ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (52 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình) nhập viện ngày 14/5/2019 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, nhưng khó quay cổ vì đau. Da, niêm mạc vẫn hồng hào, khám hạch ngoại biên không thấy, tuyến giáp không to.
Bệnh nhân T. cho biết, cách vào viện một ngày bệnh nhân có căn cá, sau đó xuất hiện tình trạng nuốt đau, vướng nhưng không đi khám. Đến 14/5, bệnh nhân thấy xuất hiện khối nhọn vùng cổ trái dưới nghi là xương cá đâm thủng da dưới da nên mới đến BV Tai Mũi Họng Trung ương khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật vùng hạ họng, hạ họng có nhiều dịch, cổ dưới bên trái có khối nhọn nghi xương cá đâm xuyên xung quanh khối, không sưng đỏ.
Hình ảnh xương cá đâm thủng hạ họng bệnh nhân, suýt đâm ra khỏi cổ.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ đường ngoài gắp dị vật là một đoạn xương cá dài 2cm ra khỏi cơ thể người bệnh một cách nhanh chóng.
Theo BS. Thắng, do xương cá đâm thủng hạ họng nên gây tràn khí, bệnh nhân phải ăn qua sonde dạ dày. May mắn, nhờ được phát hiện và xử trí kịp thời nên không gây hậu quả nghiêm trọng, trường hợp này nếu để lâu có thể gây tràn khí trung thất, nguy hiểm đến tính mạng.
Qua ca bệnh này, BS. Thắng khuyến cáo, xương cá, tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải và có thể bệnh nhân không biết bị nuốt dị vật lúc nào. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và phẫu thuật sớm để dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.
Dị vật xương cá 2cm lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Chính vì vậy, khi không may nuốt dị vật hoặc cảm có dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không tự chữa mẹo theo dân gian hoặc cố nuốt đẩy dị vật mắc sâu thêm trong cơ thể.
Người dân cần chú ý khi ăn uống, với các loại thức ăn có xương cần cẩn trọng khi nhai, nuốt, tránh cười đùa nói chuyện khi ăn dễ gây hóc dị vật.