thuật.


Nguyễn Thanh Kim
Ý kiến của bạn