Hội thảo được kết nối trực tuyến với 200 điểm cầu là các bệnh viện tỉnh, huyện, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các cán bộ y tế quan tâm đến công tác điều trị COVID-19 trên cả nước.
Tại Hội thảo, các báo cáo viên là chuyên gia đầu ngành của BV TW Huế trong các lĩnh vực hồi sức tích cực, hô hấp…đã chia sẻ những kinh nghiệm về sử dụng thuốc chống đông trên bệnh nhân COVID-19, việc ứng dụng các xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình theo dõi điều trị bệnh nhân COVID-19 và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, từ hướng dẫn đến kinh nghiệm thực hành qua kinh nghiệm thực tế tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
Từ đầu tháng 8/2021, BV TW Huế đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19 trực thuộc bệnh viện tại TP HCM có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 tại TP HCM.
Theo BV TW Huế, từ thống kê kết quả hoạt động cũng như đánh giá của lãnh đạo TP HCM và Bộ Y tế, đây là một trong những trung tâm đã hỗ trợ rất hiệu quả với đa phương thức hoạt động từ cấp cứu hồi sức, điều trị, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội chẩn trực tuyến.
BV TW Huế cũng cho biết, sẽ tổ chức thường xuyên các buổi trực tuyến với nhiều chuyên đề khác nhau. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ TP HCM trong công tác đánh giá, tổ chức hệ thống và các điều kiện cho công tác thu dung điều trị. Công tác đào tạo, hội chẩn từ xa, giao ban và hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực và nâng cao năng lực và giám sát về chất lượng cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19.
Theo GS. TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV TW Huế, bệnh viện là một trong những đơn vị chủ lực tổ chức các buổi hội thảo, hội chẩn, đào tạo trực tuyến (Telehealth) trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động trực tuyến thường xuyên để hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện các tuyến trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, sẽ cập nhật kinh nghiệm từ tuyến đầu chống dịch, ngoài các chuyên đề về điều trị lâm sàng, sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời các lĩnh vực cận lâm sàng, tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược, vật tư thiết bị và các công tác hậu cần khác cho công tác phục vụ điều trị bệnh nhân", GS. TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19