Y miếu Thăng Long - Ngày ấy bây giờ

20-06-2010 09:18 | Thời sự
google news

Y miếu Thăng Long - nơi phụng thờ hai vị danh y lớn của Việt Nam: Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1980,

Y miếu Thăng Long - nơi phụng thờ hai vị danh y lớn của Việt Nam: Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1980,  Y miếu trở thành nơi tôn vinh những giá trị sâu sắc của nền nho y dân tộc, là điểm đến tâm linh của khối ngành y dược quốc gia. Trải qua nhiều cuộc "bể dâu",  Y miếu bây giờ linh khí vẫn hội tụ nơi đất thiêng song lại chất chứa nỗi niềm cô quạnh.

 Y Miếu
Biểu tượng của nền Nho Y

Theo tài liệu sử học, Y miếu được xây dựng từ thế kỷ 18. Ngay những năm đầu mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) đã cho tiến hành xây dựng Y miếu ở phía Tây kinh thành Thăng Long, thuộc huyện Quảng Đức, để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công bắt đầu dựng xây Y miếu, nhưng còn rất sơ sài. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), Chưởng viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng Y miếu với quy mô khá rộng lớn. Tuy nhiên công việc tiến triển chậm, bê trễ rồi bị bỏ hoang trong thời gian dài. Phải đến khi Trịnh Hầu, người xã Định Công, huyện Thanh Trì, tinh thông kinh sử nhiều đời làm thuốc hăng hái tham gia xây dựng đền miếu thì công việc xây Y miếu mới lại được khởi động lại. Hiện tại, tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (gần Y miếu) còn một tấm bia khắc vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng 35 có ghi lại việc chọn đất xây dựng Y miếu. Theo đó Trịnh Hầu nhận thấy mảnh đất công ở phía Tây Phượng Thành, kế bên Văn Miếu, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào, lại có dòng nước chảy phía trước đúng là đất đẹp để xây dựng. Ông đã trình lên Chúa Trịnh, được Chúa khen ngợi và chuẩn y ban cho "10 mẫu tự điền để dùng vào việc đèn nhang. Lại được Quốc Thánh Mẫu (mẹ Chúa) ban cho hai hốt bạc cùng với sự đóng góp của nhiều người trong  hậu cung..." nên chẳng mấy chốc công việc xây miếu hoàn tất.

Y miếu đặt theo hướng Đông Nam, thiết kế tựa chữ điền (gần như hình vuông), có hai lớp nhà 3 gian kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc lớp mái trên tạo các đao cong hình vuông vân lá, chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời, giữa bờ giải và guột đắp tượng hai sư tử hí cầu... Hai trụ ngoài được đắp hình búp sen, thể hiện tư tưởng thiền trong y học. Kiến trúc bên trong xây kiểu vòm cuốn cao, hai mái chồng diêm. Đây là nơi đặt khám thờ hai vị danh y Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác. Mặt ngoài là một hiên rộng, với sáu trụ xây vuông, trên đắp các câu đối chữ Hán. Mái hiên làm kiểu mái đua tạo cho hiên rộng, thoáng. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh sĩ nhà nho.

Y miếu không còn... y nguyên

Theo thăng trầm của lịch sử, Y miếu cũng  chứng kiến biết bao cuộc dâu bể, hợp tan. Nhưng có một điều lạ chưa bao giờ Y miếu đổ nát ngay cả những năm bom Mỹ trút dữ dội xuống nơi này. Cụ ông Chu Xuân Thanh ở phố Ngô Sĩ Liên nay đã ở tuổi 82 nhớ lại: Hồi những năm 1972, khi không quân Mỹ leo thang ném bom Hà Nội, ngoài phố Khâm Thiên bị san phẳng thì khu vực quanh Y miếu cũng bị bom dội trúng. Nhưng không hiểu sao các nhà xung quanh khu vực này đều bị "dính" bom đổ nát hết chỉ duy Y miếu chẳng bị mẻ mảnh vữa nào.

Tuy nhiên sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt những năm cả nước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, làn sóng "nhảy dù" đã biến phần lớn diện tích đất công của Y miếu bị chiếm dụng để thành nhà ở của không ít hộ gia đình. Hiện nay tổng diện tích còn lại của Y miếu chỉ chưa đầy 140m2 so với 3.600m2 trước đây. Y miếu nằm lọt thỏm trong khu chợ và bị bao bọc bởi dãy nhà dân bao quanh. Nhiều nhà dân ở đây để lộ thiên cả khu nước sinh hoạt  chảy qua trước Y miếu. Đường dẫn vào Y miếu hiện nay là một lối nhỏ đi ngang qua khu chợ Ngô Sĩ Liên luôn bốc mùi ẩm thấp. Rác rưởi, xú uế tràn ngập. Chỉ có những cư dân sống lâu năm ở đây mới biết rõ đường vào Y miếu bởi cổng vào Y miếu chỉ còn lại một cổng vòm nhỏ có gắn biển số nhà 9A, phố Y Miếu, phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Nhiều người thường nhầm tưởng với cổng vào một khu dân cư nào đó!

Gặp bà Hoàng Thị Thảo (22 Ngô Sĩ Liên) là người được phường thuê trông coi khu miếu tâm sự: trước khi đến đây Y miếu vẫn có người trông nom nhưng do họ bỏ bê không quét dọn. Tôi đến thấy chạnh lòng quá nên làm đơn xin Ban quản lý được vào trông coi miếu. Khi hỏi về đồng lương được trả bà cho biết: "Nói thật với chú phóng viên, tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm là chính. Ngân sách của phường chưa có nên trông coi một thời gian rồi đã được đồng tiền công nào đâu". Ngoài hương hoa thắp hàng ngày thì ngay cả vào rằm hàng tháng toàn bộ phần lễ hoa quả, oản, xôi đều tự một mình bà làm và mua sắm. Bà làm công việc này tận tâm lắm như thể làm giỗ cho ông bà nhà mình vậy.

 Bà Thảo hằng ngày vẫn khói hương cho Y Miếu.
Trước đây bà Thảo cũng làm trong lĩnh vực Đông y nên thấm thía lắm công trạng của hai vị danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Bà Thảo nói, trong tâm tôi luôn thường trực câu nói của Hải Thượng Lãn Ông: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công". Bởi thế nên bà cho rằng việc làm của mình cũng là để tu nhân tích đức cho con cho cháu.

Điều mà bà buồn nhất hiện nay là những hộ gia đình ở kề bên Y miếu vẫn coi mảnh sân nhỏ trước miếu như... bãi gửi xe. Họ thoải mái dựng xe cộ của gia đình trước sân miếu, nhiều khi trời mưa họ chẳng ngần ngại dắt luôn xe dựng trước hiên miếu. Mùi xăng xe bốc lên sặc sụa, dầu mỡ chảy nhây nhớt trước thềm miếu. Chỉ tội nghiệp bà lại phải gò lưng xách nước, lấy khăn cọ rửa những chỗ bám bẩn. Bà sợ nhất chẳng may có ngày nào đó tàn hương bén hơi xăng bốc hỏa thì tránh sao khỏi miếu không bị thiêu rụi.

Được biết Trường đại học Y Hà Nội vừa mở thêm một bộ môn mới bắt buộc đối với tất cả sinh viên ngành y - dược đó là môn "Y đức xã hội học" đã nói lên sự cần thiết đưa vấn đề giáo dục về y đức cho các thầy thuốc trẻ trong tương lai, nhưng cũng xin nhắc để chúng ta đừng quên rằng, ở ngay giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến có một biểu tượng sống động về giáo dục y đức. Đó chính là Y miếu Thăng Long.

Bài và ảnh: Văn Hậu


Ý kiến của bạn