Hà Nội

Y đức ở một nơi không bình thường

17-12-2011 18:09 | Xã hội
google news

Làm việc trong môi trường mà nhất cử nhất động của nhân viên đều phải cảnh giác vì có thể bị nguy hiểm, thế nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu bệnh nhân nên họ vẫn quyết tâm ở lại với những bệnh nhân mà xã hội gọi bằng cái tên nghe đến nao lòng – người điên.

Làm việc trong môi trường mà nhất cử nhất động của nhân viên đều phải cảnh giác vì có thể bị nguy hiểm, thế nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu bệnh nhân nên họ vẫn quyết tâm ở lại với những bệnh nhân mà xã hội gọi bằng cái tên nghe đến nao lòng – người điên.

Nguy hiểm luôn luôn rình rập

Tôi đến bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh vào dịp bệnh viện đang được sửa chữa lại, không khí nóng nực cùng với tiếng máy khoan dường như càng khiến người ta trở nên bức bối khó chịu hơn. “Khi nhân viên mở cửa, em phải bước vào ngay, bước dứt khoát, không được đứng lừng khừng giữa cửa ra vào vì có thể bị giập mặt đấy”. Lời bác sĩ dẫn đường khiến tôi chột dạ.

Đến khoa nội trú nam cũng là lúc khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhân chừng 37 tuổi, bệnh nhân lên cơn kích động, đập phá không chịu nhập viện vì cho rằng mình không có bệnh khiến bác sĩ và các hộ lý ở đây được phen “bầm dập” vì bệnh nhân quá khỏe. Tiếp tôi trong phòng khám chừng 6m2, chỉ đủ kê cái bàn khám bệnh và một chiếc giường, ngăn cách với phòng của bệnh nhân bằng cánh cửa sắt kiên cố, như hiểu thắc mắc của tôi, bác sĩ Vũ Đình Vương - Trưởng Khoa Nội trú nam cười “để bảo toàn mạng sống lỡ bệnh nhân lên cơn kích động và làm liều”.

Trong khoảng thời gian làm việc ở khoa này, bác sĩ Vương không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải đi mua cặp kiếng mới để đeo, vì đang khám bị bệnh nhân đấm thẳng vào mặt mà không kịp né. Trước khi “giao” tôi cho các hộ lý ở đây, bác sĩ Vương còn không quên dặn dò “đi đâu phải có nhân viên của khoa đi kèm, không được tự ý đi một mình, nguy hiểm.”

 Y đức đôi khi thể hiện ở những việc làm thật đơn giản!

Cô Tống Thị Minh Lâm - nhân viên hộ lý đã bám trụ ở Khoa Bệnh nhân nam trên 20 năm cho biết, ngoài công việc vệ sinh phòng bệnh, cô phải đút cơm cho bệnh nhân, cắt móng tay, chân, cắt tóc; nhiều bệnh nhân không chịu tắm rửa, sợ họ mắc các bệnh ngoài da nên cô cùng các hộ lý lại phải tắm rửa, vệ sinh cho họ. Mỗi lần cho bệnh nhân uống thuốc, cô phải chờ và kiểm tra họ có uống thuốc hay lại giấu thuốc vào kẽ tay, vào dưới lưỡi… Khi bệnh nhân lên cơn kích động, các hộ lý phải giữ bệnh nhân lại. Không ít lần đút cơm cho bệnh nhân cô bị họ phun cơm, nước bọt đầy mặt. Kể về những lần bị bệnh nhân đánh, cô Lâm cười “Hai cái răng cửa của tôi là răng giả đấy, cách đây gần một tháng có bệnh nhân lên cơn kích động, trong lúc vùng vẫy anh ta đấm thẳng vào mặt, hậu quả là hai chiếc răng cửa bay đi. Cũng may nhờ gia đình bệnh nhân hỗ trợ nên tôi mới lắp được chiếc răng giả”.

Hộ lý Bạch Hoàng Hiển cũng cho biết, anh và đồng nghiệp đã nhiều lần bị bệnh nhân siết cổ suýt chết. Nhớ lại những lần chết hụt, anh Hiển vẫn còn tái mặt: “Lần đó trực đêm, tôi bê ghế ra trước cửa ra vào để canh lỡ bệnh nhân trèo tường trốn viện, đêm buồn ngủ quá nên tôi ngồi ngủ gật, lợi dụng lúc tôi đang ngủ gật, hai bệnh nhân nam lấy mền chụp đầu tôi lại rồi bóp cổ. Nghe tiếng tôi ú ớ, chị Minh Lâm nghe được chạy ra la lên, hai bệnh nhân kia sợ quá và buông tôi ra. Lần khác lúc mở cửa cho người nhà bệnh nhân vào thăm, khi cửa vừa mở, bất chợt tôi bị hai bệnh nhân buồng bên kéo tuột vào phòng và siết cổ, cũng may cô y tá thấy cửa mở mà không thấy nhân viên của khoa đâu nên nghi ngờ và ngó vào phòng bên cạnh, thấy tôi bị siết cổ mặt mày tím tái”.

Đó là vài trường hợp trong muôn vàn trường hợp xảy ra ở đây, có nhân viên phải mang thương tật cả đời nhưng chỉ được coi là tai nạn lao động. Thủ phạm là người mất trí, người bị tâm thần nên bác sĩ chẳng biết kêu ai, họ chỉ bảo nhau “không được đi một mình và luôn luôn nhìn trước ngó sau.”

Y đức trong những điều giản dị

Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân tâm thần lại càng khó khăn gấp bội. Ngoài việc điều trị bằng chuyên môn, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Nhiều lúc các y bác sĩ và các hộ lý còn “hóa thân” thành người bệnh để nói cười tâm sự cùng bệnh nhân. Y tá Nguyễn Thanh Thủy tâm sự: “Thoạt đầu mới vào làm ai cũng sợ nhưng lâu dần thành quen. Không ít nhân viên của bệnh viện bị đánh, bị hất nước vào mặt vì bệnh nhân “ứ chịu mặc quần áo” hay “phải có mẹ em mới chịu tắm cơ”, thậm chí có nhân viên bị bệnh nhân rượt đòi ôm, đòi “yêu”… nhưng đó là những lúc lên cơn còn bình thường họ ngoan lắm. Hiểu được hoàn cảnh và nguồn gốc bệnh của họ nên mình thương lắm. Làm việc ở đây nếu không có tình thương, không có sự cảm thông thì không thể làm nổi…”.

Đang nói chuyện chợt bệnh nhân N.T.T mang vào mấy ly nước ngọt “đãi” các y bác sĩ ở đây với lý do “mẹ con mới cho tiền”, rồi anh lân la trò chuyện, cười đùa. Thấy T. đưa nước ngọt mời và đứng nói chuyện, nhiều bệnh nhân khác cũng bắt chước đem bánh kẹo, trái cây tới “để ăn chung cho vui”. BS. Vương cho biết: “Bình thường bệnh nhân ngoan lắm, rất nghe lời nhân viên ở đây nhưng khi lên cơn họ rượt bác sĩ và nhân viên ở đây chạy lòng vòng khắp khoa. Đối với bệnh nhân tâm thần, sự ngọt ngào dỗ dành để bệnh nhân đỡ căng thẳng thần kinh là rất quan trọng, đôi khi chỉ một phản ứng không khéo, bệnh nhân bị kích động, không những nhân viên rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường mà bệnh tình bệnh nhân càng trở nên phức tạp hơn.”

Làm việc ở bệnh viện tâm thần, ngoài áp lực công việc, y bác sĩ cùng các nhân viên ở đây còn phải đối mặt với áp lực từ người thân và định kiến xã hội. Bản thân họ khi quyết định nhận việc cũng luôn bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ tâm thần ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp… Nhìn bác sĩ, hộ lý ở đây đang dần đến tuổi cần được nghỉ ngơi, tôi chợt giật mình vì không biết liệu những ai sẽ đủ can đảm để tiếp nối công việc của họ. Khi hỏi về vấn đề nhân sự, bác sĩ Vương thở dài: “Đó là nỗi lo hiện nay của bệnh viện và trong những cuộc họp, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra thảo luận để tìm ra giải pháp nhưng khi đăng tuyển chả mấy khi nhận được hồ sơ dự tuyển, có người vào làm được vài ngày rồi cũng lấy lý do này nọ xin nghỉ. Không biết ai sẽ thay thế khi chúng tôi về hưu!”. Đó không chỉ là câu hỏi của bác sĩ Vương mà còn là câu hỏi mà Ban giám đốc bệnh viện đang rất đau đầu tìm phương pháp giải quyết.

Chia tay bệnh viện tâm thần, chia tay những y bác sĩ, những nhân viên hộ lý đang cần mẫn chăm sóc bệnh nhân trong cơn điên loạn, trong đầu tôi thầm nghĩ: “Y đức đâu phải là những điều gì cao siêu, đâu phải là tấm bảng 12 điều y đức treo lên tường để nhắc nhở… Y đức đôi khi chỉ là hành động không kịp suy nghĩ khi đưa tay cho bệnh nhân cắn vì sợ họ trong cơn kích động sẽ cắn phải lưỡi, hay lặng lẽ cắt tóc, móng tay, tắm rửa cho bệnh nhân, khi lặng lẽ “nhập vai” cùng hát, cùng làm thơ, cùng vui buồn với bệnh nhân”. Ở bệnh viện tâm thần này, “y đức” cứ lặng lẽ tỏa hương.

Bài, ảnh: Bùi Thị Lan Anh


Ý kiến của bạn