Chẳng thế, mà mỗi khi Tết sắp đến, ai đi làm ăn xa đều cố sắp xếp về quê dù xe tàu những ngày đó thường đông đúc, chật chội.
Các chiến sĩ đảo Đá Lớn trang trí hoa mai đón Tết.
Nỗi nhớ quê nhà cứ đầy lên vào những ngày cuối năm. Tôi còn nhớ, cái Tết đầu tiên xa nhà khi khoác áo lính. Tối ba mươi, sau buổi “hái hoa dân chủ” hát hò tưng bừng giữa đồng đội trẻ măng như nhau tôi bước ra ngoài, trong làn gió bấc buốt lạnh thổi hun hút giữa đêm trừ tịch đen kịt, lòng chợt bùi ngùi khi nghĩ tới người thân. Những năm đó đất nước đói kém, quê tôi lại nghèo, Tết nhất gọi là cho có, chứ gạo thịt được mấy đâu. Thế mà, thằng lính trẻ là tôi vẫn mong được về quê để hít hà cái mùi Tết tỏa lan ấm cúng trong ngôi nhà tranh vách đất tuềnh toàng của mình. Tôi nói thật điều này, chẳng ai quen nổi sự cách xa đâu, kể cả những người lính, nhưng họ chấp nhận hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ được giao.
Thế mới có những mùa xuân ra trận, mùa xuân đánh giặc một thời và mùa xuân giữ nước của chiến sĩ bám trụ nơi biên cương, hải đảo. Các chiến sĩ biết chọn cho mình cách đón xuân bình dị, ấm áp, vui tươi theo kiểu của lính. Khởi đầu của năm, mùa xuân mang trong nó những dự cảm và hy vọng tươi sáng, với các chiến sĩ trẻ đó cũng là cái mốc đánh dấu trưởng thành. Ánh mắt, nụ cười chiến sĩ làm nên vẻ đẹp tâm hồn của cuộc sống, đó chính là một phần mùa xuân của đất nước thân yêu. Năm 1998, khi chưa ra quần đảo Trường Sa, trong một bài thơ in số Tết tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi đã hình dung: Đảo, đảo mọc thành chùm/ Lính làm hoa cho bể/ Mùa xuân Trường Sa trẻ/ Như binh nhất, binh nhì...Hai lần ra Trường Sa, năm 2000 và 2019 tôi thấy hình dung của mình không hề sai chút nào. Hình ảnh lính làm hoa cho bể có thật trong cuộc sống nơi mây nước trập trùng. Nói thêm một chút, chính câu thành ngữ Việt quen thuộc Người là hoa của đất đã gợi ý cho tôi viết câu thơ đó. Trường Sa bây giờ khác trước nhiều lắm. Cả nước đã hết lòng với Trường Sa và Trường Sa cũng không phụ lòng yêu thương, tin cậy của cả nước.
Xuân đoàn tụ, Tết sum họp là ước mong của bao người Việt.
Mùa hè năm 2019, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đi giữa một Trường Sa thực sự sạch - xanh - đẹp, là nơi đáng sống như mình đã từng thổ lộ với bạn bè. Dưới lá Quốc kỳ tung bay, bên bia chủ quyền, cạnh bài thơ Nam quốc sơn hà khắc trên đá, tôi gặp nhiều chiến sĩ trẻ góp phần làm nên một Trường Sa vững chãi và trữ tình như hôm nay. Đấy là gì nếu không phải biểu hiện của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà cốt lõi của nó là lòng yêu nước, yêu hòa bình, yêu thiên nhiên, yêu con người. Chính cái đó hun đúc nên sự can trường, bình tĩnh, khôn khéo khi đối mặt với những âm mưu thôn tính, chiếm đoạt của ngoại bang. Cuộc sống ở Trường Sa toát lên sự nhân hòa của dân tộc Việt. Bản lĩnh dân tộc, tâm hồn dân tộc được thể hiện đậm nét trong ngày thường của những người lính, người dân Trường Sa hôm nay. Tôi đã lưu giữ trong tim mình hình ảnh những người lính đang độ thanh xuân, cùng với đôi mắt đen láy của các em bé, tiếng chuông chùa an nhiên, bầy chim câu lượn vòng trong nắng... ở Trường Sa. Ở đảo Trường Sa có một đường băng, tôi hình dung mùa xuân mới đang hạ cánh ở đó. Giữa mênh mông biển, giữa bao la trời, mùa xuân đang trở lại với chiến sĩ và người dân Trường Sa, như một hẹn hò, như sự kết nối tốt lành. Mùa xuân Trường Sa nối với mùa xuân Tổ quốc trong ánh sáng chan hòa của tình yêu vô tận, của những chăm lo và đền đáp thiết thực.
Không chỉ Trường Sa mà bao nhiêu vùng biển đảo khác của đất nước cũng đang rạo rực khí xuân. Thương lắm những người lính biển đang đón Tết trên các con tàu, trên các nhà giàn thuộc DK1 và trên các đảo xa gần. Nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân sau dằng dặc năm tháng xa cách càng nhân lên gấp bội khi xuân đến Tết về. Tôi tin ai cũng biết điều đó và tôi cũng rất tin rằng, nỗi nhớ ấy không hề làm mờ đi vầng sáng bao la có tên gọi Tổ quốc. Tổ quốc là trên hết! Lớp lớp ông cha xưa đánh giặc cứu nước, lớp lớp con cháu bây giờ quyết giữ gìn cõi bờ, lãnh thổ thiêng liêng cũng vì hai tiếng Tổ quốc. Tổ quốc ngân vọng trong những biểu tượng gần gũi từ thi ca Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên (thơ Anh Ngọc). Tổ quốc là đây, đặt trên vai những người lính hôm nay: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên (thơ Trần Đăng Khoa).
Mùa xuân nơi ở cao nguyên đá Hà Giang.
Mùa xuân cũng đã đến sớm trên những chặng biên cương, bên các cột mốc chủ quyền. Tôi lại nhớ khôn nguôi những vùng miền biên giới mình từng đến với các chiến sĩ biên phòng. Những Bạch Đích có hoa đào nở sớm, Phó Bảng thấp thoáng bóng cây sa mộc trong sương núi ảo huyền, Tây Trang hoa mộc miên đỏ ối, rồi Làng Mô suối nước trong lành... Bao nhiêu vùng đất là bấy nhiêu yêu dấu nồng nàn. Cỏ cây nơi cương vực như cũng muốn nói với ta điều gì đó về bờ cõi nghìn năm. Chỉ một bờ lau thôi cũng chứa chan tâm sự. Ai lên biên giới cho lòng ta theo với/ Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi/ Suốt một đời cùng với gió giao tranh (thơ Chế Lan Viên). Tưởng xa mà hóa gần. Cây cỏ mang hồn nước, hồn người bao thế kỷ. Những thế kỷ dựng nước, giữ nước đầm đìa máu và mồ hôi dân tộc. Để hôm nay, để mai sau trường tồn giang sơn Việt với mênh mang sông núi, biển trời, với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ông cha mình tạo dựng lên. Ông cha ta gửi vào cuộc sống bình dị những minh triết sâu sắc, ví như chỉ một cặp bánh chưng, bánh dày cũng mang đựng cả đất trời, vũ trụ bao la và điều cảm động hơn là lòng tri ân, hiếu thảo được gói gắm trong đó. Bởi thế, bánh chưng, bánh dày dành để dâng cúng đất trời, giang sơn, tổ tiên trước khi con cháu được thụ lộc thảo thơm.
Tết Việt luôn hướng về nguồn cội. Những người lính chúng ta thấm thía lắm điều thiêng liêng đó. Dù ở đâu, biên cương hay hải đảo thì người lính vẫn dành góc trang trọng nhất cho Tổ quốc. Trên bàn thờ Tổ quốc không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng gói lá dong và cả bánh chưng gói bằng lá bàng vuông. Hậu duệ của chàng Lang Liêu truyền thuyết, những binh nhất binh nhì hôm nay biết soi vào cội nguồn trong để thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha/ thấy mình là nụ, là hoa/ hương thơm tự thủa xưa xa thơm về/ thạp đồng rung nhịp đam mê/ nghìn năm kẽo kẹt sinh quê, đẻ làng/ rộng dài một dải giang san/ linh thiêng trời đất đa mang khởi đầu! (thơ Nguyễn Hữu Quý).
Một dân tộc hạnh phúc không thể không có cội nguồn, giang sơn và hòa bình. Chúng ta đã có những thứ cao quý đó, nên không thể không đem hết tâm sức, trí tuệ gìn giữ nó. Sức mạnh của dân tộc, thời nào cũng vậy có phần đóng góp của quá khứ. Một quá khứ bi tráng, nhân hậu còn tỏa sáng đến hôm nay và mai sau!