Y bác sĩ nỗ lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19

27-08-2021 10:02 | Y tế
google news

SKĐS - Mặc dù việc chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn nhưng các cán bộ y tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn nỗ lực hết mình.

Cha đột ngột qua đời, người con trai duy nhất nén đau thương ở lại 'tâm dịch' làm nhiệm vụCha đột ngột qua đời, người con trai duy nhất nén đau thương ở lại "tâm dịch" làm nhiệm vụ

SKĐS - Cha đột ngột qua đời vì tai nạn lao động, điều dưỡng làm nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 phải tiễn biệt đấng sinh thành từ phương xa, không thể về quê nhà chịu tang.

Thậm chí có y bác sĩ là F0 tình nguyện ở lại chăm sóc cho bệnh nhân dương tính.

Trước những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh COVID-19, mới đây, Tổ công tác của Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã đến thăm, động viên các y bác sĩ đang điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đường Nguyễn Ái Quốc, KP7, P. Tân Phong, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (trực thuộc Bộ Y tế, 1310A Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, TP Biên Hòa).

Theo BSCKII Võ Thành Đông - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện có tổng cộng 1145 bệnh nhân và 805 nhân viên. Tính đến ngày 26/8 phát hiện 9 bệnh nhân dương tính COVID-19.

Tổ công tác Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tới thăm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

Tổ công tác Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tới thăm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

“Ngay sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên chúng tôi đã cho làm xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân và các y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện. Riêng 9 trường hợp F0 chuyển đến khu vực riêng để điều trị, chăm sóc và các F1 cách ly tại chỗ.

Bệnh viện bố trí đo thân nhiệt cho mọi người ra vào ngay từ cổng, khai báo y tế. Tất cả các bệnh nhân đều phải khám sàng lọc, sau đó làm test nhanh COVID-19. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân tâm thần nhiễm bệnh nhiều hơn chúng tôi đã bố trí chuyển công năng của Khoa Nhi tâm thần làm nơi điều trị COVID-19”, BS Đông cho biết.

Hiện, số lượng nhân viên y tế của Bệnh viện đã tiêm mũi 1 vaccine đạt 95%, riêng mũi 2 đạt hơn 70%. Về phía bệnh nhân, Bệnh viện đang làm tờ trình xin Sở Y tế Đồng Nai, Bộ Y tế để có thể được tiêm vaccine cho bệnh nhân.

Tổ công tác Bộ Y tế cũng tới thăm, động viên các y bác sĩ làm việc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa. Chia sẻ về tình hình phòng chống dịch cũng như điều trị bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19, BSCKII Bùi Thế Hùng,

Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho biết, hiện Viện có tổng cộng gần 600 bệnh nhân, hơn 130 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 88 ca dương tính COVID-19 (84 bệnh nhân, 4 nhân viên y tế).

Về hướng xử lý, Viện Pháp y tâm thần đã thành lập khu cách ly, điều trị F0 (tầng 1 và 2), bố trí khu cách ly F1 là bệnh nhân; sắp xếp các F1 là nhân viên tiếp tục chăm sóc, điều trị F0 và F1 là bệnh nhân; cách ly tại chỗ đối với F2 là nhân viên.

“Rất may mắn, tính tới thời điểm hiện tại Viện Pháp y tâm thần vẫn chưa có ca bệnh nào chuyển nặng, chỉ có vài ca biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất, bình oxy, thuốc để phòng trường hợp xấu hơn có thể xảy ra, nếu có ca bệnh nặng sẽ chuyển lên tuyến trên…”, BS Hùng chia sẻ.

Đẩy mạnh điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19

Qua kiểm tra tại 2 cơ sở, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Tổ công tác Bộ Y tế đánh giá việc phòng chống dịch cũng như chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 tại 2 cơ sở trên đang làm khá tốt.

Có nhiều nhân viên y tế sau khi dương tính đã ở lại khu cách ly để chăm sóc bệnh nhân là F0, điều này rất đáng trân trọng.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chuẩn bị khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chuẩn bị khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng

Đại diện Tổ công tác, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nhận định, việc điều trị và phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở điều trị, khám chữa cho bệnh nhân tâm thần và đối tượng điều trị bắt buộc là vấn đề rất khó khăn.

“Đã là bệnh nhân tâm thần họ sẽ không có đầy đủ nhận thức về mối nguy hiểm do COVID-19 mang lại, họ có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức. Nhân viên y tế khó có thể kiểm soát hoàn toàn 100% bệnh nhân trốn viện. Những bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19 không có nhận thức và có thể đi khắp nơi nên việc trở thành nguồn lây là rất cao.

Bên cạnh đó, bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và bệnh nhân đang điều trị COVID-19 không thực hiện 5K, ví dụ không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, cũng là một điều rất khó khăn trong công tác điều trị F0. Nhân viên y tế khám, chữa, chăm sóc người bệnh tâm thần vẫn hàng ngày phải cho người ta ăn, tắm, giặt, vì vậy nguy cơ lây nhiễm là rất cao”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cũng hy vọng các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến nhân viên y tế, vấn đề tiêm chủng, trợ giúp cho các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để giữ được sự ổn định, hạn chế tối đa ca mắc COVID-19, khi nhiễm rồi thì vấn đề điều trị cũng cần được quan tâm hơn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

453 trạm y tế lưu động phục vụ F0 ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương


Diễm Hằng
Ý kiến của bạn