Hà Nội

Y học cổ truyền lưu vực sông Mekong: Kỳ bí và nhiệm màu

15-09-2019 07:36 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sông Mekong phù sa màu mỡ đã bồi đắp cho những vùng đất trù phú, vun đắp cho tình hữu nghị anh em nảy nở trong khu vực.

Dòng sông mang tới những nguồn dược liệu quý hiếm cho các nước ven lưu vực, đem tới các bài thuốc nhiệm màu cho người dân nơi đây. Nền y học cổ truyền (YHCT) và y học dân gian (YHDG) của các nước Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là di sản gìn giữ sức khỏe truyền từ ngàn đời nay.

Di sản ngàn đời của các nước lưu vực sông Mekong

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa YHCT là “tổng thể kiến thức, kỹ năng và thực hành” trên nền tảng văn hóa độc đáo để điều trị bệnh và giữ gìn sức khỏe. Các nước châu Á Thái Bình Dương từng đưa ra khái niệm “Con đường tơ lụa xanh” về tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên, cho phép sử dụng nguồn kiến thức vô giá về dược liệu mà các cộng đồng nắm giữ.

Đại biểu các nước dự Hội nghị YHCT và YHDG lưu vực sông Mekong lần thứ 9 tại Hà Nội.

Đại biểu các nước dự Hội nghị YHCT và YHDG lưu vực sông Mekong lần thứ 9 tại Hà Nội.

Đông y của Việt Nam đúc kết từ các bài thuốc dân gian của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có phương pháp chữa bệnh hay, độc đáo riêng.

Trong thời đại Angkor, đặc biệt dưới thời trị vì của Hoàng đế Jayavarman ở thế kỷ 12, YHCT của Campuchia rất phát triển.

Ở Myanmar, y học dân gian có nhiều trường phái, Desana dựa trên Phật giáo, Ayurveda khôi phục cân bằng cơ thể, tử vi Netkhatta đưa ra chế độ ăn dựa theo các vì sao.


Bản thảo lá cọ của người Lào ghi lại các bài thuốc cổ phương

YHCT Ya Phurn Meuang của Lào ra đời từ 4500 năm trước. Bản thảo lá cọ của người Lào bắt đầu ghi lại các phương thức bí truyền từ thế kỷ 14. Những bài thuốc trị sốt rét, ho lao trên những trang lá cọ còn giá trị cho tới ngày nay.

Tỉnh Vân Nam ven dòng sông Mekong có lịch sử lâu đời hội tụ nhiều thầy thuốc giỏi góp phần vào nền Trung Y dược vì một Trung Quốc khỏe mạnh. “Điền Nam bản thảo” lưu truyền tới nay đã được hơn 500 năm.

Những bài thuốc dân gian nhiệm màu

Có một điểm chung là các nước thuộc lưu vực sông Mekong ảnh hưởng nhiều của đạo Phật và nguyên lý chữa bệnh liên quan tới các tạng, khí huyết, kinh lạc... cho thấy sự huyền diệu và nhiệm màu. Các thầy thuốc YHCT lưu vực sông Mekong đã trình diễn các phương thức chữa bệnh độc đáo trên bệnh nhân thật tại Viện YHCT ở Hà Nội.

Thầy thuốc Myanmar Than Nyunt (trái)

Campuchia mô phỏng sơ cứu chữa rắn cắn, trong đó có cho người bệnh ăn cây thuốc bản địa Manioca tuber để giải độc nọc rắn rồi sau đó đưa ngay tới cơ sở y tế. Thái Lan sử dụng nẹp xương bằng khung tre hoặc bằng khăn điều trị chấn thương được áp dụng rộng rãi trong nhân dân. Trong bài thuốc của dân tộc Choang, thầy thuốcTrung Hoa dùng dây cỏ ngâm rượu thuốc rồi đốt trị côn trùng đốt. Thậm chí, trên dòng sông ở Lào còn có loài cá có thành phần cấu trúc xương giống người dùng để điều trị các bệnh về xương.

Thầy thuốc Than Nyunt (81 tuổi) - Chủ tịch Hội YHCT Myanmar, người từng có kinh nghiệm 50 năm chữa bệnh trình diễn điều trị thiếu máu bằng lá vàng trên một bệnh nhân người Việt. Các lá vàng này vốn rất phổ biến ở Myanmar, thường được bán ở các chợ để người dân cúng trong các đền thờ, chùa chiền. Với lá vàng trị giá 1USD, chỉ cần liệu trình khoảng 12 lá vàng trong vòng 2 tuần là giúp bệnh nhân có thể khỏe lại. Lá vàng được dán lên tĩnh mạch sau khi thầy thuốc bắt mạch chẩn bệnh liên quan tới tạng tâm.

Lá vàng chữa thiếu máu ở Myanmar

Việt Nam đã giới thiệu tới các nước anh em phương pháp điều trị nhọt vú của dân tộc Tây Nguyên và phương pháp vỗ điều trị các chứng đau. Những ngọn núi cao hùng vĩ cho tới miền đồng bằng và miền biển của Việt Nam cũng là kho tàng y học dân gian vô tận. Các nhà khoa học Italia từng thử nghiệm thành công khả năng trị ung thư máu, ung thư dạ dày và viêm khớp của cây chay (Artocarpus) dựa theo kinh nghiệm chữa bệnh dân gian của người vùng cao Việt Nam.

Đưa các bài thuốc dân gian ứng dụng rộng rãi

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam và các lưu vực sông Mekong đang gắng sức kế thừa, bảo tồn đồng thời kết hợp y dược cổ truyền với kiến thức khoa học hiện đại. Theo xu thế hiện nay, thế giới cũng đang nghiên cứu ứng dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên cùng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân loại.

Loại quả thường được dùng để chữa bệnh lao ở Lào

Tại Hội nghị YHCT và YHDG các nước lưu vực sông Mekong lần thứ 9 ở Hà Nội, Lào chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa ung thư vú và đái tháo đường bằng phương thuốc dân gian. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, ở Lào có cây thuốc được người dân dùng làm rau ăn hàng ngày như thanh ngâm và cò sen có thể ngăn ngừa đái tháo đường. Đó là lý do người Lào ít mắc bệnh này. YHCT dựa theo hệ thống kinh lạc, bắt mạch chẩn bệnh. Dựa theo kinh lạc, các thầy thuốc có thể nói với chúng ta từ sớm nguy cơ bệnh từ atom (nguyên tử) hay tế bào gốc. Nếu bệnh nhân điều trị bằng YHCT ở giai đoạn sớm chưa có triệu chứng, bệnh sẽ đơn giản và dễ chữa hơn.

Đoàn đại biểu Myanmar tham dự Hội nghị YHCT và YHDG lưu vực sông Mekong lần thứ 9

Trò chuyện với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Than Lwin Tun - Phó Vụ trưởng Vụ YHCT Myanmar cho biết, hội nghị lần này là cơ hội tuyệt vời thúc đẩy y học dựa vào bằng chứng cho các bài thuốc dân gian, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi trong nhân dân. Tại hội nghị, Việt Nam đã giới thiệu nghiên cứu mối tương quan giữa ngưỡng đau và hàm lượng β-endorphin trong châm tê phẫu thuật bướu tuyến giáp. Thái Lan giới thiệu Luật Bảo tồn công thức thuốc. Trung Quốc tiến hành cấp phép, bản quyền cho các công thức bí truyền và từ đó tìm ra công thức gốc để có thể lan truyền rộng rãi hơn. Việc bảo tồn các bài thuốc dân gian ở sông Mekong sẽ giúp các di sản này còn lưu truyền mãi muôn đời sau.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn