Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên

13-06-2024 17:05 | Xã hội

SKĐS - Bất chấp lệnh cấm, nhiều người vẫn thường xuyên vào rừng sâu thuộc phạm vi Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Say Thầy, Kon Tum) đặt hàng ngàn chiếc bẫy động vật.

Tháo gỡ hàng ngàn bẫy động vật

Lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray (gọi tắt Vườn) cho biết, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Vườn rộng trên 56.000 ha, ngoài các loài gỗ và dược liệu, Vườn đang bảo tồn 1.001 loài động vật.

Trong đó, có nhiều động vật nguy cấp, quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt như bò tót, sói đỏ, beo lửa, gấu ngựa, vọoc bạc, vọoc chà vá chân nâu, vọoc chà vá chân đen, vọoc chà vá chân xám, vượn. Vườn cũng đang là nơi bảo tồn 30% tổng số loài linh trưởng ở Việt Nam.

Ngoài ra còn có nhiều loài khỉ quý hiếm, 10 loài chim được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Đáng chú ý có các loài động vật đặc hữu của Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng như: công, gà tiền mặt đỏ…

Lợi dụng địa bàn của Vườn rộng, nhiều đối tượng đã lẻn vào đặt bẫy động vật. Chính thế nên việc tháo gỡ, phá bẫy đang là vấn đề cấp thiết của Vườn.

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 1.

Các cán bộ của Vườn vào rừng sâu tìm bẫy động vật để phá bỏ, tháo gỡ.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn chia sẻ: "Dù mưa gió hay ngày lễ, chúng tôi vẫn bố trí lực lượng tuần tra, phá bẫy động vật của các đối tượng xấu. Bởi nếu không tháo bẫy kịp thời sẽ uy hiếp đến sự đa dạng của động vật trong Vườn".

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 2.

Bẫy bằng dây có một đầu dây cột vào cây rừng, một đầu dây thiết kế hình tròn dạng thòng lọng để bẫy động vật.

Trong năm 2023, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn tháo gỡ được hơn 16.000 chiếc bẫy động vật. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay tháo gỡ hơn 2.000 chiếc bẫy động vật. 

Trong quá trình tháo gỡ bẫy, nếu phát hiện động vật quý hiếm nào không may sập bẫy thì giải cứu ngay. Một số động vật như khỉ, kỳ đà sập bẫy đã được giải cứu thành công.

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 3.

Từ đầu năm đến nay, Vườn đã tháo gỡ hơn 2.000 chiếc bẫy động vật.

Cõng gạo, cá khô đi "cắm" rừng để phá bẫy động vật

Loại bẫy động vật đặt trong và quanh Vườn được các đối tượng xấu sử dụng rất đa dạng như bẫy lưới, bẫy dây để bẫy động vật nhỏ, bẫy cạp bằng sắt dùng bẫy động vật to. 

Với bẫy dây (dây thép, dây phanh xe), một đầu dây được cột vào cành cây hoặc thân cây rừng, một đầu dây thiết kế hình tròn dạng thòng lọng, khi động vật vướng chân vào thì bị siết chân, vướng cổ vào thì bị siết cổ…

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 4.

Khiêng xe máy qua suối trong hành trình xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật của cán bộ Vườn.

Nhiều nhân viên chuyên gỡ bẫy động vật của Vườn cho biết, mỗi chuyến khởi hành xuyên rừng sâu chúng tôi đều xác định phá bỏ, tháo gỡ được càng nhiều bẫy động vật càng tốt. 

Có những cánh rừng nằm ở nơi hiểm trở, muốn tiếp cận phải lội qua suối nước chảy xiết. Nếu mang theo xe máy (để di chuyển ở những đoạn đường mòn) thì phải khiêng xe qua suối rất vất vả nhưng không ai nản lòng, tất cả vì nhiệm vụ bảo vệ động vật quý hiếm.

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 5.

Một chú khỉ, thuộc loại động vật quý hiếm được giải cứu khi sập bẫy.

Liên tục xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật, ngày 13/6, anh Lê Văn Nghĩa (40 tuổi, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bar Gok trực thuộc Vườn) chia sẻ: "Khó khăn nhất trong việc đi tháo gỡ, phá bỏ bẫy động vật quý hiếm là phải di chuyển trong rừng sâu, địa hình rất phước tạp, nhiều chỗ trơn trượt. Mỗi chuyến đi gỡ bẫy động vật, nhóm cán bộ (3-4 người) chúng tôi ở trong rừng 4 ngày".

Xuyên rừng sâu gỡ bẫy động vật quý hiếm ở Bắc Tây Nguyên- Ảnh 6.

Động vật quý hiếm đang có mặt tại Vườn.

"Mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi cõng theo gạo, nồi, cá khô vào rừng sâu để nấu ăn và ngủ lại. Có ngày cao điểm, một nhóm chúng tôi tháo gỡ, phá bỏ được khoảng gần 100 cái bẫy động vật. Đặc biệt, đang bước vào mùa mưa, lượng động vật đi kiếm ăn nhiều nên vấn đề nhanh chóng tiếp cận những chiếc bẫy để tháo gỡ là rất quan trọng", anh Nghĩa nói.

Nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện ở Vườn quốc gia Chư Mom RayNhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray

SKĐS - Thông qua các thiết bị bẫy ảnh, thu âm tự động và nghiên cứu dấu chân, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum) đã ghi nhận sự xuất hiện một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn