Xung quanh vụ “nước thánh chữa bách bệnh” ở Đà Nẵng: Ngành y tế vào cuộc

16-04-2009 07:10 | Thời sự
google news

Vùng quê nghèo xưa nay vốn dĩ yên tĩnh bỗng nhộn nhạo, náo động hẳn lên khi hằng ngày có hơn 1.000 lượt người từ khắp nơi đổ về.

Vùng quê nghèo xưa nay vốn dĩ yên tĩnh bỗng nhộn nhạo, náo động hẳn lên khi hằng ngày có hơn 1.000 lượt người từ khắp nơi đổ về. Đã xuất hiện các băng nhóm giang hồ về đây đòi bảo kê, thu tiền người dân đến lấy “nước thánh”. Đáng lo ngại hơn, nguồn thông tin từ cơ quan y tế cho biết, khu vực xung quanh giếng đã từng là ổ dịch tả trong nhiều năm liền.

Chỉ vì nghe kể, nghe nói...

Vừa quệt dòng “mồ hôi mẹ, mồ hôi con” nhễ nhại trên khuôn mặt đã nhăn nheo, cụ bà Trương Thị Gia ( 70 tuổi, trú tại thôn Kim Liên - P. Hòa Hiệp - Liên Chiểu - Đà Nẵng) không giấu được vẻ mừng rỡ: “Chầu chực, chen lấn từ sáng tinh mơ đến chừ mới “xin” được đó cô. Tui già rồi, lắm bệnh. Nghe mấy người trong xóm chỉ cho, nên cũng sắm một mâm quả lên miếu ông Hảo khấn để xin ông ít nước về uống”. Dù đã thấm mệt sau nhiều giờ chen lấn, xô đẩy và chờ đợi, nhưng bà Gia rất hài lòng với “chiến lợi phẩm” là can nước 10 lít lặc lè trên tay. Chưa kịp hỏi bà Gia về công hiệu của “nước thánh”, bà đã kể một thôi một hồi: “Có một ông ở dốc Đồn, gần chợ Hòa Liên bị ung thư quai hàm đã lâu, bệnh viện trả về rồi, chỉ còn chờ chết thôi, rứa mà xin nước thánh ở đây về, vừa uống vừa xoa, mới có mấy ngày thôi mà đã bục mủ khỏi hẳn rồi”. Trong khi bắt chuyện với mấy người đang ngồi chờ đến lượt ở ngoài sân miếu, chúng tôi còn nghe được nhiều câu chuyện ly kỳ hơn. Có người phụ nữ còn kể: “Bà Đ. bị ung thư giai đoạn cuối, thuốc tây thuốc ta đủ cả rồi nhưng cũng bó tay. Rứa rồi một đêm bà được một ông Tiên về báo mộng là cứ lên vùng Trường Định ở Đà Nẵng, tìm đến gốc cây si trăm tuổi mà khấn vái, đến khi nào được “ông” chứng bằng cách cho nước sủi bọt thì lấy về uống sẽ khỏi. Rứa mà chừ bà ấy khỏi thiệt, đi lại phăm phăm”. Có nhiều “phiên bản” về sự linh ứng, như chuyện bà Tâm bị ung thư phổi, khạc ra máu rồi, nhưng uống nước ở miếu ông Hảo thì lành lặn, mạnh khỏe trở lại; rồi một người đàn ông ở Hòa Liên, bị quai bị, chỉ uống “nước thánh” ba lần mà tự khỏi... Chỉ khi chúng tôi hỏi lại rằng có biết nhà bà Đ. ở đâu không, hay đã gặp bà Tâm chưa thì đều nhận được những cái lắc đầu giống nhau: “được nghe kể”, “nghe bà con nói rứa”...

 Những người dân thiếu hiểu biết xúm quanh giếng nước chờ múc “nước thánh”. Ảnh: PV

Thế nên, “một đồn mười, mười đồn trăm”, từ gần một tuần nay, khu vực xung quanh miếu ông Hảo, dòng người đổ về không ngớt. Xe máy dựng la liệt chật kín cả con đường độc đạo, lởm chởm đất đá. Dưới sông cũng tấp nập ghe thuyền được người dân thuê từ Nam Ô ngược dòng Cu Đê để “tập kết” lên miếu xin “nước thánh”. Nhang khói, hoa quả, vàng mã... được bày khắp ngôi miếu chênh vênh trên sườn núi, thậm chí có người thắp hương làm lễ ngay cạnh gốc cây si, gần giếng nước sát mé sông để... xin “ông chứng” cho. Hàng chục người tụm quanh cái giếng, ghé sát miệng giếng, căng thẳng theo dõi để chờ... nước sủi bọt. Chừng ấy con người cứ luôn miệng lẩm nhẩm: “Lạy ông, ông chứng cho, ông cho nước sôi lên đi”. Đến khi nước sủi bọt, mọi người ồ lên rồi tranh nhau múc lấy múc để. Thậm chí, có người uống luôn nước ngay khi vừa múc dưới giếng lên.

Nguy cơ về dịch bệnh

Đã có nhiều dịch vụ ăn theo từ khi rộ lên vụ “nước thánh” chữa được bách bệnh như: buôn bán nhang đèn, hoa quả, vàng mã; đưa đón khách bằng xe ôm, ghe thuyền... Thậm chí đã xảy ra ẩu đả giữa một nhóm thanh niên có ý định bày ra chuyện bảo kê, chém chặt khách khi muốn vào khu vực này với người dân địa phương. Theo chúng tôi được biết, chiều ngày 10/4, Lê Quang (1983, trú phường Hòa Hiệp Bắc - quận Liên Chiểu) cầm đầu một nhóm thanh niên có mang theo hung khí lên đây đòi lập trạm, thu tiền những người đến xin “nước thánh”. Bị mọi người phản ứng, nhóm thanh niên này đã xông vào múc nước rồi ngậm trong miệng phun vào mọi người. Bức xúc trước hành động ngang ngược này, hai người dân thôn Trường Định vào can ngăn liền bị số thanh niên này xông vào đánh tới tấp. Cũng may vụ xô xát không để lại hậu quả xấu vì lực lượng công an và dân phòng xã Hòa Liên đã kịp thời có mặt.

Trước tình hình người dân các nơi vẫn tấp nập đổ về khu vực miếu ông Hảo để xin “nước thánh”, từ ngày 13/4, chính quyền huyện Hòa Vang đã quyết định “phong tỏa”, cho “cắt” các tuyến đường bộ vào khu vực này. Không đi được bằng đường bộ, nhiều người đã tìm cách chuyển qua đi đường sông bằng cách chuyển sang đi thuyền từ Nam Ô ngược sông Cu Đê lên bến đò thôn Trường Định để tiếp tục vào giếng. Đứng trước tình hình này, theo ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên thì chính quyền địa phương đã thông báo cho các chủ đò chỉ được chở người của thôn Trường Định qua sông. Nếu phát hiện chủ đò nào chở người lạ sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép hành nghề lái đò. Lực lượng công an, dân quân, dân phòng và phòng tài nguyên cũng đã thành lập các tổ chốt chặn để không cho người dân vào khu vực miếu. Ông Thu cũng cho biết thêm, ngoài việc tuyên truyền, đưa ra cảnh báo cho người dân, tổ chức họp dân để quán triệt tình hình, địa phương cũng đang cho đúc tấm đanh bê-tông để bịt miệng giếng tạm thời. Lãnh đạo chính quyền địa phương kiên quyết là vậy, nhưng tình trạng người dân rồng rắn đến “giếng thần” vẫn tiếp tục. Có lẽ chính quyền và cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp mạnh hơn để giải quyết.
 

        Chiều ngày 13/4, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng đã cử đoàn cán bộ chuyên môn đến giếng nước ở miếu ông Hảo lấy mẫu nước về xét nghiệm. Trao đổi với phóng viên, ThS.BS. Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, cuối tuần này sẽ công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước. Được biết, liên tiếp trong 2 năm 2002 và 2003, thôn Trường Định – nơi có “giếng thần” miếu ông Hảo – đã từng bùng phát dịch tả. Ông Thạnh cũng cảnh báo rằng trong điều kiện nắng nóng kết hợp với mưa bất thường như mấy ngày vừa qua, việc tập trung một lượng lớn người dân lại không có khu vực vệ sinh nên sẽ chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho dịch bệnh bùng phát.

Hà An


Ý kiến của bạn