Vừa qua, vụ cá chết nhiều ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế gây xôn xao dư luận, các bộ ban ngành đang tích cực tìm nguyên nhân. TS. Bùi Trọng Chiến - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Tôi cho rằng, vụ việc vừa qua, Nhà máy luyện thép Formosa có thể không phải là thủ phạm, nhưng chắc họ cũng có biết trước nguy cơ chất thải của họ như thế nào mới nói “chọn cá hay chọn thép”..., Nhưng để biết đích xác thì cần có bằng chứng khoa học và khách quan, kịp thời”. Sau đây là tóm lược một số đề xuất của ông Chiến trong việc tìm nguyên nhân vụ việc trên:
1. Để gây ô nhiễm cho một khu vực nước biển rộng lớn như vậy, lượng chất độc thải ra phải rất lớn. Giả sử nồng độ chất độc trong nước để gây cá chết là 1mg/l (1ppm) thì để gây nhiễm độc cho một vùng nước biển rộng lớn như vậy thì phải có hàng chục tấn chất độc đổ ra cùng lúc trong một thời gian ngắn. Một số nguyên nhân do động đất, núi lửa, khí hậu, bệnh dịch đã được loại trừ.
2. Về vấn đề tảo nở hoa (thủy triều đỏ): Hiện tượng này chỉ xảy ra nhất thời và nó chỉ xuất hiện ở một khu vực nhất định, một khoảng thời gian nhất định thôi, không kéo dài như vậy suốt bờ biển 4 tỉnh cả tháng trời. Mặt khác, mùi tảo chết rất đặc trưng, khác hẳn mùi cá chết, chưa kể phải tìm ra các chỉ tiêu chỉ điểm độc tố của tảo, trong khi các chất chỉ điểm là gì thì chưa được biết. Như vậy nguyên nhân này khó được đồng tình.
3. Kim loại nặng không làm chết cá mà con người ăn phải cá nhiễm độc sẽ bị nhiễm độc tích lũy. Liều gây ngộ độc cấp tính của kim loại nặng với người phải gấp cả trăm, cả nghìn lần tiêu chuẩn ăn vào chấp nhận được (Torleral Daily Intex - TDI) trên mỗi kilogam thể trọng. Ta cũng có thể kiểm tra độc tố có hay không bằng cách kiểm tra ruột cá và xác định độc chất hay độc tố tự nhiên trong đó bằng các phương pháp hóa học và sinh học, hay thử nghiệm trên động vật. Điều này các phòng thí nghiệm của nước ta vẫn đủ năng lực thực hiện. Cho nên hướng kiểm tra hàm lượng kim loại nặng trong cá đánh bắt trên thị trường và nước biển sau khi cá chết hàng loạt cả tháng rồi, không phải là hướng để tìm nguyên nhân mà chỉ là để khuyến cáo vụ này đã hết thời điểm nguy hiểm chưa.
4. Về nhà máy Formosa: có thể được loại trừ không liên quan đến cá chết nhiều sau khi thực hiện các bước điều tra hồi cứu sau:
Cho nhà máy hoạt động với công suất tối đa để kiểm tra nước thải trước và sau xử lý.
Kiểm tra Nhật ký vận hành của nhà máy. Nếu có hệ thống xử lý nước thải tốt mà không vận hành hoặc vận hành không đúng thì cũng như không.
Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu hóa chất.
Xem xét bản chất, quy trình công nghệ…, sử dụng các hóa chất.
Phân tích mẫu từ các công đoạn (tần suất, lượng mẫu/lần).
5. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến một khả năng khác là một vài chiếc tàu lạ nào đó, kể cả tàu của các công ty của ta, đổ lén chất thải hoặc thả các container chứa chất thải xuống biển, vì xử lý trên đất liền rất tốn kém do không có địa điểm và phương pháp xử lý. Khả năng này chỉ có thể được biết nếu các tàu đi lại qua vùng biển Vũng Áng Hà Tĩnh và 3 tỉnh miền Trung phải được nhận diện.
Sự khuếch tán các chất nhiễm bẩn môi trường và sự tự làm sạch trong môi trường biển sẽ diễn ra. Như vậy, nếu việc điều tra hồi cứu toàn diện mà chậm, kể cả khi có chuyên gia quốc tế nhập cuộc, thì nguyên nhân của vụ này vẫn mãi là ẩn số.
Tóm lại, giải pháp quan trắc môi trường sát sao, chủ động tại chỗ đối với các hoạt động xả chất thải công nghiệp ra môi trường biển và sông ngòi mới thực sự có ý nghĩa “phòng cháy hơn chữa cháy” và “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.