Xương sông được Đông y gọi là thiên danh tinh, tên khoa học là Blumea myriocephala, họ Cúc Asteraceae. Xương sông thường mọc hoang hoặc trồng nhiều ở nước ta. Xương sông là loại rau được ưa chuộng làm món ăn, gia vị và làm thuốc. Xin giới thiệu một số cách dùng xương sông phòng chữa bệnh.
Lá xương sông: vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng khử mùi tanh hôi, tiêu thực, tiêu đàm, tiêu máu ứ, thông tiểu, trị cảm ho, viêm họng, tưa lưỡi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau bụng. Tinh dầu xương sông có vị cay tính ấm nên có tác dụng giảm hàn tà, thông kinh lạc. Với tính chất khử mùi, làm ấm bụng và tiêu thực, xương sông có mặt trong nhiều món ăn.
Thịt rắn cuốn lá xương sông trị phong thấp.
Trị phong thấp: rắn chặt đầu, bỏ đuôi, lột da, bỏ hết tạng phủ, róc lấy thịt, băm vụn với rau ngò gai và lá xương sông, vò viên, bọc lá lốt nướng. Món này nên ăn nóng với các rau thơm khác.
Chống dị ứng, tăng khả năng tình dục: thịt con trai băm với thịt heo, gói lá xương xông, nướng. Hoặc thịt bò gói xương sông nướng trên bếp
Giải cảm: nấu cháo cá xương sông cho thêm gừng, hành.
Trừ cảm ho: nấu canh xương sông với rau tần dày lá, thêm thịt heo. Tác dụng bổ chính khu tà, thêm phổi heo để làm mát phổi, chữa ho.
Kháng khuẩn, sưng họng, viêm amiđan, khản tiếng: nước xương sông ngậm trong miệng.
Thường xuyên ăn lá xương sông chữa khí huyết trì trệ, máu nhiễm mỡ.
Hạt xương sông:
Làm tan huyết ứ, cầm huyết: sắc hạt và uống nhiều lần cho tan máu bầm khi bị chấn thương ứ máu.
Tê nhức tứ chi: uống nước sắc hạt xương sông mỗi ngày 15 - 20g chữa đầu ngón tay chân tê dại và mất cảm giác, lạnh tay chân...
Viêm họng: sắc hạt xương xông ngậm và uống.
Lưu thông khí huyết, giúp trẻ lâu: uống nước hãm (hoặc nước sắc loãng) hạt xương sông. Không dùng lâu vì có tác dụng phụ như khô háo trong người, táo bón...
BS. Phó Đức Thuần