Hà Nội

Y học Việt Nam được nâng tầm thế giới

13-03-2016 16:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau 5 năm thực hiện chương trình KC10- Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y dược, y học Việt Nam đã thực sự đạt được nhiều đỉnh cao mới trong phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật can thiệp mạch, y học hạt nhân, sinh học phân tử, một số kỹ thuật chuyên khoa khác,... Nhiều thành tựu đã giúp Việt Nam tiến kịp nền y học tiên tiến trên thế giới, góp phần mở rộng khả năng cứu chữa bệnh, tật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Ghép tạng Việt Nam bứt phá tiến ngang tầm thế giới

Khi bắt đầu, ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới khoảng 50 năm. Sau 18 năm thực hiện ghép tạng (vào năm 2010), Việt Nam đã thực hiện được ghép thận, ghép tim, ghép gan lấy từ người cho sống và người cho chết não. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể với ghép tạng thế giới, khi chúng ta chưa ghép được tụy, phổi và ghép đa tạng, ghép tạng từ người cho chết tim. Đây cũng chính là kết quả đạt được sau 5 năm nỗ lực của các thầy thuốc Việt Nam. Đặc biệt việc thực hiện thành công kỹ thuật  ghép tạng từ người cho chết tim ngừng đập đã mở rộng khả năng cứu sống thêm nhiều người bệnh nữa nhờ nguồn tạng trở nên phong phú hơn không chỉ giới hạn ở người cho chết não. GS-TS Phạm Gia Khánh–Chủ nhiệm chương trình KC10 cho biết, kỹ thuật này có độ khó cao hơn kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não nhưng các BS Việt Nam đã làm chủ được. Không những thế, ca ghép tạng xuyên quốc gia vừa qua đã chứng tỏ khả năng tổ chức, phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên gia thuộc các trung tâm y khoa quốc gia vô cùng tốt. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã thành lập được Trung tâm điều phối tạng ghép quốc gia,một việc mà chưa nhiều nước trên thế giới làm được.

Biến cái không thể thành có thể

Đó là đánh giá của GS-TS Phạm Gia Khánh khi ông nói về các kỹ thuật y học mà Việt Nam làm chủ trong 5 năm qua. Ông kể về sự ngỡ ngàng và hối tiếc của GS Vũ Khiêu khi ông không biết Việt Nam đã thực hiện được phẫu thuật nội soi sọ não, trong khi ông phải đưa con trai ra nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật này. Phẫu thuật nội soi cắt u tuyến yên, cắt u nền sọ đến nay đã được các chuyên gia y khoa tại BV Việt Đức thực hiện hơn 100 ca.

Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi của Việt Nam đã phát triển các kỹ thuật khó như phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên,  phẫu thuật nội soi gan, thận trong chấn thương... Đặc biệt, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp của PGS-TS Trần Ngọc Lương, GĐ BV Nội tiết TW đã trở nên nổi tiếng trên thế giới, thu hút được rất nhiều thầy thuốc nước ngoài đến học tập. TS Lương cho biết, kỹ thuật này đã trở thành thường quy tại BV Nội tiết TW và nhiều khóa học chuyển gia kỹ thuật này cho các bệnh viện trong nước cũng như các thầy thuốc ngưới ngoài đã và đang được thực hiện. Một thành tựu khác của y học Việt Nam thời gian qua được chú ý vì là lần đầu tiên thực hiện trên thế giới, đó là phẫu thuật cắt đại tràng ung thư qua đường âm đạo của BV ĐH Y TW Huế.

Làm thay đổi hướng điều trị của thầy thuốc

Nhiều công trình nghiên cứu y dược trong Chương trình KC10 được các chuyên gia thực hiện trong 5 năm qua đã giúp việc trị bệnh cứu người của các thầy thuốc Việt Nam trở nên hiệu quả hơn. Ví dụ như các kỹ thuật sinh học phân tử xác định gen giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác trong điều trị ung thư; chẩn đoán trước những bệnh di truyền cho phôi thai trong thụ tinh ống nghiệm: ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị bệnh.... Nhiều công trình y dược trong KC10 có tính ứng dụng cao như các kỹ thuật can thiệp mạch góp phần cứu sống nhiều ca bệnh phổ biến trong đời sống như  tai biến mạch máu não, chấn thương ổ bụng...; kỹ thuật vi phẫu tạo xương hàm từ xương; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết bỏng, điều trị ung thư; Về dược học, chúng ta cũng đã phát triển kỹ thuật công nghệ nano trong sản xuất thuốc đích điều trị bệnh ung thư, bào chế tỏi đen từ tỏi tươi... Đặc biệt vacxin Rota với nhu cầu cung ứng hằng năm lên tới 3 triệu liều, cùng việc đáp ứng tại chỗ, giá thành rẻ, vacxin Rota made in Vietnam không chỉ ngăn ngừa được hàng triệu ca tiêu chảy trẻ em mà còn tiết kiệm cho nhà nước cho người dân nhiều tỷ đồng. Các công trình nghiên cứu sản phẩm sinh học y tế khác như bộ kit chẩn đoán lao, kit chẩn đoán bệnh nấm nội tạng, công nghệ sinh khối sâm Ngọc Linh gần như đã ứng dụng ngay vào thực tế, đem lại hiệu quả cao trong điều trị, cứu sống người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ BV Việt Đức cho biết thêm, để có được những thành tựu kể trên trong y khoa, nhiều chuyên khoa khác cũng phải có sự phát triển phù hợp. GS Quyết lấy ví dụ về phẫu thuật ghép tạng, để thực hiện thành công các ca ghép tạng kỹ thuật cao đòi hỏi nội khoa, sinh hóa, xét nghiệm, dược  phải tốt  mới hỗ trợ được cho phẫu thuật viên. Nói như thế để thấy một bức tranh rộng hơn của trình độ y học Việt Nam, bởi một thành tựu này là kết quả của nhiều thành tự khác đứng  sau. Hoặc cũng có thể nói để đạt được một thành tựu trong y học, nhiều lĩnh vực khác trong y học cũng được kéo theo cùng phát triển.

Đánh giá về 55 công trình  y dược trong chương trình KC10,  GS Phạm Gia Khánh cho rằng các công trình không những đã góp phần khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao trình độ của y tế Việt Nam tiến kịp với y học tiên tiến thế giới, mà còn tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho ngân sách, cho người dân, cứu sống nhiều người bệnh, nhiều trường hợp không cần ra nước ngoài chữa bệnh.

Chương trình KC.10/11-15 được đánh giá là Chương trình thành công nhất trong tất cả chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Mặc dù ngân sách chi cho KH&CN còn hạn chế , điều kiện làm việc còn khó khăn, nhưng các nhà khoa học trong lĩnh vực y học, dược học đã vượt qua chính mình, đạt được nhiều thành tựu to lớn ngang tầm khu vực và thế giới, đây chính là niềm tự hào của y tế Việt Nam.

 



 


Minh Thuý
Ý kiến của bạn