Hà Nội

Xuyên khung và bài Tứ vật thang

18-06-2019 15:19 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Xuyên khung vị cay, tính ôn, có công năng hành khí, hoạt huyết, trừ phong, giảm đau; dùng trị kinh nguyệt bế tắc, nhức đầu hoa mắt... Vị thuốc này được dùng nhiều trong các bài cổ phương cũng như tân phương.

Mô tả cây

Xuyên khung có tên khoa học: Ligusticum wallichii Franch; họ Hoa tán - Umbelliferae (Apiaceae).

Xuyên khung là loại cây thảo, sống lâu năm.Thân mọc thẳng, giữa ruột rỗng, mặt ngoài có đường gân dọc.  Lá mọc so le, kép 2 - 3 lần, lá chét có 3 - 5 đôi, cuống dài, phiến lá rách sâu, khi dùng tay vò ra có mùi thơm, cuống lá dài 9 - 17cm, phía dưới ôm lấy thân. Hoa họp thành tán kép, cuống tán phụ ngắn chừng 1cm, hoa nhỏ, mầu  trắng. Quả loại song bế, hình trứng. Cây trồng sau 2 năm mới bắt đầu thu hoạch.

Phần dùng làm thuốc: củ (thân rễ) phơi hay sấy khô của cây xuyên khung. Lựa củ to, vỏ ngoài đen  vàng, thái lát ra thấy vàng trắng, mùi thơm đặc biệt, không thối nát, chắc, nặng là tốt. Củ như nắm tay, có mấu không đều, nhăn, đường kính 3 - 6cm hoặc hơi to. Mặt ngoài màu nâu vàng, có nhiều mấu vòng tròn hơi lồi, có nhiều vết hình tròn lõm và bướu nhỏ vết của rễ.

Xuyên khung là vị thuốc được sử dụng từ lâu đời trong Đông y có tác dụng lưu thông khí huyết, trừ phong, giảm đau, giảm co thắt, an thần, giảm huyết áp; dùng chữa các chứng bệnh như: nhức đầu, đau mắt, bụng trướng, chân tay tê lạnh, ung nhọt, phụ nữ kinh nguyệt không đều, phụ nữ sau sinh nở bị rong huyết kéo dài, thông niệu, tắc kinh và các bệnh về tuần hoàn máu…

Những nghiên cứu trong y học hiện đại cho thấy xuyên khung có tác dụng chống kết tụ tiểu cầu, chống thiếu máu cơ tim, cải thiện tình trạng thiếu máu não và giảm đau.

Xuyên khung và bài Tứ vật thang Cây xuyên khung

Xuyên khung trong bài Tứ vật, Bát trân

Theo sách cổ Tứ vật là bài thuốc chuyên về điều huyết can kinh, trị chứng huyết hư huyết ứ sinh ra đau kinh, kinh nguyệt không đều. Bài thuốc: thục địa 12 - 24g, bạch thược 12 - 16g,  đương quy 12 - 16g, xuyên khung 6 - 8g.

Đương quy: tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều huyết, thông kinh mạch, dùng làm thuốc bổ rất tốt.

Thục địa: bổ huyết sinh huyết, bổ thận, làm đen tóc, chữa huyết hư, kinh nguyệt không đều, khát nước, tân dịch khô kiệt, ho suyễn… Bạch thược: có vị đắng, chua, vào 3 kinh can, tỳ và phế, có tác dụng dưỡng huyết, nhuận gan, lợi niệu, chỉ thống, chữa đau bụng, kinh nguyệt không đều, bế kinh, phụ nữ bị xích bạch đới lâu năm không khỏi. Giúp tăng cường sức đề kháng, chữa cơ thể suy nhược, ra mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.

Bốn vị thuốc trong bài Tứ vật thang tổ hợp thành chỉnh thể bổ huyết, sinh huyết mà không trệ huyết, hành huyết mà không phá huyết, trong bổ có tán, trong tán có thu, làm thành bài thuốc chính để sinh huyết, bổ huyết cho chị em phụ nữ.

Bài thuốc Tứ vật được coi là “thánh dược” của phụ nữ, nó có tác dụng làm thông đường dẫn huyết, nhưng phần nhiều là người ta sử dụng dưới tác dụng gia giảm. Mục tiêu của bài thuốc là trị cho những người có chứng thiếu máu khiến cho da khô, mạch trầm và nhược, bụng nhão, quanh rốn máy động, và thuốc được dùng cho những người kinh nguyệt không đều, hệ thần kinh thực vật bị rối loạn.

Thuốc được ứng dụng để chữa các chứng kinh nguyệt bất thường, chứng vô sinh, các bệnh của huyết đạo, các chứng bệnh trước và sau khi đẻ (chân yếu sau khi đẻ, lưỡi phỏng sau khi đẻ, cước khí máu sau khi đẻ), các bệnh da (mang tính chất thô), chân tê không vận động được, viêm xương.

Đặc biệt, bài Tứ vật kết hợp với Tứ quân tử thang được gọi là Bát trân thang được dùng cho những người cả khí lẫn huyết đều hư, vị tràng hư nhược, sức khỏe kém, thiếu máu cho nên da khô táo. Bài thuốc Tứ quân (bổ khí) gồm các vị: nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (chích).

Bài Tứ quân chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ, ích khí. Trong đó, nhân sâm bổ khí, bổ chân khí (nguyên khí), bổ 5 tạng có tính cam ôn nên còn kiện tỳ dưỡng vị là Quân; bạch truật khổ ôn để kiện tỳ vận thấp (hóa thấp) phối hợp với nhau để bổ khí kiện tỳ là Thần; phục linh cam đạm để thẩm thấp kiện Tỳ giúp bạch truật tăng tác dụng hóa thấp là Tá.

Cam thảo chích tính cam ôn cũng là bổ khí hòa trung đưa thuốc vào Tỳ làm chức năng điều hòa các vị thuốc giúp nhân sâm ích khí và hòa trung là Sứ.

Cho nên bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn.Bốn vị này có tính hòa hoãn, dễ uống, đều làm ăn ngon, bổ khí.

Bát trân là bài thuốc bổ khí huyết kinh điển, được hợp lại từ hai bài thuốc là bài Tứ quân (tác dụng bổ khí) và Tứ vật (bổ huyết), 2 bài kết hợp lại đều bổ khí lẫn huyết ở hậu thiên đều hư.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: khí là vệ thuộc dương, huyết là dinh thuộc âm; đó là lưỡng nghi ở người, nếu dùng Tứ vật, cố âm cho nên kết hợp cả Tứ quân để bổ cả khí lẫn huyết không lo âm dương thiên thắng cho nên gọi là Bát trân. Khí huyết sung mãn sẽ sống lâu.Như vậy bài thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết kiêm cả hành khí, cho nên không những điều trị huyết hư mà dùng cho cả huyết ứ trệ.

Bài Bát trân dùng để điều trị phụ nữ hiếm muộn, vô sinh do khí huyết suy, người xanh xao, thường mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt... Dùng bài thuốc, người phụ nữ  vừa có thể có thai, vừa nâng cao sức khỏe toàn diện, ăn ngon, ngủ yên.

Bài Bát trân, gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g.

Qua kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi gia: hương phụ 12g, ích mẫu 12g, ngải cứu 6g, huỳnh cầm 12g, sâm Cát Lâm 4g, sa sâm 10g, ngưu tất 4g, đại táo 3 trái.

Ngoài ra, tùy bệnh có thể gia: hồng hoa, đào nhân, đỗ trọng, tục đoạn, kỷ tử, nhục thung dung...

Ngày sắc 1 thang, chia 3 lần uống.

Bài Tứ vật kết hợp với bà Tứ quân lập thành bài Bát trân. Đây là bài thuốc dùng để điều trị phụ nữ hiếm muộn, vô sinh do khí huyết suy, người xanh xao, thường mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt... Dùng bài thuốc, người phụ nữ vừa có thể có thai, vừa nâng cao sức khỏe toàn diện, ăn ngon, ngủ yên.


BS. NGUYỄN PHÚ LÂM
Ý kiến của bạn