Y học cổ truyền ứng phó với tình trạng khô âm đạo

SKĐS - Khô âm đạo là hiện tượng bất thường về tiết chất nhờn ở phụ nữ. Trong y học cổ truyền có một số bài thuốc trị tình trạng này.

Trong y học cổ truyền, hiện tượng khô âm đạo được gọi là chứng " Âm khổ " hoặc " Âm đạo can táo ", có liên quan mật thiết với sự rối loạn công năng của ba tạng là can, thận và t, khiến cho âm đạo không được thận tinh, khí huyết và tân dịch nuôi dưỡng đầy đủ nên kém nhu nhuận mà phát sinh thành bệnh.

Yếu tố nào dẫn đến khô âm đạo

Theo ThS Hoàng Khánh Toàn - Nguyên Trưởng khoa Đông y Bệnh Viện Trung ương quân đội 108: Có nhiều nguyên nhân gây khô âm đạo như: Người phụ nữ ít nhiều không có cảm hứng với bạn tình hoặc hoàn cảnh xung quanh thiếu thuận lợi; do giảm ham muốn và khoái cảm tình dục

Một số phụ nữ vì sợ đau, sợ có thai hoặc bị tổn thương hoặc không được tôn trọng mà lượng chất nhờn tiết ra bị suy giảm... Bên cạnh đó, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, nhưng người bị viêm âm đạo hoặc tổn thương tuyến tiết nhờn quan trọng (tuyến Bartholin)... đều gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt tình dục, giao hợp khó khăn do đau, giảm sút ham muốn và khoái cảm.


Ngoài việc chú trọng tạo ra đời sống tình cảm vợ chồng hòa hợp - "tâm bình khí hòa", có thể áp dụng một trong những bài thuốc theo quan điểm "biện chứng luận trị", căn cứ vào các chứng trạng hiện có mà lựa chọn bài thuốc và vị thuốc cho phù hợp.
ThS Hoàng Khánh Toàn

Bài thuốc điều trị khô âm đạo

Thể thận âm bất túc 

Biểu hiện thường gặp: Âm đạo khô khan, khi giao hợp đau đớn khó chịu, tâm trạng buồn phiền dễ cáu giận, đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, lòng bàn tay và bàn chân nóng, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Bài thuốc ứng dụng: Bổ thiên đại tạo hoàn gia giảm.

Thành phần gồm: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 10g, bạch truật 10g, cao quy bản 12g, lộc giác giao 12g, sơn thù 10g, thục địa 15g, kỷ tử 15g, a giao 10g, nữ trinh tử 15g, tang thầm 30g, nhục thung dung 10g.

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể thận dương hư nhược 

Biểu hiện thường gặp: Lãnh cảm, khi giao hợp âm đạo khô rát, giảm sút ham muốn và khoái cảm tình dục, sợ lạnh, tứ chi lạnh, đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt, mạch trầm trì vô lực.

Bài thuốc ứng dụng: Noãn thận trợ hỏa thang gia giảm.

Thành phần gồm: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 10g, bạch truật 15g, lộc giác giao 10g, cao quy bản 10g, ba kích 10g, sa tiền tử 15g, nhục thung dung 12g, tiên linh tỳ 10g, hoài sơn 15g, khiếm thực 12g, phúc bồn tử 12g, phụ tử chế 6g, kỷ tử 15g,

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

photo-1633680949544

Nhục thung dung, vị thuốc tăng cường sinh lý nữ

Thể khí huyết bất túc 

Biểu hiện thường gặp: Giảm hoặc mất ham muốn và khoái cảm tình dục, khi giao hợp âm đạo khô rát, toàn thân mệt mỏi, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng úa, có cảm giác khó thở và hồi hộp trống ngực, dễ vã mồ hôi, chán ăn, đại tiện lỏng nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm vô lực.

Bài thuốc ứng dụng: Bát trân thang gia giảm.

Thành phần gồm: Đẳng sâm 20g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 10g, bạch linh 10g, đương quy 10g, xuyên khung 6g, sinh địa 15g, thục địa 15g, tiên linh t 10g, ba kích 10g, thỏ ty tử 10g, nhục thung dung 10g, a giao 10g, lộc giác phấn 1g, cam thảo 6g.

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể can uất khí trệ 

Biểu hiện thường gặp: Âm đạo khô rát, giao hợp đau, dễ cáu giận, đầu choáng mắt hoa, ngực bụng đầy tức, hay thở dài, kinh nguyệt không đều, thống kinh, miệng đẳng, mạch huyền sác.

Bài thuốc ứng dụng: Sài hồ sơ can tán gia giảm.

Thành phần gồm: Sài hồ 10g, bạch thược 12g, đương quy 10g, chỉ xác 10g, xuyên luyện tử 10g, thông thảo 3g, xuyên sơn giáp 6g, quất diệp 10g, vương bất lưu hành 5g, thiên hoa phấn 12g, nhục thung dung 15g, cam thảo 10g,

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

photo-1633680952262

Vị thuốc bạch thược trong bài thuốc "Sài hồ sơ can tán"

Đơn thuốc chung ngăn ngừa khô âm đạo

BS Hoàng Khánh Toàn cho biết: Để tiện sử dụng, cũng có thể dùng một đơn thuốc chung dưới đây làm cơ bản rồi tiến hành gia giảm tùy theo bệnh trạng của mỗi người.

Bài thuốc gồm: Sinh địa 30g, mạch môn 15g, huyền sâm 12g, tri mẫu 10g và sa sâm 20g, sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc dùng bài: Sinh địa 30g, thục địa 30g, kỷ tử 10g, mạch môn 10g, sa sâm 10g, sơn thù 10g, đương quy 10g, đan sâm 20g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 20g, sắc uống ngày 1 thang.

Nếu giao hợp đau gia bạch thược, xuất huyết gia tam thất.

Nếu viêm âm đạo gia tri mẫu và hoàng bá.

Trường hợp thiếu máu gia bạch sâm.

Món ăn hỗ trợ tình trạng khô âm đạo

Thành phần: Long nhãn 100g, vừng đen 40g, tang thm (quả dâu chín) 50g, ngọc trúc 30g, mạch môn 30g, sắc kỹ 3 lần, lấy 3 nước rồi hòa lẫn vào nhau, tiếp tục cô đặc bằng lửa nhỏ, khi được cho thêm mật ong với tỷ lệ 1 : 1, đun sôi. Để thật nguội rồi đựng vào lọ kín dùng dần.

Cách dùng: Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa cafe hòa với nước ấm.

Thuốc dùng ngoài ứng phó với khô âm đạo

Thành phần: Hà thủ ô 30g, sinh địa 30g, huyền sâm 30g, thiên môn 30g, bạch tiên bì 30g. 

Cách dùng: Sắc kỹ lấy nước, bỏ bã, đem ngâm rửa âm hộ từ 10 - 15 phút, mỗi ngày 1 lần.

Mời bạn xem thêm video: 

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID

Hiền Mai
Ý kiến của bạn