Y đức trong sáng, nghĩa tình trọn vẹn

25-04-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - BS. Tạ Lưu là Ðội phó của Ðội Ðiều trị 14 được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

BS. Tạ Lưu là Ðội phó của Ðội Ðiều trị 14 được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969 về các chiến công cứu chữa thương binh trên tuyến đường Trường Sơn khói  lửa.

BS. Tạ Lưu sinh năm 1931, quê ở xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1947, ông được cử đi học y tá phục vụ quân đội. Năm 1954, sau khi kết thúc chiến dịch Trung Lào, ông về  làm y tá của Khoa Phẫu thuật, Viện Quân y 108. Trưởng thành từ việc cứu chữa thương binh qua các chiến dịch lớn trở về, ông là một trong những y tá ngoại khá giỏi trong phòng mổ Viện 108, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Năm 1962, ông được tuyển chọn về học lớp bác sĩ tại Học viện Quân y. Lớp có 300 cán bộ được đào tạo toàn diện thành bác sĩ phục vụ cho yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông rất tích cực học hỏi, nâng cao tay nghề với ý thức rằng, càng tinh thông nghề nghiệp, càng giúp được nhiều cho thương bệnh binh.

Anh hùng, BS. Tạ Lưu.

Ði phục vụ chiến trường

Cuối năm 1965, tốt nghiệp bác sĩ, ông được cử về Đội Điều trị  (ĐĐT) 13 để chuẩn bị phục vụ chiến trường. Trong những ngày chờ lệnh, ông đề nghị đưa ban ngoại của ông đi tranh thủ học thêm về hồi sức cấp cứu, truyền máu, phẫu thuật các bệnh thông thường, kể cả mổ sản tại Bệnh viện Gia Lâm. Chưa đầy một tháng, BS. Tạ Lưu nhận được chỉ thị cấp trên bổ nhiệm làm Đội phó ĐĐT 14 phục vụ tuyến đường khói lửa Trường Sơn và yêu cầu ông cùng đội phẫu thuật phải lên đường ngay. Nơi tập kết chỉ cách quê nhà 20km, nhưng ông không kịp về chia tay vợ cũng là một y sĩ bộ đội và 3 con nhỏ ở thị xã Bắc Ninh.

Bốn năm ở Trường Sơn, BS. Tạ Lưu phụ trách Đội Phẫu thuật trụ ở các trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt trên đường chiến lược 15 (Đá Đẽo, Gát, Chóc, phà Xuân Sơn); đường chiến lược 12 (Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời); Lùm Bùm, Na Tông  Siêng Phan trên đất bạn Lào. BS. Tạ Lưu luôn nêu cao tinh thần phục vụ thương bệnh binh, bất kể ngày đêm, lúc nào có thương binh là cứu chữa, có yêu cầu cấp cứu thương binh dưới đơn vị là xung phong đi ngay. Trong nhiều tháng, ngày nào cũng có ca cần mổ, có đợt 5, 6 ngày liền mỗi ngày ông đứng mổ hơn 10 tiếng đồng hồ. Nhiều đêm không được ngủ, ông vẫn tận tình cứu chữa thương binh, quyết giành lại cuộc sống cho đồng đội. BS. Tạ Lưu đã giải quyết nhiều ca mổ phức tạp, đạt kết quả tốt, trong đó có nhiều vết thương hiểm nghèo do bom đạn giặc Mỹ gây ra. Ở chiến trường trang bị thiếu thốn, ông đã nghiên cứu vận dụng kỹ thuật gây mê nội khí quản, truyền tĩnh mạch ngược chiều, truyền máu trực tiếp khi không có dung dịch chống đông... Ông đã học được kinh nghiệm gia truyền chữa rắn cắn, phổ biến cho toàn binh trạm và nhân dân ở khu vực đóng quân. Nhờ đó, nhiều người bị rắn độc cắn đều được chữa khỏi. ĐĐT 14 của ông còn sản xuất thuốc Nam bằng các dược liệu địa phương. Ông rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho các y sĩ trong đơn vị làm thành thạo các phẫu thuật cơ bản ở các tuyến. Các y tá, dược tá làm được nhiều việc ở các chuyên môn khác nhau: nội, ngoại, sản, các chuyên khoa cận lâm sàng, làm cơ sở cho ĐĐT 14 xây dựng được 9 đội phẫu thuật chia ra phục vụ ở các trọng điểm.

Thương binh cần, thầy thuốc có mặt

Trung đoàn 280 pháo cao xạ bảo vệ bến phà Xuân Sơn, đảm bảo an toàn cho lực lượng quân ta vượt sông ra tiền tuyến. Sau một đêm chiến đấu dũng cảm, đơn vị điện thoại cho ĐĐT 14 yêu cầu cử Đội Phẫu thuật vào mổ cấp cứu cho Đại đội trưởng Khán bị vết thương thấu bụng đã bị viêm phúc mạc. BS. Tạ Lưu và 7 cán bộ Đội Phẫu thuật đã xung phong lên đường, không sợ hy sinh, nguy hiểm vì cứu sống thương binh là mệnh lệnh tối cao.

Ôtô chở đội cấp cứu phải đi vào ban ngày, từ nơi đóng quân ở trọng điểm 473 qua đèo Đá Đẽo đến phà Xuân Sơn dài trên 90km rất nguy hiểm vì mật độ máy bay trinh sát và nhiều loại máy bay Mỹ săn lùng suốt ngày đêm, nên các loại xe không được chạy ban ngày. BS. Tạ Lưu và đồng đội đã dùng bùn nhão lấy từ mặt đường 15 trát lên thành xe và mui xe cứu thương để ngụy trang, màu xe lẫn vào màu đất của con đường, làm cho giặc lái dễ mất mục tiêu. Thêm nữa, các đơn vị cao xạ sẵn sàng bắn máy bay Mỹ, các đơn vị công binh sẵn sàng chi viện để chiều hôm ấy xe cứu thương đến nơi an toàn.

Không nghỉ ngơi, BS. Tạ Lưu cùng  cộng sự thực hiện ngay cuộc đại phẫu. Sau khi thăm khám, ông quyết định vừa hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu. Nhờ sự giúp đỡ chí tình của bệnh xá TNXP trên tuyến, nhiều chiến sĩ trẻ đơn vị pháo cho máu, ca cấp cứu đã thành công.

BS. Tạ Lưu chuẩn bị mổ cấp cứu tại Trường Sơn (tháng 2/1970).

Ở trọng điểm Siêng Phan, nơi có địa hình rất hiểm trở, máy bay địch ngày đêm bắn phá, kể cả dùng B52 rải thảm nhiều đợt bom để hủy diệt. Song, công binh, thanh niên xung phong vẫn bám trụ sửa đường, các xe vận chuyển vẫn hoạt động hằng đêm nên thương vong rất nhiều. BS. Tạ Lưu đã đưa Đội phẫu thuật chốt ở đây, đội đã cứu sống nhiều thương binh nặng, hiểm nghèo, trong đó có ca khâu nối mạch máu cho một thương binh bị đứt động mạch đùi bằng chiếc kim khâu do BS. Lưu tự tạo. Ca mổ tốt, được chăm sóc đặc biệt, thương binh được cứu sống với đôi chân còn nguyên vẹn.

BS. Tạ Lưu - Người làm việc tận tụy

BS. Tạ Lưu luôn gương mẫu ở mọi nơi, với những việc rất bình thường như cùng anh chị em ra khiêng cáng thương binh ở ngoài trọng điểm trên đường 15, từ cách xa 3km, phải vượt qua 2 con suối to và 1 con suối nhỏ để đưa về ĐĐT. Các thương binh được đưa đến nơi tập kết, qua chọn lọc, các ca nặng cần chuyển nhanh về trước. Ông hướng dẫn phân loại chấn thương, cách khiêng cáng để bảo đảm an toàn không gây tổn thương thêm. Ông luôn miệng nói, tay làm, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng  mọi người. Giữa các đợt mổ, có bát cháo, phong lương khô hoặc đơn vị có bữa ăn bồi dưỡng, BS. Lưu đều nhớ tới các đồng chí yếu hơn hoặc các chị em phụ nữ. Ông luôn lo cho các đồng nghiệp khỏe để có sức làm việc, hoàn thành nhiệm vụ. Có đợt, mổ xong, ông cởi găng tay, áo mổ, lại cùng anh chị em thu dọn dụng cụ, cùng ra suối giặt giũ săng gạc, áo mổ chuẩn bị cho các cuộc mổ khác.

Tuy gầy gò nhưng sức khỏe lại rất dẻo dai vì ở nơi đóng quân, ông rất chăm tập thể dục và chơi thể thao, tham gia trồng rau xanh tự túc thực phẩm.

Có lần, ông được đơn vị cử ra Bắc để báo cáo điển hình về những chiến công của đơn vị đã lập được tại Hội nghị của Cục Quân y một năm làm theo lời Bác. Ông được cấp trên cho kết hợp nghỉ phép ít ngày. Ông tranh thủ về gia đình, thăm vợ là bộ đội quân y, công tác vất vả nhưng sớm hôm còn tần tảo chăm sóc nuôi dạy 3 đứa con nhỏ. Ông vẫn dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, các gia đình anh chị em đồng đội, tranh thủ giúp đỡ gia đình họ những việc cần giúp ngay.

Tháng 6/1969, Thượng úy quân y, BS. Tạ Lưu 39 tuổi, được lệnh ra Bắc nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông rất cảm động biết lãnh đạo ĐĐT 14 đã làm hồ sơ và thủ tục cho ông. Ông đã góp phần lập nhiều thành tích để tập thể ĐĐT 14 là Đơn vị Anh hùng năm 1973 và Đội trưởng của ông, BS. Lê Văn Đính cũng được phong Anh hùng năm 1976.

Sau 4 năm phục vụ chiến đấu, năm 1970 ông được trở lại hậu phương miền Bắc để học thêm các phẫu thuật cao cấp hơn ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dưới sự dạy dỗ trực tiếp của GS. Tôn Thất Tùng và các học trò thế hệ tiếp nối của giáo sư, sau đó ông được điều về phục vụ tại Khoa Ngoại chung Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 109 (Quân khu II) rồi đi học bổ túc sau đại học 3 năm tại Học viện Quân y Ki-rốp (Liên Xô cũ), khi về được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại chung rồi lên Viện phó, Viện trưởng Viện Quân y 110 (Quân khu I).

Người viết báo, viết văn tâm huyết

Năm 1993, BS. Tạ Lưu nghỉ  hưu sau 47 năm phục vụ trong quân đội. Ông sống phúc hậu, chân thành, giản dị, giàu tình cảm. Những dịp trò chuyện với ông, chỉ sau vài câu chuyện, mắt ông đẫm lệ vì xúc động nhớ về đồng đội, nhớ đến bao đồng nghiệp, chiến sĩ từng sống, làm việc với ông đã hy sinh trong chiến tranh hoặc mang thương tật trở về. Như một tấm lòng thành kính tri ân, ông đã viết rất nhiều bài báo, làm nhiều bài thơ với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ca ngợi những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí, đồng đội, tình bạn, tình thầy trò, tình gia đình..., hơn hết là tình con người với nhau, rồi tập hợp lại xuất bản ra nhiều cuốn sách giá trị. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo được các giải thưởng từ Trung ương tới địa phương. Mỗi  bài viết, mỗi cuốn sách như một thông điệp với người đọc: Hãy sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời để đền đáp công ơn những người đã ngã xuống... Ông viết hàng chục đầu sách. Ông dành để tặng bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp, các thư viện, bảo tàng, nhà trường, bộ đội hải quân, chiến sĩ biển đảo.

Từ 10 năm trở lại đây, BS. Tạ Lưu đã đi nhiều nơi thăm hỏi bạn bè, sưu tầm các kỷ vật kháng chiến, vận động mọi người gửi cho các bảo tàng những kỷ vật quý của họ trong đó có những kỷ vật rất quý của ông bà Tạ Lưu để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và giữ nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Anh hùng, Thầy thuốc ưu tú, Đại  tá, BSCKII. Tạ Lưu rất xứng danh Anh hùng, là tấm gương, là niềm tự hào của các thầy thuốc quân dân y thế hệ Hồ Chí Minh.

Trần Giữu

 

 


Ý kiến của bạn