Xyanua nguy hiểm thế nào, cần làm gì khi bị nhiễm chất này?

08-07-2024 07:31 | Y tế
google news

SKĐS - Xyanua là chất cực độc có thể gây ngộ độc qua da, ăn uống hoặc hít phải khí độc. Nạn nhân có thể tử vong sau 3-5 phút nhiễm độc.

Vừa qua, nam bệnh nhân N.H.B.T (18 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) đã rơi vào tình trạng tổn thuơng rải rác vùng vỏ não, tổn thương đa cơ quan sau khi nhiễm độc xyanua. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).

Bác sĩ Nguyễn Phạm Cao Khoa – khoa Nội tim mạch – Lão học - cho biết, dù bệnh nhân đã tỉnh và tình trạng đang dần ổn định nhưng chưa thể tiên lượng được tình trạng của bệnh nhân vì bệnh nhân có tổn thương não. Do mức độ hồi phục tổn thương não của từng bệnh nhân là khác nhau, những ca nặng có thể tổn thương não vĩnh viễn, nếu sống sót có thể sống thực vật hoặc liệt hoàn hoàn.

Xyanua là chất gì?

Cyanide (hay còn gọi là xyanua) là 1 hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon C liên kết ba với một nguyên tử nito N, có thể hiện diện dưới dạng chất lỏng (axit xyanhydric) hoặc chất khí (xyanogen clorua) hoặc chất rắn (muối natri xyanua hoặc kali xyanua).

Xyanua nguy hiểm thế nào, cần làm gì khi bị nhiễm chất này?- Ảnh 1.

Xyanua là chất cực độc có thể gây tử vong sau 3 - 5 phút nhiễm độc.

Ở dạng khí và chất lỏng, các hợp chất xyanua không có màu, đôi khi được mô tả là có mùi "hạnh nhân đắng". Tuy nhiên, rất ít người có thể nhận biết ra mùi đặc trưng này của xyanua.

BS.CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, xyanua là một chất kịch độc thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu…

Đặc biệt, xyanua cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng tươi, khoai mì, cao lương (hạt bo bo), các loại quả hạch (mơ, táo, đào…) và hạt hạnh nhân…hoặc các thực vật bị nhiễm nấm.

Xyanua nguy hiểm thế nào?

Theo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, xyanua có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim…

"Một người trưởng thành khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 3-5 phút sau hấp thụ 50mg xyanua", bác sĩ Thy nói.

Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ...

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu sống sót có thể để lại các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động giống hội chứng giống Parkinson…

Xyanua nguy hiểm thế nào, cần làm gì khi bị nhiễm chất này?- Ảnh 2.

Xyanua được phát hiện trong một số loại thực phẩm như măng...

Cần làm gì khi nghi ngờ ngộ độc xyanua?

Bác sĩ Thy cho rằng, xyanua được hấp thụ rất nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Vậy nên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe và nghi ngờ bị ngộ độc xyanua, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện các thao tác sau:

Trường hợp đang ở trong môi trường nhiều khí xyanua, người dân cần thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Người phát hiện cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra chỗ thoáng khí và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp tiếp xúc xyanua qua da hoặc mắt, người dân cần rửa vùng da, mắt tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.

Các trường hợp ngộ độc xyanua qua đường ăn uống, ngay khi nghi ngờ ngộ độc cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí tình huống cấp cứu (nếu có). Sau đó chuyển nạn nhân đến các bệnh viện có đủ máy móc thiết bị để tiếp tục can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu như lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… khi cần.

Trước lo ngại của nhiều người về việc trong thực phẩm có chứa Xyanua thì có nên ăn hay không, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, khi sử dụng các thực phẩm có chứa xyanua như măng tươi, khoai mì… người dân cần loại bỏ độc tố ra khỏi thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung…trước khi sử dụng và nên ăn ở lượng vừa phải, không nên ăn lượng lớn các thực phẩm trên trong một lần để tránh bị ngộ độc.

Chưa thể tiên lượng khả năng phục hồi của nam thanh niên bị cô ruột đầu độc xyanuaChưa thể tiên lượng khả năng phục hồi của nam thanh niên bị cô ruột đầu độc xyanua

SKĐS - Nam thanh bị cô ruột đầu độc bằng xyanua bị tổn thương rải rác vùng vỏ não và không thể tiên lượng được tình trạng phục hồi.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn