Hà Nội

Y gia cổ sử dụng hoàng liên như thế nào?

SKĐS - Hoàng liên là vị thuốc thanh nhiệt táo thấp thường dùng trong y học cổ truyền. Ngày nay, người ta dùng dược liệu hoàng liên hoặc tách chiết hoạt chất berberin trong hoàng liên để điều trị các bệnh về tiêu hóa. Còn các y gia cổ xưa sử dụng vị thuốc này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Tính, vị, quy kinh

Hoàng liên có vị đắng, tính lạnh (đại khổ đại hàn).

Quy kinh tâm, tỳ, vị. Theo danh y Vương Hải Tàng (1200-1264), hoàng liên tả tâm hỏa, nhưng thực là tả tỳ.

Công năng, chủ trị của vị thuốc hoàng liên

Theo y học cổ truyền, hoàng liên có tác dụng: Tả hỏa táo thấp, trấn can lương huyết, khai uất, giải khát, trừ phiền, ích can đởm, ích trường vị.

Phàm trị huyết, phòng phong là thuốc dẫn phần trên (thượng bộ), hoàng liên là thuốc dẫn phần giữa (trung bộ), địa du là thuốc dẫn phần dưới (hạ bộ). Do đó hoàng liên với tác dụng lương huyết được dùng làm thuốc dẫn trong các phương thuốc trị huyết nhiệt vùng trung tiêu.

Hoàng liên chủ trị các chứng như:

Tiêu tâm ứ (khứ ác huyết ở tâm khiếu).

Chỉ đạo hãn (có tác dụng lương tâm nên giúp cầm được mồ hôi trộm).

Trị trường tích, tả lị ra huyết. Thấp nhiệt uất mà thành lị, hoàng liên là vị thuốc quan trọng để trị lị. Trị chứng này có bài thuốc Tạng liên hoàn (Cổ Kim Y Thống - Từ Xuân Phủ): chỉ xác, hoàng liên, hòe giác, hòe hoa, hương phụ tử, mộc hương, phấn thảo, phòng phong, tạo giác, trư nha. Trừ hương phụ ra, các vị thuốc tán bột mịn. Bột hoàng liên để riêng. Lấy 130g thương mễ chưng chín, cho hương phụ vào nấu. Sau đó cho vào trong ruột heo, cột 2 đầu lại, chưng chín. Nghiền nát, trộn với bột hoàng liên làm hoàn, to bằng hạt ngô đồng lớn.

Y gia cổ sử dụng hoàng liên như thế nào?Vị thuốc hoàng liên.

Hoàng liên táo thấp khai uất trị các chứng bĩ mãn (chứng đầy ách ngực bụng). Trương Trọng Cảnh trị 9 loại tâm hạ bĩ, đều dùng ngũ đẳng tả tâm thang.

Hoàng liên thanh nhiệt trị phúc thống (đau bụng).

Trị tâm thống phục lương (đau thắt ngực do bệnh mạch vành).

Trị đau mắt (hoàng liên tẩm nhân nhũ hoặc hợp với đương quy, thược dược lượng bằng nhau sắc uống có tác dụng tán nhiệt hoạt huyết).

Trị các loại mụn nhọt, sang giới. Các chứng dạng sang, đều thuộc tâm hỏa, hoàng liên tả tâm hỏa.

Làm sáng mắt (minh mục). Theo Phó Tín phương: Gan dê 1 cái, hoàng liên 1 lượng (37,5g), làm thành hoàn, bài thuốc này gọi là Dương can hoàn, trị các bệnh về mắt.

Hoàng liên giúp định kinh bởi công năng trấn can.

Trừ cam (cam là chứng lở loét), hoàng liên trưng cùng trư can (gan heo) làm thành hoàn.

Trị giun sán.

Trị chứng tâm thận bất giao, dùng hoàng liên cùng nhục quế.

Dùng hoàng liên trị bệnh theo Danh y Lý Thời Trân

Trị lỵ dùng Hương liên hoàn (hoàng liên, mộc hương); Khương liên hoàn (hoàng liên, can khương); Khương hoàng tán (hoàng liên, sinh khương); Tả kim hoàn (hoàng liên, ngô thù du);

Trị khẩu sang (miệng lở loét) dùng hoàng liên, tế tân;

Chỉ hạ huyết (xuất huyết phần dưới) dùng hoàng liên, đại toán;

Sự phối ngũ trên chính là diệu pháp nhất âm nhất dương, hàn nhân nhiệt dụng, nhiệt nhân hàn dụng.

Lưu ý khi dùng hoàng liên

Người bệnh hư hàn cấm dùng hoàng liên. Vị đắng, tính hàn làm tổn thương sự sinh hòa của khí.

Không nên dùng hoàng liên lâu ngày, có thể gây phản nhiệt. Vị đắng gây táo, mà táo quá lại hóa nhiệt tham phản nhiệt.

Cách bào chế và sử dụng vị thuốc hoàng liên

Dùng hoàng liên trị các bệnh khác nhau cần bào chế, sao tẩm phù hợp để đạt hiệu quả trị liệu tốt nhất.

Trị tâm hỏa dùng sinh hoàng liên (dùng sống, không cần sao tẩm).

Trị hư hỏa thì sao giấm.

Trị can, đởm hỏa thì sao dịch mật heo (trư đởm trấp).

Trị thượng tiêu hỏa thì sao rượu.

Trị trung tiêu hỏa sao nước gừng (khương trấp).

Trị hạ tiêu hỏa sao nước muối hoặc nước đồng tiện.

Trị thực tích hỏa sao hoàng thổ.

Trị thấp nhiệt khí phận nước sắc ngô thù du; huyết phận sao nước can tất.

Trị mắt đỏ tẩm nhân nhũ (sữa mẹ).

Khi phối ngũ hoàng liên với các vị thuốc khác để chữa bệnh cần phải chú ý tương tác.

Hoàng cầm, long cốt là xứ dược.

Hoàng liên ố cúc hoa, huyền sâm, cương tàm, bạch tiên bì.

Hoàng liên úy khoản đông hoa, ngưu tất.

Hoàng liên kỵ thịt heo (trư nhục). Lý Thời Trân nói: Có phương thuốc Tạng liên hoàn, hoàng liên trư đỗ hoàn, há kỵ nhục mà không kỵ tạng là sao?

Hoàng liên loại độc ô đầu, ba đậu.


TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Ý kiến của bạn