Kỳ 3: Phương pháp cứu và dự phòng bệnh trúng phong
Liệu pháp cứu và kinh nghiệm vận dụng thay cho cứu
Phương pháp cứu thường kết hợp với châm. Trong phòng chữa trúng phong có 7 huyệt dùng để cứu là: bách hội, phong trì, kiên tỉnh, khúc trì, phong thị, túc tam lý. huyền chung.
Tác dụng: Thông kinh lạc giáng nghịch trừ phong.
Phương pháp cứu: Mỗi lần dùng 1 huyệt ở đầu (ôn cứu cách gừng) và kết hợp châm 1 huyệt ở chi trên, 1 huyệt ở chi dưới. Có thể châm bình bổ bình tả (cắm kim vào huyệt cho đắc khí, rút kim lên vê đi vê lại đến khi cảm giác ở huyệt đã lan truyền thì rút kim ra). Nếu bệnh nhân chịu được thì cứu cả 7 huyệt (ôn cứu cách gừng). Hoặc khi thấy các TTTP vừa xuất hiện điều trị ngay các triệu chứng nếu để chậm đến khi bệnh đã phát tác rất khó điều trị.
Kinh nghiệm vận dụng thay cho cứu
Đối với người cao tuổi việc cứu rất khó vì có cụ không chịu được và phải có chuyên môn, qua thực tế các cụ có thể tự nâng cao chính khí đề phòng trúng phong bằng hai cách sau đây:
Dùng vòi hoa sen
Nếu nhà có bình nóng lạnh, khi bật bình xong, để vòi gật gù ở độ nóng vừa phải (dùng tay thử độ nóng tùy mức chịu đựng của từng người (có thể 37 - 38 - 39oC) sau đó lần lượt cho xối nước vào các huyệt: bách hội, phong trì (cả 2 bên), kiên tỉnh (2 bên), khúc trì (2 bên), phong thị (2 bên), túc tam lý (2 bên), huyền chung (2 bên) mỗi huyệt 1 - 1,5 phút. Đây là cách nâng cao chính khí rất tốt, mỗi lần làm xong có cảm giác khoan khoái như là xông hơi hoặc mát-xa, lại dễ làm có thể vận dụng hợp lý cho các cụ, nhất là về mùa hạ.
Dùng máy sấy tóc
Nếu trời lạnh không tiện tắm, các cụ có thể dùng máy sấy tóc. Lấy máy sấy tóc thông dụng (nếu đầu xả hơi to quá có thể gò thêm 1 ống nhỏ bằng tôn thu nhỏ có đường kính khoảng 2,5cm là được. Nếu không có thể tự chế bằng bìa các tông) đối với các máy có độ tập trung tốt, lỗ thổi nhỏ thì không cần.
Sử dụng máy: Cắm điện, bật máy ở chế độ nóng vừa 37 - 38 - 39oC để cách huyệt (15 - 20cm) tùy theo sức gió và độ nóng sao cho có cảm giác nóng vừa sức chịu đựng, lần lượt xả vào 7 huyệt đã nói trên. Thời gian mỗi huyệt từ 1 phút - 1,5 phút tùy từng tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Phương pháp dự phòng bệnh trúng phong
Như trên đã nói, ở lứa tuổi trung niên từ 40 tuổi trở lên; cơ thể đã bắt đầu lão hóa việc dự phòng bệnh trúng phong là rất cần thiết, đặc biệt đối với người có các triệu chứng đã mô tả trên. Chúng tôi xin nêu phương pháp tổng thể để dự phòng bệnh như sau:
Điều dưỡng tình chí: Trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh cảnh trúng phong là tình chí.
Đông y cho rằng con người có thất tình: giận, mừng, lo, nghĩ, buồn, kinh, sợ, đó là 7 tình cảm thông thường. Nếu mừng quá, buồn quá, lo nghĩ thái quá đều không tốt ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng.
Ví dụ: Mừng quá hại tâm, buồn quá hại phế, giận quá hại can, lo nghĩ quá hại thận...
Tình chí thất điều (không điều hòa) làm cho ngũ tạng bị tổn hại là cơ sở cho việc phát sinh bệnh trúng phong. Vì vậy người cao tuổi cần điều hòa tình chí tránh căng thẳng hoặc các cú sốc tình cảm (Tây y gọi là stress) không nên buồn vui thái quá, khoan dung trong cuộc sống và đối nhân xử thế, không nên chấp nhặt, sống lạc quan, độ lượng, tự tạo ra niềm vui nho nhỏ hằng ngày: Sống có ích cho con cháu, làm việc thiện, mỗi ngày biết thêm 1 cái mới... hòa đồng với mọi người, không mặc cảm, oán trách số phận hoặc quá khứ hẩm hiu. Hãy bằng lòng với thực tại, lạc quan yêu đời là cách phòng bệnh trúng phong hiệu quả nhất.
Vận động hợp lý, tập luyện khí công dưỡng sinh: Nên vận động hợp lý và tập luyện dưỡng sinh có phương pháp. Vận động làm cho khí huyết lưu thông, đối với người cao tuổi tập đi bộ, thể dục buổi sáng, tập thiền, tập thở bằng bụng đúng bài bản là cách phòng chống bệnh trúng phong thiết thực nhất.
Làm việc nghỉ ngơi điều độ: Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là cách điều hoà hợp lý tinh thần và thể lực. Nếu lao lực thái quá, phòng dục quá độ, lao phiền thái quá làm tinh thần bị tổn thương, hình thể hao mòn, âm huyết hư tổn, hư dương hóa hỏa nhiễu động mà gây trúng phong. Vì vậy người trung niên và người cao tuổi cần làm việc có kế hoạch, điều độ, tránh thức khuya dậy sớm, không chơi thể thao quá sức.
Ăn uống điều độ: Ăn uống cần cân bằng, tùy mùa mà ăn các thức ăn hợp lý. Mùa hè tránh ăn các thức cay nóng, mùa đông ít ăn các thức ăn hàn lạnh, đặc biệt không nên ăn quá béo, quá ngọt, quá mặn, mỡ động vật, phủ tạng động vật, nên ăn nhiều rau, chất xơ, tăng ăn cá, tránh ăn thịt đỏ, ăn nhiều món luộc, ninh, hầm, tránh ăn các món chiên, xào, rán...
Tránh các ngoại cảnh gây hại cho sức khỏe: Không nên để cơ thể quá to béo, nặng cân. Khi ngủ nghỉ, không nằm ở nơi gió lùa, không vùng dậy đột ngột buổi sáng (nên đảm bảo 3 chậm). Ngồi dậy chậm, đứng dậy chậm, đi chậm (mỗi khi phải dậy đi tiểu đêm), khi tắm nên tắm nước ấm. Không gội đầu bằng nước lạnh đột ngột, tắm lần lượt hai chân từ cổ chân lên đùi, vã nước vào 2 cánh tay, sau đó xoa nhẹ lên ngực, bụng, cuối cùng mới dội nước và gội đầu.
Lương y Lê Minh Vân