Hà Nội

Xung quanh vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018: Sự trung thực và trả giá

22-04-2019 09:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Có những thầy giáo vì yêu trò mà không cần chỉ thị, công văn, công xá, khen thưởng đã lặng lẽ đi tìm và chứng minh sự gian lận để trả lại lẽ công bằng cho những thí sinh học thật thi thật.

Cũng có những “thầy” vì yêu tiền, yêu mình mà sẵn sàng gian dối, vi phạm pháp luật những mong “có công” với cấp trên hư hỏng để dễ bề thăng tiến. Hơn bao giờ hết, xã hội đang cần những giá trị thật nằm đúng vị trí...

Vì học sinh đi tìm sự thật

Công bằng mà nói, có lẽ vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình... bị phát giác bắt đầu từ... đề thi của Bộ GD-ĐT! Năm trước, thí sinh thi vào các trường “hot” đạt 27 điểm vẫn phải ngậm ngùi chọn trường khác hoặc đợi năm sau nên kỳ thi 2018, các “thầy” gian lận “rút kinh nghiệm” cứ gian vống lên nên khi so sánh “tương quan lực lượng” là sự gian lận dễ lộ ra.

Dễ lộ nhưng không có ai xắn tay nhảy vào làm rõ thì sự bất công vẫn chỉ là những nghi ngờ, đồn thổi, những tấm tức bất lực. Điều thú vị trong vụ phát hiện gian lận thi cử này lại bắt đầu từ... cảm xúc trước những thủ khoa, á khoa!

Từ đêm 11/7/2018, lúc 0h, khi Sở Giáo dục-Đào tạo các tỉnh bắt đầu công bố điểm thi của các thí sinh. Rất nhanh chóng, sáng 11/7, hàng loạt báo, trên mạng xã hội, mọi người đã tổng kết được 11 thí sinh có tổng điểm thi các môn cao nhất cả nước. Trong đó, ngạc nhiên nhất là khi nhìn vào danh sách 11 thí sinh này thì gần một nửa thí sinh đến từ Tây Bắc: Hà Giang, Sơn La và một số tỉnh khác và đặc biệt với những điểm 8,8-9,5 vượt trội so với mặt bằng cả nước. Ở đâu cũng có thể có học sinh giỏi nhưng giỏi “toàn diện” như những em Toán 9,6, Văn 9,75, tiếng Anh 9,8 thì quả là hiếm hoi. Vào trang facebook các thủ khoa thấy 2 thí sinh trường chuyên Hùng Vương của Phú Thọ được điểm 10 Toán nhận rất nhiều lời chúc mừng của thầy cô, bạn bè cùng lớp mà sao ở Hà Giang, những “thủ khoa” tịnh chả thấy lời chức mừng ngoài lác đác mấy câu chúc của họ hàng mà ngược lại, không thiếu những lời bình đầy phẫn nộ. Rồi những học sinh vốn rất giỏi gửi tin nhắn về các thầy bày tỏ cảm xúc thất vọng, thậm chí có bạn tuyệt vọng vì trước khi đi thi có bạn so với đề năm ngoái tự đặt ra mục tiêu 27, 28, 29 điểm nhưng khi nhận về chỉ được 23, 24 điểm vậy mà có người “giỏi toàn diện” rất đáng ngờ khi cả hai khối thi đều có điểm cao chót vót (thường chỉ tập trung vào 1 khối thi chứ ít ai Toán Văn, Lý, Sinh ở những khối thi khác nhau đều cùng điểm cao), nhất là đề thi lần này khó hơn kỳ trước rất nhiều...

Chứng kiến những giọt nước mắt của thí sinh học thật, thi thật và khi nhận được thông tin bất bình ở Hà Giang, thầy giáo trẻ Vũ Khắc Ngọc cùng hai đồng nghiệp đã rất phẫn nộ, trái tim các thầy đã thôi thúc cần phải vào cuộc và lên tiếng. Điểm nghi vấn đầu tiên của các thầy bắt đầu từ Hà Giang với điểm cao theo khối, những em trên 27 điểm của 2 khối A, A1 riêng tỉnh Hà Giang gần bằng một nửa so với cả nước. Bên cạnh đó, sự bất thường hiện ra khi bằng kinh nghiệm thực tế, các thầy chưa bao giờ thấy những cá nhân thí sinh hội đủ những yếu tố cao nhất nhì cả nước, đặc biệt Hà Giang vốn là nơi vùng cao đặc biệt khó khăn, điểm thi đứng thấp nhất cả nước nhưng lần này điểm cao nổi trội.

Với những lập luận xuất phát từ thực tế và phân tích khoa học của các thầy, sự thật được phơi bày trên báo chí và mạng xã hội khiến Bộ Giáo dục vào cuộc tương đối kịp thời và tích cực. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của công an, sự chỉ đạo của Thủ tướng nên sự việc không bị chìm xuồng, bước đầu đã vén được bức màn che tiêu cực ở khu vực Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Xã hội hoan nghênh sự nghiêm minh của pháp luật đã khởi tố bắt giam những thầy “cướp điểm” và đặc biệt hoan nghênh sự dũng cảm đứng ra vạch trần sự gian dối trong kỳ thi 2018 này. Các thầy đã chịu nhiều áp lực khi công bố những phân tích dữ liệu điểm thi của Hà Giang từ chính những người không tin kết quả đó, họ không tin hoặc không muốn tin. Họ phản ứng ngược với nhóm các thầy. Bên cạnh đó là áp lực từ những phụ huynh có quyền thế trên Hà Giang, thậm chí là cả điện thoại và tin nhắn đe dọa. Khi bắt đầu sự việc, bạn bè, đồng nghiệp các thầy cũng khuyên việc nghiêm trọng như thế dừng đi, theo đuổi làm gì vì cũng chả đi đến đâu. Họ nói người ta cũng chẳng xử lý sự việc đấy đâu mà lại đi xử lý mình và các thầy đã chiến thắng chính mình từ tình yêu thương học sinh để thắp lên niềm tin vào công lý!

Điểm thực điểm giả của một số thí sinh và các thông tin liên quan (nguồn: TTO)

Điểm thực điểm giả của một số thí sinh và các thông tin liên quan (nguồn: TTO)

Điểm thực điểm giả của một số thí sinh và các thông tin liên quan (nguồn: TTO)

Ngược với sự dũng cảm và trung thực

Những ngày qua, chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trên báo chí, mạng xã hội và cả ở đời thực đều xoay quanh việc gian lận điểm thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Có lẽ trong hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa công khai đoạn clip ghi lại cảnh tiêu cực trong Kỳ thi THPT năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) thì vấn nạn gian lận thi cử lại mới “nóng” trong xã hội tới như vậy.

Ngoại trừ 114 thí sinh được nâng điểm tại Hà Giang đã được đưa về điểm gốc trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 thì có tới 64 thí sinh tới từ Hòa Bình, 44 thí sinh đến từ Sơn La đã nhập học vào các trường đại học trên cả nước. Dư luận bức xúc cho rằng 222 chỗ ngồi trên giảng đường của thí sinh học thật thi thật đã bị cướp trắng trợn mà các sinh viên gian lận điểm đã chiếm chính là nỗi đau của nền giáo dục nước nhà, là nỗi lo về tương lai đất nước khi nguyên khí quốc gia bị lãng phí, thay bằng những thủ khoa dỏm.

Gọi các “thầy” trong đường dây “cướp điểm” là cướp quả không sai bởi bất cứ ai dùng sức mạnh cơ bắp hay tiền bạc, quyền lực trong tay để đoạt cái mình không có đang trong tay người khác đều là cướp. Không thể tin có những lãnh đạo trong ngành giáo dục tỉnh có thể trắng trợn hô biến 3 bài thi 0-0-0,75 điểm thành “thủ khoa” của một trường quân đội! Họ không vì “bệnh thành tích” của tỉnh khi mà mặt bằng điểm thi trong tỉnh không cao. Họ cũng không bị thần kinh hay say rượu bỗng nổi hứng nâng khống điểm bài thi bất kỳ. Vậy họ dám liều lĩnh bất chấp pháp lý và đạo lý vì gì? Vì gia đình một chủ cửa hàng lớn trong tỉnh? Vì những quan chức trong đó có cả Bí thư Tỉnh ủy đến phó chủ tịch huyện? Xưa Cao Bá Quát chấm thi chỉ vì trọng tài thí sinh do sơ suất phạm húy trong bài đã thương mà lấy muội đèn xóa đi sơ suất cuối cùng bị trị tội nặng. Nay bài 0 điểm thành 9 điểm chắc chắn không phải vì trọng, tiếc tài năng do sơ suất mà vì gì cả xã hội đều biết sẽ chịu hình phạt thế nào đây? Phụ huynh và học sinh không muốn các “thầy” vào tù nhưng muốn có một nền giáo dục công bằng, đất nước chọn người đúng khả năng ngay khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời nên cần, rất cần sự xử lý nghiêm minh!

Sự giả trá, gian lận không vô tình và đã khởi tố những kẻ “cướp điểm” thiết nghĩ phải xử lý nghiêm những ai tạo động cơ cho kẻ cướp điểm. Các cháu thí sinh chắc chắn không có tiền, quyền lực và quan hệ với các thầy nên chắc chắn phải là bố mẹ các cháu. Thật ra, ai cũng thương con cháu và muốn chúng có một tương lai xán lạn nên có thể có lúc mụ mẫm nhờ vả, chạy điểm nhưng khi bại lộ phải dám làm dám chịu. Xã hội lại nổi sóng khi một vị đứng đầu một tỉnh phát biểu một câu xanh rờn: “Tôi rất buồn khi con gái tôi bị nâng điểm!”. Và xa hơn, ông còn vu cho những người vì ông mà phạm tội “Có thể có kẻ xấu cố tình nâng điểm để bôi nhọ lãnh đạo”!!!

Cuộc sống cần một trật tự xã hội. Thi cử và việc công bố điểm vốn là điều phải làm kể cả sau khi phúc tra, chấm thẩm định. Thế nhưng việc công bố điểm sau khi chấm thẩm định vốn là việc đương nhiên của Bộ GD-ĐT lại thành khó hiểu khi Bộ này “đá” sang... Bộ Công an! Rồi đây đó trưng ra mục đích “nhân văn”, “vì tương lai các cháu (gian lận)” để phá vỡ chính quy chế của Bộ GD-ĐT là công bố kết quả thi của thí sinh sau khi thi. Không hiểu các vị “nhân văn” nghĩ gì khi một thí sinh vi phạm quy chế thi như đem điện thoại vào phòng dù chưa có hành vi gian lận cũng bị đình chỉ thi trong khi các thí sinh được “cướp điểm” không hề phải chịu trách nhiệm? Không lẽ các cháu khi làm bài xong không biết mình làm bài sao và kết quả cao chót vót là “tài sản trí tuệ” của mình để yên tâm bước vào giảng đường đại học top cao? Người lớn “cướp điểm” và các cháu liệu có phải là kẻ tiêu thụ thứ ăn cướp được không?

Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý theo các quy định của pháp luật, cần phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, minh bạch trước xã hội. Nếu điều tra, xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ vụ việc gian lận điểm thi đến cùng. Có hay không việc phụ huynh hối lộ, đã có dấu hiệu vi phạm thì cần công bố rõ danh tính và xử lý sai phạm để lấy lại niềm tin của xã hội. Việc giấu diếm danh tính phụ huynh có con được nâng điểm là hành vi nguy hiểm, bởi nó sẽ làm cho người dân mất đi niềm tin vào nền giáo dục, vào hệ thống tư pháp nước nhà. Thực chất quan hệ kẻ nâng điểm và người nhờ nâng điểm là quan hệ hối lộ và nhận hối lộ. Hối lộ bằng tiền, hối lộ bằng hy vọng tiến thân sau này lớn hơn tiền mà thôi! Hai nhóm người hối lộ và nhận hối lộ để có hành vi gian lận điểm thi cần phải bị trừng trị bằng pháp luật để răn đe, ngăn chặn những hậu quả sau này.


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn