Y đức thể hiện cách thầy thuốc ứng xử với người bệnh hàng ngày

11-02-2017 09:24 | Y tế
google news

SKĐS - Y đức không đâu xa, chỉ cần các bạn để ý quan sát cách người thầy thuốc tiếp xúc với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân thì có thể hiểu được ngay.

Bộ Y tế đã vận động cán bộ y tế toàn ngành thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Làm sao để người bệnh hài lòng luôn là vấn đề đặt ra cho tất cả các thầy thuốc, nhất là những nhân viên y tế trực tiếp điều trị người bệnh. Chúng tôi xin kể vài câu chuyện sau đây đã xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh:

Tôi mà biết nó làm sao thì mắc mớ gì đưa nó đến đây!

Một bé được người cha đưa vào phòng cấp cứu nhi, nhân viên y tế hỏi:

- Chào anh, bé bị làm sao vậy anh?

Cha của bé đột nhiên la lớn:

- Tôi biết nó bị làm sao thì mắc mớ gì đưa nó tới đây. Nhân viên y tế mà hỏi như thế à. Bác sĩ phải tự khám và cho tôi biết cháu bị bệnh gì chứ!

Người bác sĩ cảm thấy bất ngờ khi cha của bé phản ứng khó chịu như vậy, nhưng ông bình tĩnh nói:

- À, tôi là bác sĩ trực ở đây. Câu hỏi của tôi chưa rõ ràng làm anh hiểu không hết ý của tôi, cho tôi xin lỗi. Bây giờ tôi xin hỏi lại là anh thấy bé có dấu hiệu gì lạ mà anh phải đưa cháu vô đây khám, cháu bị như thế mấy ngày rồi? Anh có cho cháu uống thuốc gì chưa….

Sau khi lắng nghe và hỏi kỹ bệnh sử của bé từ lúc khởi bệnh tới lúc đưa và bệnh viện như thế nào, bác sĩ nhẹ nhàng khám bệnh cho bé rồi nói:

- Bé bị viêm họng nên sốt và ói nhiều. Hiện tại tình trạng của cháu không cần phải nằm viện, nên tôi cho bé toa thuốc về uống trong 2 ngày, nếu cháu vẫn sốt cao, không cầm được ói thì chiều nay anh đưa cháu trở vào bệnh viện chúng tôi sẽ khám lại. Anh nhớ lau mát cho bé và cho bé uống nước từ từ bằng muỗng, cháu sẽ bớt ói trong vài giờ nữa thôi.

Trong tình huống trên, Bác sĩ trực rất bình tĩnh giải thích cho gia đình hiểu rõ câu hỏi của mình, sẳn sàng xin lỗi gia đình người bệnh khi để người nhà hiểu lầm và khuyến khích người nhà hợp tác với thầy thuốc chăm sóc cho bé. Phàm thầy thuốc cũng là con người, nên thật khó khăn để tôn trọng người đang lớn tiếng với mình hoặc khinh rẻ mình, nhưng người thầy thuốc có y đức luôn luôn thấu hiểu và tôn trọng người bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vì người thầy thuốc hiểu rằng bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đang bị bệnh tật chi phối, nên có những phản ứng rất khác nhau như lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ…Vì vậy họ rất cần sự chia sẻ, cảm thông từ người thầy thuốc.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức Chống độc Nhi, BV Tiền Giang đang tham vấn chăm sóc trẻ bệnh sốt xuất huyết cho người nhà bệnh nhân.

Câu chuyện chiếc phong bì

Một bệnh nhân lớn tuổi vào bệnh viện, Bà rất sợ đau khi tiêm thuốc nên đã đưa một cái phong bì cho điều dưỡng chăm sóc với mong muốn sẽ được quan tâm và tiêm bớt đau hơn.

- Cô ơi, cô cầm chút đỉnh quà để uống nước nha cô, cô chích nhẹ nhẹ dùm.

Người bệnh đưa tay đút cái phong bì vào túi áo blouse của cô điều dưỡng. Cô điều dưỡng bận loay quanh rút thuốc nên không kịp ngăn lại. Cô nói:

- Cám ơn Bác đã quan tâm tới tụi con, đây là trách nhiệm của tụi con thôi mà. Con thực hiện đúng theo kỹ thuật chuyên môn khi tiêm thuốc, nên không đau lắm đâu Bác, Bác đừng có lo.

Sau khi tiêm thuốc xong cho bệnh nhân. Cô điều dưỡng lấy cái phong  bì trong túi ra đặt vào tay bệnh nhân:

- Bác giữ tiền này lại để xài cho những việc rất cần khi nằm viện. Tụi con làm ở đây có lương rồi. Những ngưởi bệnh vào đây không những khổ vì bệnh tật mà con khổ về kinh tế nữa. Tui con không muốn cho gia đình bệnh nhân khổ thêm.

Người bệnh nhân cầm lại cái phong bì, tay run run nói:

- Cô thật tử tế, tôi cám ơn cô nhiều lắm!

Qua câu chuyện trên đây chúng ta thấy cô điều dưỡng trên đây đã làm tốt nhiệm vụ của mình: Cảm ơn bệnh nhân, trả lại phong bì một cách lịch sự, giải thích cho bệnh nhân đây là trách nhiệm của điều dưỡng, làm tốt kỹ thuật tiêm truyền. Để tránh trường hợp người bệnh đưa phong bì cho thầy thuốc, nhân viên y tế phải giải thích rõ nội quy khoa phòng trong đó có quy định bệnh nhân và người nhà không được đưa phong bì quà cáp cho nhân viên y tế khi đang nằm điều trị. Khi bệnh nhân vào điều trị thường rất lo lắng về tình trạng bệnh tật, sợ đau hay sợ các nhân viên y tế không quan tâm, vì vậy chúng ta phải tỏ thái độ quan tâm, niềm nở, hỏi han bệnh nhân tận tình để bệnh nhân yên tâm điều trị.

Trong tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y Việt Nam đã viết: "Người có bịnh cần đến, mời là mình phải đi, không ngại nắng mưa, đêm khuya. Đến là chữa không phân biệt sang hèn. Làm nghề y không phải để kiếm chác phú quí giàu sang mà để thực hành y đạo".


BS. Nguyễn Thành Úc
Ý kiến của bạn