Theo triết lý phương Đông kiểu cổ điển ngũ thường bao gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân nghĩa tức là đạo đức làm người đứng hàng đầu như Nguyễn Du đã viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Lời thề Hyppocrate đã răn dạy về đạo đức ứng xử của người thầy thuốc với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với thầy dạy và với học trò. Xin trích đoạn kết của lời thề: “Nếu tôi hoàn thành trọn vẹn lời thề này tôi sẽ được hưởng cuộc sống tươi đẹp của nghề y, được mọi người trọng vọng, nếu tôi bội thề sẽ lãnh chịu điều ngược lại và bị trừng phạt”. Ngày 27/02/1955, Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế có đoạn:“Người bệnh phó thác tính mạng nơi các cô các chú, Chính phủ phó thác việc cứu chữa bệnh cho các cô các chú, lương y phải như từ mẫu”.
![]() Bệnh viện công là nơi thực tập, đào tạo nhân lực cho ngành y tế. Ảnh: ĐD |
Công việc chữa bệnh ngày nay đã được chuyên môn hóa sâu sắc. Y thuật đã dùng những công nghệ cao như kỹ nghệ nano, kỹ nghệ nguyên tử ứng dụng vào trong chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện không còn dùng những xi lanh thủy tinh luộc sôi để tiêm hay không còn đếm hồng cầu, bạch cầu bằng soi kính hiển vi nữa nhưng y đức của cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị. Trong sách Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh có đoạn kết: “Những người giữ được lời thề, lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không cầu lợi kể công, sự báo ứng đền đáp chưa có ngay, nhưng sẽ được tích lũy và để lại về sau này”. Những ân đức đó do những người chịu đựng hy sinh thầm lặng cho cứu chữa bệnh tật đã được tôn vinh là thầy thuốc với danh hiệu cao quý là Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân.
Ngày nay, ngành y tế có 1.160 bệnh viện, 95% là bệnh viện công. Ở một số thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số bệnh viện tư mở ra khá nhiều, đã thu hút không ít bệnh nhân đến làm thủ thuật và phẫu thuật. Với mục tiêu lợi nhuận nên đã thu hút được một số bác sĩ có kinh nghiệm từ các bệnh viện quá tải chuyển ra để làm dịch vụ. Bản chất nghề y là nghề dịch vụ, vì vậy, khéo tổ chức, chất lượng hợp lý, chính sách maketing hiệu quả sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân. Các bệnh viện tư đã biết chọn phân khúc thị trường là những thủ thuật và phẫu thuật loại trung bình nên có lãi và hấp dẫn cả cán bộ y tế.
Ở những nước phát triển, các bác sĩ giỏi cũng thường bị thu hút vào các khu vực tư nhân, được mua với giá cao. Y tế công chủ yếu để đáp ứng cho nhu cầu của những người nghèo, cho những trường hợp chữa bệnh xã hội khó khăn như lao, lây, AIDS, bệnh nan y, người cao tuổi… Một số nước như Singapore, Australia có phần hoạt động tư nhân trong bệnh viện công nhằm mục đích giữ thị phần cho những dịch vụ kỹ thuật, thủ thuật hấp dẫn, giữ chân được những người tài. Tuy nhiên, ngay cả tại Singapore và Australia, những người tài cũng không dễ gì giữ được ở tại các bệnh viện công.
Bệnh viện công phải thực thi các chính sách xã hội và cũng là nơi thực tập của các trường đại học, cũng là nơi đào tạo các nhân tài cho xã hội. Cuộc cạnh tranh người giỏi bắt đầu ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 10 năm trước, hiện nay đã lan ra Hà Nội.
Các bệnh viện công cần nắm bắt được xu thế này để phát huy những sáng kiến nhằm mục đích phục vụ bệnh nhân, khám và điều trị tốt hơn, đồng thời phải sáng tạo ra những cơ chế cho những người có khả năng thực thi những kỹ thuật và có thu nhập thỏa đáng. Trong cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế công lập và tư nhân, vấn đề y đức sẽ thay đổi như thế nào?
Y tế sẽ không khác với giáo dục, không khác với ngành điện, ngành xăng dầu và một số ngành còn đang được bao cấp. Việt Nam đang mong muốn các nước trên thế giới công nhận là có nền kinh tế thị trường. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội lành mạnh và minh bạch cũng như mong muốn xây dựng một nền y học hiện đại và trong sáng. Chắc chắn không thể phát triển được bất cứ một công việc gì dựa trên sự giả dối, nhất là đạo đức giả. Việc chữa bệnh cho bệnh nhân cần phải thật thà và hợp tác như Bác Hồ đã dạy. Nếu lợi dụng bệnh nhân, kiếm tiền quá với công sức bỏ ra là tiêu cực như lời của Hyppocrate.
Trong thực tiễn hàng ngày, có rất nhiều các hoạt động từ thiện và các cá nhân tự nguyện lao động thiện nguyện. Những biểu hiện đó cần thiết phải được khuyến khích. Tóm lại, muốn xây dựng nên những điều y đức tốt đẹp nhất, phải công bằng và hiệu quả trong việc khám chữa bệnh sẽ làm nên.
Đề cao y đức trong y nghiệp có nghĩa là cần phải củng cố niềm tin. Muốn có niềm tin, tổ chức y tế và mỗi cá nhân người thầy thuốc phải chính trực, các cán bộ y tế phải có tầm nhìn, ý chí mạnh mẽ. Tiếp sau đó phải có năng lực, kỹ năng hoàn thiện. Cuối cùng, kết quả là thước đo chính xác nhất cho những lời hứa và cho mọi sự đầu tư.
10 nội dung của quy ước Geneve 2006 về y đức: - Tôi xin thề cống hiến toàn bộ cuộc đời tôi để phục vụ sức khỏe mọi người. - Tôi xin dành trọn sự tôn kính và lòng biết ơn của tôi cho các thầy đã dạy dỗ tôi thành tài. - Tôi xin thề suốt đời hành nghề với lương tâm và nhân phẩm của con người. - Tôi xin thề luôn luôn coi sức khỏe của người bệnh là sự quan tâm hàng đầu của tôi. - Tôi xin giữ kín mãi mãi mọi bí mật mà người bệnh đã tin tưởng thổ lộ với tôi. - Tôi xin thề bằng mọi cách với khả năng duy trì bảo vệ danh dự, giữ gìn và phát huy truyền thống cao quý của ngành y. - Luôn luôn coi trọng các đồng nghiệp như anh em ruột thịt của mình. - Không bao giờ để các vấn đề tôn giáo, quốc tịch, chủng tộc, đảng phái chính trị, vị trí xã hội làm ảnh hưởng đến bổn phận của tôi và người bệnh của tôi. - Tôi sẽ cố gắng hết mình duy trì sự tôn trọng đối với cuộc sống con người ngay từ khi còn trong bào thai, tôi sẽ không sử dụng kiến thức y khoa của mình làm điều trái ngược với luật pháp. - Tôi tuyên thề những điều nói trên một cách tự nguyện và vì danh dự của mình. |
PGS.TS. Đoàn Hữu Nghị (Giám đốc Bệnh viện E TW)