Hà Nội

Y đức qua những điều giản dị

05-06-2014 07:00 | Phòng mạch online
google news

Y đức lặng lẽ tỏa hương qua những việc làm giản dị như thế.

Mua vé số, gọi một chuyến xe miễn phí cho người nghèo về quê, giữ gìn tài sản giúp người bệnh neo đơn… là những việc làm giản dị thường ngày mà toát lên tấm lòng vị tha ở các y bác sĩ và người làm công tác y tế.

Bệnh viện Quận 1 (338 Hai Bà Trưng, P. Tân Định) ở sát bên chợ Tân Định nên thỉnh thoảng đón những người bán dạo, vì đuối sức, cảm mạo hay đau bụng, gục ngã giữa đường, được đưa vào đây cấp cứu.

Bác sĩ Châu Thị Kiều Oanh, người thường xuyên trực cấp cứu kể: “Có lần chúng tôi cấp cứu một người bán vé số. Thấy chị này nghèo nên không thu tiền. Thế nhưng chị vẫn khóc lóc vì sắp đến giờ xổ số mà xấp vé vẫn còn nguyên. Thế là các y, bác sĩ bất đắc dĩ trở thành khách hàng của bệnh nhân. Các khoa khác cũng qua mua giúp”.

Nhiều cháu bé yêu mến bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo vì thái độ ân cần, tận tâm của chị

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo, khoa Nhi, nổi tiếng là “mát tay” bởi dù sáng hay chiều, bệnh nhân luôn được nghe những lời căn dặn hết sức dịu dàng. Với những ca bệnh đặc biệt, chị còn nhắn tin, điện thoại hỏi thăm và rồi thấp thỏm đợi họ tái khám. Cũng vì được bệnh nhi yêu quý mà bác sĩ Thảo có một kỷ niệm “vừa sợ vừa vui”. Lần đó, chị khám cho một bé gái 10 tuổi, thần kinh không được bình thường. Lúc ra về, cháu bé cứ ôm lấy mặt bác sĩ, không chịu buông. Và, trước sự hoảng hốt của mọi người, cháu hôn lên trán bác sĩ. Phụ huynh vô cùng ngạc nhiên vì đi khám bệnh ở nhiều nơi mà cháu chưa từng làm thế. Về sau, cứ mỗi lần tái khám, cháu phải hôn trán hay hôn tay bác sĩ rồi mới chịu về.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, những người khoác áo blouse trắng còn “ôm đồm” cả những việc “không lương” vì bệnh nhân nghèo.

Điều dưỡng Trần Thị Hoa và anh Nguyễn Văn Hiền, nhân vật trong bài: “Không người thân, anh chỉ biết tựa vào đôi nạng gỗ” (Ảnh: Hoài Lương)

Khi anh Nguyễn Văn Hiền, một bệnh nhân ung thư neo đơn từ Cần Thơ đến nhập viện, điều dưỡng Trần Thị Hoa - khoa Xạ trị 3, BV Ung bướu đã đứng ra giúp anh giữ gìn số tiền từ thiện mà bạn đọc Dân trí giúp anh chữa bệnh. Chỉ vì muốn chi dùng ngay cho anh Hiền mỗi khi có việc cần thiết nên chị luôn mang số tiền đó bên mình. Mấy ai biết là, việc này làm chị mất ăn mất ngủ.

Đến khi anh Hiền mãn phần, lại xảy ra rắc rối khi người họ hàng xa làm thủ tục nhận thi hài anh về an táng. Lý do là giấy tờ xác nhận ở địa phương không hợp lệ, phải làm lại. Người nhà thì đã mệt nhoài sau một chặng đường xa nên thất vọng, nhất quyết bỏ về. Thế là, chị Hoa lại “chạy như con thoi”, vừa thuyết phục bên hành chính, vừa động viên người nhà, rồi gọi xe cho họ về… mất luôn cả nửa ngày trời.

Anh Lê Minh Hiển trao quà bạn đọc Dân trí giúp đỡ đến anh Phạm Thượng Uyển, nhân vật trong bài “Số phận cay đắng của người đàn ông bị tai nạn xe máy” (Ảnh: Vân Sơn)

Y đức còn hiện hữu qua giọng nói trầm trầm của bà Trịnh Ngọc Mai, phòng Xã hội, Viện tim (TPHCM) khi bà thuyết phục một đơn vị tài trợ chi phí mổ tim cho một phụ nữ nghèo. Hay là khi BS Lê Minh Hiển, đơn vị Y xã hội, BV Chợ Rẫy gọi một chuyến xe miễn phí chở bệnh nhân nghèo về quê.

Chị Khúc Thị Kim Nguyệt (trái) đại diện Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo, BV Nhi đồng 2 nhận số tiền tài trợ từ các nhà hảo tâm

Đó là khi chị Khúc Thị Kim Nguyệt, Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo, BV Nhi đồng 2 một mình nán lại buổi tối cặm cụi thống kê tiền từ thiện để kịp thời đóng viện phí cho bệnh nhi. Hoặc là khi chị Đặng Thị Phương Nhi và các điều dưỡng khoa Tim mạch chạy đi xin sữa, xin tã cho các cháu bé bị mẹ cha ruồng bỏ…

Y đức lặng lẽ tỏa hương qua những việc làm giản dị như thế.

Theo Dân Trí

 

 


Ý kiến của bạn