Hà Nội

Y bác sĩ quên ăn chống dịch sởi

23-04-2014 19:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong cuộc chiến chống dịch sởi, những giọt nước mắt không ngừng lăn dài trên khuôn mặt các y bác sĩ. Có nỗi đau nào hơn khi chứng kiến những bệnh nhi mà mình điều trị mãi chìm vào giấc ngủ sâu…

Trong suốt khoảng thời gian trò chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt không ngừng lăn dài trên khuôn mặt các y bác sĩ. Có nỗi đau nào hơn khi chứng kiến những bệnh nhi mà mình điều trị mãi chìm vào giấc ngủ sâu…

Sáng 23/4, khoa Nhi, BV Bạch Mai vẫn tấp nập bệnh nhi đến khám và điều trị. Các bác sĩ cho biết, trong vòng hai tháng trở lại đây, số bệnh nhi mắc sởi nhập viện tăng lên nhiều. Đặc biệt là trong hai tuần gần đây, trẻ bị biến chứng viêm phổi do sởi ngày một đông hơn. 20 bác sĩ cùng rất nhiều nhân viên y tế khác của khoa Nhi lúc nào cũng trong trạng thái gồng mình chống dịch, cứu chữa cho các bé.

Vui là khi bệnh nhân của họ qua được cơn hiểm nguy, nhưng niềm vui chưa được bao lâu, họ lại tiếp tục bước vào trận chiến mới, giành giật sự sống từ tay thần chết cho những bệnh nhi khác - dẫu biết rằng không phải lúc nào phần thắng cũng về tay những người khoác áo blouse trắng.

Cứ 5 ngày, điều dưỡng trẻ Cao Thị Hợp (SN 1988) lại bước vào tua trực 24 giờ. Những ngày còn lại, chị và các đồng nghiệp cũng phải làm cả thảy 10 giờ đồng hồ mà chả mấy khi có lúc ngừng chân ngừng tay. Với khoa Nhi ở một BV hạng đặc biệt như BV Bạch Mai, ngày thường đã lũ lượt bệnh nhi đến khám và điều trị. Những ngày này, tình hình càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. 24 giờ là 24 tiếng đồng hồ đằng đẵng trôi qua chị phải đứng vừa chăm vừa chữa cho các bé, tiêm truyền, theo dõi máy thở, thực hiện y lệnh... Công việc vất vả là thế nhưng với chị áp lực công việc không thấm vào đâu so với nỗi đau của các gia đình mất con vì sởi. Và chính các chị, nhiều khi cũng ám ảnh bởi nỗi đau ấy.

Các y bác sĩ dành mọi nỗ lực để cứu sống bệnh nhi. Ảnh: D.Hải

Các y bác sĩ dành mọi nỗ lực để cứu sống bệnh nhi. Ảnh: D.Hải

Chị kể với chúng tôi trong nước mắt ngắn dài: “Ám ảnh nhất là có những gia đình cả hai con nhỏ đều mắc sởi. Hai anh em chúng, hoặc là song sinh hoặc là anh em như trường hợp bé V.G.K và V.G.B. Cách đây mấy hôm, bé V.G.K đã tử vong vì sởi, gia đình tiễn đưa người anh về còn người em V.G.B ở lại cũng đang trong tình trạng thở máy nguy kịch. Chứng kiến cảnh đau lòng ấy, không ai có thể cầm được nước mắt…”.

Ở lằn ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, gia đình người bệnh cũng hết sức hợp tác với các bác sĩ trong việc điều trị cho trẻ. Với mỗi ca bệnh không thành công, họ cũng thấu hiểu các y bác sĩ đã làm hết sức mình, tận tâm, tận lực. “Máy móc, trang thiết bị, thuốc men, giường bệnh… tất cả đều được huy động tối đa để đảm bảo việc cứu chữa cho các con. Thế nhưng chính chúng tôi cũng cảm thấy bệnh dịch quá kinh khủng, nhiều lúc chỉ biết ngậm ngùi nhìn con ra đi mà thấy lực bất tòng tâm, không biết làm gì hơn thế…”- điều dưỡng Hợp nói.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 22/4, tại BV Bạch Mai có 68 bệnh nhân đang điều trị sởi; số bệnh nhân sởi mới trong ngày là 11 trường hợp. Số bệnh nhân nặng: 11. Số bệnh nhân hiện đang phải thở máy: 6.

Điều dưỡng Phạm Vân Trang cũng chia sẻ: “Đi làm mệt mỏi, gia đình cũng rất thông cảm, động viên nhưng nhiều khi tan buổi làm về đến nhà cảm giác vẫn nặng nề vô cùng. Có bé đã cai máy, dấu hiệu hồi phục tốt, hi vọng sẽ khoẻ mạnh ra viện trong vài ngày tới. Không ngờ bệnh diễn tiến quá nhanh, bé lại thở máy tiếp rồi ra đi mãi mãi…”.

BS. Trương Văn Quý thì thổ lộ nỗi niềm, mỗi lần ký giấy chứng tử là mỗi lần lòng anh nặng trĩu. Nỗi buồn của các gia đình cũng là nỗi buồn chung của các y bác sĩ, của cả khoa Nhi. Những lúc như thế, nhân viên y tế đành phải nén nỗi đau, động viên gia đình bệnh nhân vững tinh thần.

Chăm bẵm một đứa trẻ khoẻ mạnh đã khó, vừa chăm vừa chữa cho trẻ bị bệnh thì có lẽ khó khăn ấy gấp hàng chục lần. Thế mới biết, người ta ví các bác sĩ như những người anh hùng quả không sai chút nào. Họ thậm chí phải làm gấp vài trăm phần trăm sức lực của bản thân, gồng mình chống dịch.

Tâm sự với chúng tôi về công việc hàng ngày, đa số nhân viên y tế ở khoa Nhi cho biết, do quá tải bệnh nhi, công việc bộn bề, chuyện bỏ bữa hoặc ăn trưa lúc… 14h chiều không còn là hiếm. Họ thậm chí còn không có đủ thời gian để ra ngoài ăn một bữa cơm đàng hoàng. Đa số họ đều gạt bỏ mọi những lo lắng thường nhật của cuộc sống, những chuyện riêng tư để cứu người, còn nước còn tát.

Với những gia đình có trẻ nhỏ, lo chống dịch ở bệnh viện nhưng các cán bộ y tế cũng không được phép quên việc phòng bệnh cho gia đình, cộng đồng. Đi sớm về khuya, không có thời gian đón con, ít thời gian chăm bẵm và bồng bế con hơn... đó là những điều mà hầu hết những thầy thuốc đang trải qua.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết: “Để đảm bảo việc chữa trị cho trẻ mắc sởi, chúng tôi đã huy động đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm, được tập huấn kỹ càng về chữa sởi. Chúng tôi vừa tập huấn vừa tiến hành cứu chữa cho trẻ. Tại phòng khám của khoa Nhi cũng đã bố trí khám sàng lọc ban đầu, với những trẻ sốt phát ban, sốt phát ban nghi sởi sẽ phân loại riêng. Trẻ nghi sởi cũng sẽ được tiêm mũi Gamma Globulin nâng cao khả năng đề kháng...”.

Với những nỗ lực vì bệnh nhi, hi vọng mỗi ngày qua đi, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi, để không còn những cái chết thương tâm thêm nữa…

Những hình ảnh PV báo SK&ĐS ghi lại tại khoa Nhi, BV Bạch Mai sáng nay 23/4:

Bộ Y tế cho biết, trong ngày 22/4, cả nước ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc sởi xác định trong số 219 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.527 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.692 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Dương Hải

 

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

 

 

 


Ý kiến của bạn