Hà Nội

Y đức cần bản lĩnh, trách nhiệm và lòng dũng cảm

08-12-2013 19:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Dư luận cả nước xôn xao và xúc động trước câu chuyện các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Bộ môn Sản - Trường đại học Y Thái Bình đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trên bàn uống nước tại nhà người bệnh ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày 4/12 vừa qua.

Dư luận cả nước xôn xao và xúc động trước câu chuyện các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Bộ môn Sản - Trường đại học Y Thái Bình đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trên bàn uống nước tại nhà người bệnh ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày 4/12 vừa qua.

Dư luận xôn xao không phải vì “chuyện lạ” đáng để kháo nhau trong lúc trà dư tửu hậu và xúc động thật sự có tính lan tỏa nhanh bởi câu chuyện trên là biểu hiện cụ thể, sinh động của khái niệm y đức.

Y đức là một khái niệm với những quan niệm, quy định nhưng dù có cụ thể y đức đến thế nào, bằng bao nhiêu văn bản, công trình nghiên cứu thì khái niệm đó vẫn chỉ là những con chữ nằm bất động trên trang giấy. Các thầy thuốc Thái Bình trong trường hợp vừa qua đã cụ thể hóa một khái niệm và bằng hành động của mình đã đem đến bài học: Muốn có y đức phải có bản lĩnh, trách nhiệm và lòng dũng cảm.

Trước hết là bản lĩnh. Xin bắt đầu từ khâu đầu tiên là nhân viên trạm y tế xã. Trước một nữ bệnh nhân 40 tuổi ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chảy máu liên tục, sốc mất máu, nhân viên y tế xã đã không vận chuyển đến cơ sở y tế, kể cả chuyển tới trạm y tế xã là cách xử lý đúng. Cách xử lý đúng này được chứng minh bằng sự đồng tình của các thầy thuốc tuyến tỉnh khi mà họ được báo đã khẩn trương về và dù có xe cấp cứu với đủ phương tiện cũng không chuyển mà tiến hành mổ cấp cứu tại nhà. Đó là bản lĩnh thầy thuốc trước hết xuất phát từ trình độ chuyên môn vững vàng bởi với tình trạng trên, chuyển bệnh nhân là nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm. Nếu không có trình độ, trình độ hiểu biết tới mức tự tin vào tiên lượng của mình, các thầy thuốc tuyến xã có thể nghĩ rằng trường hợp này quá sức mình thì chuyển đến tuyến cao hơn là hợp lý và như thế không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Các thầy thuốc tuyến tỉnh cũng có trình độ cao và đặc biệt tự tin vào khả năng của mình đã phẫu thuật ngay tại chỗ, trên 2 chiếc bàn ghép lại trong nhà bệnh nhân.

Nói đến bản lĩnh, ngoài trình độ và lòng tự tin từ quyết định của mình còn là trách nhiệm. Với trường hợp không thể chuyển bệnh nhân, thậm chí bệnh nhân mất đến 3 lít máu trước khi mổ, các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Bộ môn Sản - Trường đại học Y Thái Bình vẫn phẫu thuật chứng tỏ thái độ “còn nước còn tát” và trách nhiệm đó, thái độ đó đã được đền đáp xứng đáng là bệnh nhân được cứu sống.

Quan trọng hơn cả là lòng dũng cảm của thầy thuốc. Sự dũng cảm này là kết quả của bản lĩnh và trách nhiệm của thầy thuốc nhưng nhiều khi có trình độ, có hiểu biết, có trách nhiệm nhưng thiếu lòng dũng cảm cũng có khi không lập được chiến công làm dư luận xôn xao và xúc động trên. Trong y khoa, nói nôm na là việc cứu người chả ai dám chắc mình thành công trăm phần trăm bởi có muôn vàn lý do không thể lường trước được. Thử lật ngược lại vấn đề nếu “còn nước còn tát” nhưng không thành công thì sao?

Giả dụ trường hợp đúng như thế này nhưng ở nơi khác và bệnh nhân không qua khỏi? Với thầy thuốc hiểu chuyên môn nhưng gia đình bệnh nhân chắc chắn không hiểu  như thầy thuốc. “Còn nước còn tát”, tát được thì mừng nhưng không tát được liệu y tế xã có bị lên án là vô trách nhiệm? Người nhà tôi máu me chảy đầm đìa như thế, trạm y tế xã không xa mà họ mặc kệ, không đưa ra trạm xá! Bác sĩ tuyến tỉnh ư? Xe cấp cứu với phương tiện đầy đủ, bệnh viện cách có 8km mà họ không đưa đến viện lại mổ tại nhà? Mà mổ tại nhà thì làm sao vô trùng, nhất là ai lại mổ trên bàn nước! Nếu cấp cứu “kịp thời” tại bệnh viện thì có thể qua khỏi mà không qua khỏi chúng tôi cũng đỡ ân hận!

Đưa ra giả dụ này bởi trên thực tế, thầy thuốc cả nước không hiếm trường hợp “còn nước còn tát” nhưng bất khả kháng đã bị hành hung, bị kiện, thậm chí bị sát hại như BS. Phạm Đức Giầu bị người nhà bệnh nhân sát hại cũng ngay ở BV Vũ Thư Thái Bình. Các thầy thuốc trong vụ “mổ trên bàn nước” không phải không biết cái chết tức tưởi vô lý của BS. Giầu cùng trên địa bàn huyện với bệnh nhân trước mặt nhưng họ vẫn dũng cảm gánh lấy trách nhiệm nặng nề trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo như vậy.

Lương tâm thầy thuốc và y đức có trong trái tim, mạch máu, hơi thở họ đã vượt lên mọi suy tính, bất chấp nguy hiểm, phiền toái có thể xảy ra đã làm nên sự dũng cảm, một sự dũng cảm vĩ đại!

Câu chuyện “mổ trên bàn nước” ở Thái Bình rất cần thành bài học cụ thể về y đức để đội ngũ y tế cả nước “rút kinh nghiệm”. Vâng, sao chỉ có việc rút kinh nghiệm trước những bất cập, vi phạm mà không thể rút ra những “kinh nghiệm” từ những tấm gương cụ thể thành bài học y đức sinh động. Những bài học ấy không chỉ có tác dụng với đội ngũ y tế cả nước mà còn làm nhân dân hiểu hơn thầy thuốc của mình trong sự thông cảm và tin yêu.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn