Thời gian gần đây, dư luận đang nóng với những câu chuyện liên quan đến ngành y như vụ nhân bản xét nghiệm, để bệnh nhân tử vong do lỗi chuyên môn và mới đây nhất là vụ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ gây chết bệnh nhân và đem xác đi phi tang... Những sự việc diễn ra trong thời gian ngắn khiến dư luận hết sức bất bình và cho dù dưới hình thức và bối cảnh ra sao thì dư luận đều cho rằng có sự suy thoái đạo đức, thậm chí là băng hoại đạo đức. Bên cạnh những ý kiến nhìn nhận thấu đáo, khách quan thì cũng có không ít ý kiến chì chiết, quy chụp, thậm chí cả lăng mạ, xỉ nhục theo kiểu tâm lý đám đông khiến cho không ít những người đã và đang công tác trong ngành y cảm thấy đau lòng.
Thực tế, nếu lui lại nhìn nhận một cách thấu đáo mới thấy hết được bức tranh chung của ngành y tế và của xã hội, để từ đó có cách nhìn và tiếng nói xây dựng đối với ngành y.
Các bác sĩ trẻ Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Ảnh: DL |
Trong thời kỳ kháng chiến, tất cả mọi người đều vì mục đích lý tưởng cao đẹp là giải phóng, thống nhất đất nước nên ngành y và các ngành khác đều không nằm ngoài guồng quay đó. Giai đoạn này, người ta không nói đến y đức nhưng các bác sĩ vẫn sẵn sàng cống hiến, mổ xẻ cấp cứu, không quản ngày đêm, hy sinh cả tính mạng để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân. Đến giai đoạn xây dựng đất nước, trong quá trình phát triển, việc bị cám dỗ bởi vật chất và nhiều yếu tố khác khiến không ít ngành đã liên tiếp xảy ra các vụ tiêu cực. Từ những tiêu cực trong ngành giáo dục về dạy học thêm tràn lan, những hiện tượng "tạo thành tích trong giáo dục"; sử dụng bằng cấp giả ngay trong ngành giáo dục để được thăng tiến trong sự nghiệp; gian lận trong thi cử; làm ngơ cho học trò quay cóp trong các kỳ thi, nâng điểm, sửa điểm... đến hàng loạt các vụ việc tiêu cực, sai phạm, tham nhũng lớn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn đã bị phanh phui vừa qua như vụ Vinashin, Vinaline... làm thiệt hại của Nhà nước và nhân dân hàng nghìn tỷ đồng cũng đã khiến dư luận dậy sóng, phẫn nộ... Hay cả chuyện phong bì, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có, tuy nhiên, khi xảy ra bất kỳ sự việc nào, ở cấp độ nào thì ngành y vẫn là ngành được dư luận và xã hội "đặc biệt" quan tâm bởi vì đây là ngành nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.
Nói như thế để thấy rằng, đạo đức ngành y cũng không nằm ngoài đạo đức của xã hội, một mình ngành y thì không thể tự khiến sự suy thoái về đạo đức này bỗng chốc biến mất. Bởi lẽ, đạo đức của một con người hình thành từ cái nôi gia đình - nhà trường - xã hội. Và cho dù Bộ trưởng Y tế này hay Bộ trưởng khác có lên thì những vụ việc tiêu cực vẫn xảy ra là chuyện đương nhiên nếu vấn đề đạo đức xã hội không được giải quyết.
Trở lại câu chuyện của vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, cần phải phân định rạch ròi bản chất của vụ việc. Khi anh làm chết người, đây là lỗi của chuyên môn, của sự quản lý, nhưng khi anh có hành động phi tang xác chết thì đã thuộc về phạm trù đạo đức, là vấn đề chung của xã hội. Chính vì thế, trong những ngày qua, sự việc trên của ngành y tế khiến rất nhiều các bác sĩ trăn trở. Họ trăn trở về những "con sâu làm rầu nồi canh". Song, tất cả cũng mong muốn dư luận hãy để cho pháp luật quyết định, đừng lấy đó để làm tổn hại sự thiêng liêng, danh dự và uy tín của ngành y, vì vẫn còn đó hàng vạn bác sĩ đang ngày đêm miệt mài âm thầm trong mọi lĩnh vực, trên khắp mọi miền đất nước âm thầm hy sinh, cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc. Nhiều tấm gương các y, bác sĩ vượt bão lũ, không quản khó khăn, hy sinh để đến với người dân đã và đang để lại những ấn tượng cao đẹp của người thầy thuốc áo trắng... Hay mọi người không thể thấu hiểu hết muôn nỗi nhọc nhằn của đội ngũ y, bác sĩ đang căng mình lặng thầm cống hiến trong những cơ sở quá tải với đồng lương eo hẹp và trang thiết bị thiếu thốn... Chỉ tính riêng tại miền Bắc, nếu ước tính số ca nặng, cấp cứu, bệnh hiểm nghèo được cứu sống là 1% trên tổng số ca bệnh, thì mỗi năm các bác sĩ tuyến Trung ương cứu sống được khoảng 59.400 người. Như vậy, bình quân mỗi ngày có 162 người được cứu mạng. Con số này e rằng còn quá khiêm tốn so với thực tế. Và nếu nhân rộng ra cả nước với 3 vùng miền thì có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa. Những điều đó rất cần được nhân rộng để đánh thức tính nhân văn, lòng bác ái và quan trọng hơn là cái nhìn công bằng đối với những cống hiến của ngành y.
Nguyễn Phan (Nam Định)