Y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa như thế nào?

25-02-2025 14:23 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quan điểm tư tưởng về y đức hết sức sâu sắc đối với ngành y tế và đã được thực tế ngày càng chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Quan điểm này được Bác nêu ra lần đầu tiên trong lá thư gửi Hội nghị Quân y lần thứ 6 họp vào tháng 3 năm 1948: "Lương y kiêm từ mẫu". Sau đó lần lượt trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Hội nghị cán bộ y tế tháng 2 năm 1955 và thư khen cán bộ, nhân viên quân y ngày 31-7-1967 Người cũng nhắc lại: "Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương bệnh binh".

Cách diễn đạt của Bác ở mỗi lúc, mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng nội dung thì giống nhau và tất cả đều có chung một ý nghĩa. Có lẽ hầu hết người Việt Nam đều biết câu nói này của Bác, nhưng để hiểu cho thật đầy đủ và thấu đáo thì không phải là không còn những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ.

Nội dung cơ bản lời dạy của Bác là về vấn đề y đức

Trước hết Người khẳng định: Nhân viên y tế nói chung và người thầy thuốc nói riêng cần phải có tình cảm, lương tâm và trách nhiệm lớn lao đối với người bệnh. Người đã lấy thứ tình cảm sâu sắc nhất của con người là tình mẫu tử để so sánh. 

Theo Bác, người thầy thuốc phải có cái tâm của người mẹ, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau với người bệnh, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ bệnh nhân với tình cảm và lương tâm như của một người mẹ dành tình yêu thương cho những đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Điều này chính là cơ sở để hình thành nên phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của người thầy thuốc cách mạng.

Y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa như thế nào?- Ảnh 1.

Người thầy thuốc cần phải có tình cảm, lương tâm và trách nhiệm lớn lao.

"Lương y kiêm từ mẫu", có một khía cạnh rất đáng lưu ý nằm ở chữ lương, chữ giỏi trong câu nói của Bác. Theo nghĩa Hán-Việt, lương là tốt, là giỏi, lương tướng là ông tướng giỏi, lương công hay lương y là người thầy thuốc giỏi. 

Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi thuận miệng chúng ta vẫn thường gọi các ông lang, bà mế, những người được đào tạo theo chương trình kiến thức đông y đơn thuần, là các lương y nhưng kỳ thực đâu phải tất cả đều đạt đến trình độ "người thầy thuốc giỏi". 

Ở đây, Bác kính yêu của chúng ta muốn nhấn mạnh một điều: Đã là người thầy thuốc thì phải phấn đấu trở thành người thầy thuốc giỏi (lương y), nhưng "giỏi" không thôi thì chưa đủ mà đồng thời còn phải là một người mẹ hiền (từ mẫu).

Y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa như thế nào?

Y đức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới. Y đức cách mạng theo tư tưởng của Người: Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến mà còn là tinh thần hăng say với nghề nghiệp, luôn luôn chịu khó trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ toàn diện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa như thế nào?- Ảnh 2.

Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh mà còn là tinh thần hăng say với nghề nghiệp, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn.

"Muốn hồng phải chuyên sâu", muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì phải không ngừng trau dồi y lý, y thuật và làm giàu trí tuệ của mình. Điều này không phải chỉ là yêu cầu nghiêm khắc đối với mỗi cán bộ, nhân viên y tế, mà suy rộng ra còn là đòi hỏi bức xức đối với ngành y tế và toàn thể xã hội trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay. 

Nghĩ cho cùng, đây cũng là một trong những nỗi gian nan, vất vả của nghề làm thuốc, đúng như Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã tâm sự: "Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng !".

Kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, suy ngẫm về quan điểm tư tưởng quan trọng và đặc sắc này của Bác đối với ngành Y tế, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc vĩ đại của một con người rất mực giản dị, hiện thân của chiếc cầu nối giữa truyền thống văn hóa Việt Nam với nền văn hóa cổ kim Đông, Tây. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta thêm một lần nữa nhận thức sâu sắc hơn và tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện mình và hoàn thiện ngành nhằm đáp ứng cho nhiệm vụ của công cuộc bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kéo tuổi thọ cho nhân dân trên con đường tiến tới xây dựng một nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng.

Mời bạn xem thêm video

Teaser chương trình Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bản hùng ca Người chiến sĩ áo trắng.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Ý kiến của bạn