Thời tiết là một yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và phát triển của các bệnh lý, trong đó đặc biệt rõ rệt là các bệnh khớp. Khi trời lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến cho các yếu tố gây bệnh như: vi khuẩn, virut dễ dàng tấn công. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp, các gân cơ thường bị co rút gây nên các chứng vẹo cổ cấp do lạnh, các bệnh mạn tính về xương khớp như viêm, thoái hóa thấp khớp cũng trở nặng hơn.
Thay đổi thời tiết làm trầm trọng thêm bệnh xương khớp?
Bệnh lý khớp rất đa dạng, bao gồm các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gút cũng như các bệnh thoái hóa như thoái khớp và đau sau chấn thương. Các bệnh nhân khớp trong từng nhóm đều cảm thấy có sự ảnh hưởng rõ rệt của thời tiết. Chính vì vậy, trên thực tế nhiều bệnh nhân đều nghĩ rằng khí hậu thay đổi và những thay đổi thời tiết đều gây đau xương khớp và thậm chí họ có thể dự báo được thời tiết. Từ năm 1879, Everett lần đầu tiên nghiên cứu ảnh hưởng của sự xuất hiện dông bão lên đau xương khớp trên 50 người, ông nhận thấy những người này đau khớp tăng lên trước khi có dông bão và đau khớp liên quan cả đến tốc độ của cơn dông đang đến. Mỗi một loại bệnh khớp lại có phổ nhạy cảm với thời tiết riêng biệt của mình. Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy các cơn gút cấp thường xảy ra vào mùa xuân hơn là vào mùa hè hay mùa đông. Sự thay đổi thời tiết này dường như còn ảnh hưởng lên các bệnh khác như hô hấp, tai mũi họng, dị ứng.
Người bệnh khớp cảm thấy có sự ảnh hưởng rõ rệt của thời tiết.
Các bệnh khớp hay gặp trong mùa lạnh
Bệnh thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim, hay gặp ở lứa tuổi học đường, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bê-ta tan máu nhóm A. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện viêm khớp cấp. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Viêm khớp có thể tự khỏi nhưng thường khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, viêm khớp kéo dài với các đợt sưng đau khớp cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hoặc vài tiếng, mới giảm bớt cảm giác cứng khớp. Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho chức năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.
Đau vai gáy, đau thắt lưng, viêm các điểm bám tận của các gân vào đầu xương trong chứng bệnh đau cân cơ (fibromyalgia). Bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng, đánh máy tính... Do trời lạnh, các cơ thường co lại để sinh nhiệt (rét run), tư thế “so vai, rụt cổ” do các cơ vùng gáy co lại để hạn chế tối đa trao đổi nhiệt với môi trường lạnh xung quanh. Các tư thế này phải duy trì trong thời gian dài làm cho các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế lâu, gây mệt và mỏi cơ. Có thể đau một hay hai bên bả vai, hạn chế các động tác của cột sống như cúi, ưỡn, nghiêng... Các triệu chứng hay đi kèm là trạng thái mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ...
Thoái hóa khớp là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa của sụn khớp, sụn bị mất tính đàn hồi, mỏng dần đi và nhuyễn hóa, làm lộ tổ chức xương dưới sụn, gây đau và hạn chế vận động. Khi trời lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa, khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hằng ngày cũng bị giảm đi, cũng góp phần làm bệnh nặng thêm.
Một số bệnh cơ khớp khác
Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp. Vai trò của nhiệt độ thấp cũng được đề cập đến trong việc xuất hiện cơn gút cấp. Khoảng 2 - 3 giờ sáng, nhiệt độ của ngón chân cái thấp nhất, do đó các muối urat dễ kết tủa nhất. Yếu tố lạnh còn gây nên hội chứng Raynaud, một tình trạng bệnh lý thường hay kết hợp với các bệnh khớp như luput ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể. Độ nhớt của dịch khớp tăng lên khi nhiệt độ hạ thấp, giải thích sự cứng khớp trong bệnh thoái hóa khớp.
Ngoài các biện pháp bảo vệ sức khoẻ chung như dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, tuân thủ chế độ thuốc men thường xuyên, các bệnh nhân mắc các bệnh khớp cần lưu ý là khi trời lạnh, nhất là kèm theo mưa phùn thì phải giữ ấm toàn thân, nhất là bàn tay, bàn chân, đội mũ, đeo găng tay, đi tất, quàng khăn ấm, đeo khẩu trang khi ra đường. Có thể ngâm nước muối ấm bàn tay, bàn chân, sử dụng túi chườm nóng, lò sưởi, điều hoà nhiệt độ (nếu có điều kiện). Một đặc điểm quan trọng trong điều trị các bệnh khớp mạn tính là phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp, duy trì lâu dài, hằng năm, có khi suốt đời.