Hà Nội

Y dược cổ truyền là văn hóa, là di sản

15-12-2022 11:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Điều 4, Luật Di sản văn hóa giải thích, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, về tri thức về y, dược học cổ truyền…

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại Điều 4 của Luật, về giải thích từ ngữ có nêu rõ, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.

Y dược cổ truyền là văn hóa, là di sản - Ảnh 1.

Nhiều bài thuốc quý từ y dược cổ truyền đã giúp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Suốt nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát huy y học cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm "60 năm y, dược cổ truyền Việt Nam đổi mới và phát triển", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trải qua hàng ngàn năm lịch sử y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phương pháp quý báu trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, được lưu truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản này trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, bằng cơ sở khoa học, các y bác sỹ cần nghiên cứu để lý giải các giá trị của các bài thuốc y học cổ truyền của cha ông; góp phần khẳng định giá trị của thuốc y học cổ truyền đối với sức khỏe con người. Có như vậy, người dân mới tin dùng, ngày càng có thêm nhiều người trồng cây thuốc nam, làm nguyên liệu phát triển nền y học cổ truyền nước nhà. Bên cạnh đó, ngành Y tế phải chú trọng nghiên cứu để kết hợp điều trị giữa đông y và tây y; cần chú trọng công tác đào tạo để các bác sỹ tây y cũng am hiểu và có thể kê đơn sử dụng các biện pháp điều trị bằng y học cổ truyền và dùng thuốc nam để phối hợp điều trị.

Tại Hội thảo thảo "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng" diễn ra hồi tháng 8/2022 trên cơ sở đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hưng Yên nhằm triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Y dược cổ truyền là văn hóa, là di sản - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử vẻ vang đấu tranh liên tục chống thiên tai và ngoại xâm để dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó các dân tộc Việt Nam đã tạo dựng nền văn hóa mang nhiều nét đặc sắc và độc đáo, để lại cho đời sau những di sản tốt đẹp, trong đó có di sản quý báu về Y Dược cổ truyền, đã và đang giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong quá trình lịch sử đó, đã xuất hiện ra nhiều bậc đại danh y như Đại danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Hoàng Đôn Hòa…

Thực hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, nhằm tri ân những, công lao, đóng góp, cống hiến của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Đây là hành động mang ý nghĩa thiết thực và có tầm ảnh hưởng to lớn với nền y học cổ truyền nói riêng và nền y học nước nhà nói chung, đó còn là nguồn động viên sâu sắc với toàn thể các cán bộ y tế đã và đang không ngừng đem sức lực và trí tuệ phục vụ công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân".

Lịch sử phát triển của y dược cổ truyềnLịch sử phát triển của y dược cổ truyền

SKĐS - Nền y học cổ truyền được bắt nguồn từ một nền y học dân gian phong phú. Thông qua thực tiễn nhiều đời, các kinh nghiệm được đúc kết thành lý luận phong phú.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn