Ý kiến đại biểu Quốc hội: Làm rõ bí mật nhà nước để tránh bị lạm dụng

24-11-2017 06:58 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo Luật cần phù hợp với yêu cầu của tình hình mới,

nhất là việc xác định phạm vi danh mục bí mật nhà nước; các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ bí mật nhà nước cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi và quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Lạm dụng bảo mật, “đóng mật vào cả danh sách Vụ trưởng”

Theo ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên), cần đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật liên quan tới luật bảo mật. Theo đó, ngoài yêu cầu thứ nhất là đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì điều thứ hai là phải công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyền tiếp cận thông tin của người dân, của ĐBQH, của báo chí và hiệu quả phòng chống tham nhũng. ĐB Nga phân tích, hiện nay có thực trạng bí mật nhà nước bị lộ. “Ngay cả trên không gian mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia”, nhưng ngược lại, “có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có gì đâu mà mật? Có bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn” - bà Nga dẫn chứng.ĐBQH Lê Thị Nga: “Có bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn”.

ĐBQH Lê Thị Nga: “Có bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn”.

Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thị Nga cũng cho biết, hiện nay có xu hướng chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai, ở nhiều cơ quan bộ, ngành rất nhiều trường hợp. Việc này dẫn đến hai hậu quả, hậu quả là ảnh hưởng đến Nhà nước, đến tổ chức công dân, ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng rất lớn, đẩy người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp. “Chúng tôi cũng theo dõi các vụ án thấy một số cá nhân cũng rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp các văn bản quy định không rõ ràng. Ví dụ, một số phóng viên báo chí, thậm chí cán bộ nhà nước cũng có thể bị, trong một số trường hợp thực tế cũng đã có, vì bị quy là làm lộ tài liệu mật khi quy định về mật không rõ ràng” - ĐB Nga cho biết. Vì vậy, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo luật. Ngay như Điều 2, khái niệm thế nào có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc đã rất rộng và gây nguy hại cũng là khái niệm chưa có tiêu chí phân biệt thật rõ.

Không làm ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của công dân

Liên quan đến thời hạn giải mật, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, tài liệu bí mật nhà nước chưa được công bố hoặc công bố, sẽ dẫn tới thời hạn giải mật. Ở đây, khi chúng ta dùng quy định về giải mật cũng chưa rõ ràng, có những bí mật nhà nước đương nhiên được giải mật bởi một sự kiện pháp lý. Ví dụ, vừa rồi chúng ta kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, kế hoạch các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi dự ở các điểm cầu truyền hình thì hoàn toàn là bí mật, nhưng khi bắt đầu MC giới thiệu là các đồng chí có mặt tại đó thì đương nhiên sự kiện pháp lý đó sẽ trở thành giải mật sự kiện đó. Cho nên chúng ta bảo để 10 năm, 20 năm, tôi cho rằng không cần thiết. Ngược lại, cũng có những bí mật nước nhà cần phải giữ vĩnh viễn. “Ví dụ, Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng chỉ có rất ít người được biết vì nó là công trình tuyệt mật, thì làm sao chúng ta bảo 30 năm, nếu Bộ Quốc phòng vẫn tồn tại ở đường Nguyễn Tri Phương thì không thể có chuyện 30 năm, sau đó thì giải mật” - ĐBQH Nguyễn Mai Bộ dẫn chứng. Qua trên, ĐBQH đoàn An Giang đề nghị cần tính đến thời hạn, có sự kiện đương nhiên giải mật và có những bí mật là bí mật vĩnh viễn.

Về phạm vi bí mật nhà nước, ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) thống nhất phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, phạm vi bí mật nhà nước xác định như dự thảo Luật còn chung chung, không xác định được các loại lĩnh vực, các thông tin là bí mật nhà nước, dễ dẫn đến áp dụng, ban hành ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. “Cụm từ “cần giữ bí mật” tại Điều 9 dự thảo Luật là không rõ về nội hàm, có thể dẫn đến xác định bí mật nhà nước bị mở rộng, từ đó lợi dụng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước để từ chối cung cấp thông tin, quyền tiếp cận thông tin, thậm chí trong nhiều trường hợp lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật” - đại biểu Nhất kiến nghị.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh - quốc phòng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần tiếp tục được hoàn thiện về tên gọi, bố cục của dự thảo Luật; làm rõ nội dung của các quy định về khái niệm, phạm vi bí mật nhà nước, về giải mật... để đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn.


H. Phong
Ý kiến của bạn
Tags: