Xương cá tra dài 3 cm có nhiều đầu sắc nhọn trong thực quản người đàn ông

25-06-2020 10:10 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sáng 25/6/2020 tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa nội soi can thiệp thành công 1 trường hợp hóc xương cá kích thước lớn cắm vào thực quản.

Ông Trần Văn Chiến, 59 tuổi, huyện Bình Minh – Vĩnh Long, sáng ngày 23/6/2020, ăn cơm với thức ăn là đầu cá tra, sau đó  thấy đau nhiều vùng cổ, ói, không nuốt được, uống khó nên đến bệnh viện địa phương khám. Sáng ngày 24/6/2020 bệnh viện tuyến dưới giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Hình ảnh xương cá khi nội soi

Ông Chiến có tiền sử tăng huyết áp, nhồi máu não 2 lần (cách đây 8 năm), nói khó và không đi lại được.

Sau hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được chỉ định làm nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. BS Phan Văn Tiển - Khoa nội soi đã tiến hành nội soi và phát hiện 1/3 giữa thực quản thấy có 1 dị vật (xương cá) kích thước khoảng 2.5x3cm, có nhiều cạnh sắc, lấy nước bơm thấy xương xuống thân vị, lấy dị vật nhẹ nhàngra ngoài một cách an toàn.Kiểm tra lại thấy có vết xước 2/3 thực quản trên. Sáng 25/6/2020 bệnh tỉnh, không sốt, giảm đau vùng cổ, nuốt được,uống sữa được, không ói.

Xương cá có nhiều cạnh sắc dài 3 cm được lấy ra từ thực quản của bệnh nhân

Theo BS.CKII Bồ Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc thức ăn như hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản.

Mắc dị vật thực quản rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như loét, chảy máu,tạo ổ áp xe, nặng hơn nửa là thủng trung thất hoặc dị vật đâm vào đoạn thực quản có cung động mạch chủ tựa vào gây loét và thủng động mạch…

Sáng 25-6-2020, bệnh nhân tỉnh không sốt, nuốt không đau, uống sữa được

Một số nguyên nhân dẫn đến dị vật đường tiêu hóa hay gặp :

- Ăn quá nhanh và uống quá nhanh, nuốt vội vàng nên những khối thức ăn có dị vật bên trong không được nhận biết và bệnh nhân nuốt  vào đường tiêu hóa

- Vừa ăn vừa trò chuyện

- Nhai không kỹ và không cẩn thận

- Bệnh nhân lớn tuổi không thể cắn và xé thức ăn do răng yếu nên có xu hướng nuốt khối thức ăn có xương hoặc dị vật vào thực quản mà không nhai

- Uống thuốc vội vàng chưa bỏ vỏ chứa cạnh sắc nhọn

- Thói quen dùng tăm tre sau khi ăn và ngậm tăm tre.

Các dấu hiệu điển hình của người mắc dị vật thực quảnnhư sau:

- Cảm giác dị vật, hay còn gọi là cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt

- Không ăn hay uống được

- Khi cố gắng ăn hoặc uống thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng nôn

- Khó thở, tức ngực, đau nóng rát sau xương ức

Dị vật thực quản là một tình trạng nguy hiểm cho mọi giới, mọi lứa tuổi đòi hỏi phải can thiệp điều trị nhanh chóng. Phương pháp điều trị tối ưu là lấy dị vật ra khỏi lòng thực quản càng sớm càng tốt, đồng thời hạn chế chấn thương cho bệnh nhân.

Dị vật đáng chú ý nhất là xương cá. Khi bị hóc không nên chữa mẹo và khi có những triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và có biện pháp điều trị nhanh nhất trước khi bệnh diễn tiến nặng nề hơn.

Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người nên giữ các thói quen tốt như: Ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; thận trọng với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây có hạt lớn, sắc nhọn; cắt nhỏ thịt.

Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn, chú ý chọn thực phẩm mềm cho người già và trẻ em; chú ý bỏ vỏ bao thuốc khi uống - nhất là vỏ có cạnh sắc nhọn.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn