Y miếu Thăng Long: Nơi linh thiêng đang bị xâm hại

02-08-2010 9:51 AM | Thời sự

Y miếu Thăng Long nơi thờ tự của hai đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang bị các hộ dân sinh sống kề bên hàng ngày chen lấn, xâm hại.

Y miếu Thăng Long nơi thờ tự của hai đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang bị các hộ dân sinh sống kề bên hàng ngày chen lấn, xâm hại. Quang cảnh nơi được coi là biểu tượng của nền Nho y dân tộc đang bị dãy quán hàng ăn phía trước ‘bôi nhọ”. Ở nơi vốn cần không khí bình yên, linh thiêng, tĩnh lặng bị phá vỡ bởi sự om xòm từ khu chợ liền kề. Thực trạng đó vẫn liên tục diễn ra trước sự lúng túng của chính quyền và cơ quan chức năng trong khi sự kiện 1000 năm Thăng Long sắp đến gần.

 Y miếu Thăng Long trước đây với diện tích 747m2 nay chỉ còn vỏn vẹn như mảnh vườn do bị người dân lấn chiếm.

Lối cũ... khó vào

Đường dẫn vào Y miếu phải băng qua khu chợ Ngô Sĩ Liên chật ních những hàng quán, người ra vào ngược xuôi. Cổng Y miếu nhỏ bé lọt thỏm trong một quãng rẽ nằm sâu trong khu chợ trước cổng san sát các quán hàng ăn, chủ các quán ăn này tận dụng luôn lòng đường để dựng xe, xây bếp lò và việc giết mổ gà, vịt cũng được tiến hành luôn trên nền đường đó. Nước thải chảy lênh láng, ứ đọng lại tại những vết nứt nẻ bên đường. Lối vào thì bị chính những hộ dân nằm ngọn trong khuôn viên Y miếu “ngoạm” gần hết bởi dãy cây cảnh dọc ngang. Nhiều gia đình làm luôn một dãy lan can sắt quây phần đất ít ỏi của lối vào Y miếu làm nơi để những đồ lỉnh kỉnh của gia đình. Để tiến đến tiền sảnh, khách cũng phải vất vả len lỏi trước những dãy xe máy của các hộ gia đình dựng ở đó. Có lẽ Y miếu là khu di tích lịch sử đã được xếp hạng duy nhất trong cả nước có cảnh xe máy để kín trước gian thờ?! Theo bà Thảo, người được phường thuê trông nom Y miếu cho biết: vào những ngày cúng rằm, Phật tử và khách hành hương đến miếu thắp hương chẳng có chỗ mà đứng. Họ phải xếp thành hàng dài đến tận cổng để tiến hành lễ. Sự trang trọng, trang nghiêm nơi miếu thiêng phần nào bị giảm đi bởi dãy quần áo phơi bay phất phơ trên gian gác thấp của các hộ dân sống trong khuôn viên của miếu. Theo ghi nhận và phản ánh từ một thành viên hội cựu chiến binh phường Văn Miếu cho PV biết: Hiện nay một hộ gia đình sống trước tiền sảnh Y miếu tổ chức hành lễ bói toán, mê tín dị đoan. Họ ngang nhiên đốt những tiền vàng mã, những hình nộm người, ngựa bằng giấy to tướng trước miếu, khói phủ mù mịt. Những tiếng mõ lóc cóc, tiếng loảng xoảng xin quẻ, tiếng rền rĩ khấn khấn vái vái của những người đến xem bói phát ra từ nhà kế bên khiến không ít người hiểu sai về nơi miếu thờ hai vị danh y này. 

 Lối vào Y miếu gần như bị bít bởi cây cảnh và xe của các hộ dân.

“Giải tỏa” để lấy lại linh thế cho Y miếu

Theo quyết định số 92VHTT/QĐ của Bộ Văn hóa và thông tin ra ngày 10/07/1980 đã công nhận Y miếu là di tích lịch sử - văn hóa. Và theo “ lý lịch di tích Y miếu Thăng Long” được trình lên Sở Văn hóa thông tin Hà Nội năm 2004 cho biết Y miếu có diện tích 747m2 nằm trong khoán điền thổ số 390, thửa 420 Sở Địa chính Hà Nội cấp ngày 8/12/1995. Nhưng cho đến hiện nay trong khu vực I của di tích còn 7 hộ dân và một xưởng sản xuất săm lốp của Hợp tác xã Nghĩa Thành. Trước đó chỉ có hai hộ là nhân viên của Hội y học cổ truyền dân tộc Trung ương dựng tạm hai căn nhà lá để ở và trông coi Y miếu. Đến năm 1980 phát sinh thành 4 hộ và hợp tác xã săm lốp Nghĩa Thành. Năm 1997 các hộ đang ở bất hợp pháp trong khuôn viên Y miếu tự ý mua đi bán lại đẩy số nhà sống trong Y miếu lên đến 7 hộ còn hợp tác xã Nghĩa Thành giải thể và toàn bộ diện tích đất ở đây biến thành dãy nhà kiên cố. Như vậy số hộ dân đến ở khuôn viên khu di tích Y miếu đều là bất hợp pháp. Nhưng vì nhiều lý do mà công tác di dời giải phóng gặp rất nhiều khó khăn, mới di chuyển được 2 hộ dân trong nội tự. Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Mai Khanh, phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết: trước đây Y miếu Thăng Long thuộc quyền quản lý của Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, ngày 24/11/2009 quyền quản lý khu di tích này được trao cho phường Văn Miếu. UBND Phường vẫn biết bảo tồn và phát huy khu di tích Y miếu là công việc trọng tâm đặc biệt trong dịp Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tuy nhiên trong công tác duy tu, bảo dưỡng khu Y miếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tình trạng lấn chiếm đất trái phép trong nội tự khu Y miếu vẫn diễn ra. Khung cảnh xung quanh khu được cho là nền biểu tượng Nho y của cả nước vẫn chưa xứng tầm bởi dãy chợ, và khu vực quán hàng ăn dựng sát Y miếu. Phường cũng nhiều lần ra quân chấn chỉnh việc họp chợ, nhắc nhở bà con khu kinh doanh hàng ăn nhưng sau mỗi đợt ra quân việc tái lấn chiếm lại diễn ra. Bà Khanh bày tỏ quan điểm: chỉ có thực hiện quyết liệt việc giải tỏa các hộ vi phạm, đặc biệt là 7  hộ trong nội điện Y miếu mở rộng khu đường vào Y miếu mới đảm bảo tính uy nghiêm, linh thiêng ở một nơi có giá trị văn hóa lớn như Y miếu.
 

Ngày 5/5/1998 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số: 1677/VPCP-KGVX gửi Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu: UBND TP. Hà Nội xem xét xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn kịp thời những hành động xâm phạm Y miếu. Bộ văn hóa Thông tin phối hợp với UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế lập dự án trùng tu tôn tạo bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa Y miếu Thăng Long. Tuy nhiên, sau một thời gian dài đến thời điểm này những vi phạm lấn chiếm trong khuôn viên Y miếu vẫn diễn ra. Nếu các ban ngành chức năng không sớm vào cuộc, e rằng biểu tượng Nho y Thăng Long sớm muộn sẽ ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng hơn.

Văn Hậu - Hải Yến


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH