Ý nghĩa ấn đền Trần
Vương triều Trần nổi tiếng với "Hào khí Đông A" ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.
Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương".
Nghi lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc.
Về ý nghĩa ấn đền Trần, bốn chữ được khắc trên ấn "Tích phúc vô cương" nhằm mang ý nghĩa giáo dục con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt. Phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững.
Qua nhiều năm, lễ khai ấn đền Trần Nam Định vẫn được người dân duy trì và phát triển, trở thành một trong những nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời.
Cách treo ấn đền Trần
Về cách treo ấn đền Trần, theo một số chuyên gia phong thủy, ấn đền Trần có thể dán trên tường, sau lưng ngồi làm việc, còn nếu muốn để tăng tài lộc dán ở chính Tây, để thăng quan tiến chức dán ở chính Bắc, để tăng cường sức khỏe dán ở hướng Đông Nam. Không nên đặt ấn lên bà thờ tổ tiên vì không đúng lễ nghĩa, không hợp văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, hoàn toàn có thể cho ấn vào đóng trong khung ảnh, treo lên tường, càng gần vị trí làm việc càng tốt. Đặt ấn đền Trần tại cơ quan hoặc phòng làm việc riêng ở nhà đều được. Nên hướng ấn vào mình, hoặc hướng vào tủ sách, hay hướng ra cửa đều được.
Cùng với đó, cần chú ý các vị trí không được dán, để, treo ấn đền Trần. Đó là: Không dán ấn hướng vào nhà vệ sinh, không dán ấn trên tường nhà vệ sinh, không gấp ấn để trên bàn, càng không nên gấp gọn để vào ví, tránh để ấn trên ôtô vì đây là nơi trường khí âm dễ gây ra sự cố khi đi lại.
* Thông tin về cách treo ấn đền Trần chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định thông báo thời gian tổ chức lễ hội năm 2023 từ ngày 1-6/2/2023 (tức từ ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão).
Cụ thể các hoạt động và thời gian tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần 2023, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.
Từ 22h15 đến 22h40 ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng), thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn đền Trần 2023.
Ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), từ 2h thực hiện lễ hồi Kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn đền Trần cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm gồm 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định 2023, tại khu vực đền Trần tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…
Như vậy, năm nay, lễ hội Khai ấn đền Trần được khôi phục tổ chức cơ bản đầy đủ nhất các hoạt động lễ hội truyền thống.