Cả thể lực và tầm vóc người Việt đang dưới xa chuẩn quốc tế, thậm chí ở nhóm cuối so với khu vực, gắn với điểm yếu chí tử của thể thao học đường, chế độ dinh dưỡng. Ðề án mang tính quốc gia đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng do thiếu kinh phí…
Nam thanh niên Việt đang thua người Thái 8cm
Hàng loạt vấn đề đã được đặt ra tại hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri về phát triển, thể lực tầm vóc được tổ chức mới đây với rất nhiều nỗi lo lắng, trăn trở.
Nhiều môn thể thao đòi hỏi VĐV phải có tầm vóc vượt trội.
Có thể thấy, là dù đang tăng trưởng tương đối tốt kể từ sau 1975 nhưng chưa đạt yêu cầu. Người Việt, rõ nhất là thanh thiếu niên, đang yếu và thiếu “chuẩn” cả về sức mạnh lẫn sức bền chung cũng như chiều cao thân thể so với mặt bằng chung châu Á và ĐNÁ. Đơn cử như chiều cao thân thể, nam thanh niên Việt Nam (trung bình 163,7cm) đang thua Nhật Bản, Thái Lan 8cm, trong khi sự chênh lệch này ở nữ tương ứng là 4cm và 2cm. Nguyên nhân chủ yếu là do xã hội và các gia đình chưa chú trọng đúng mức về dinh dưỡng, thể dục thể thao cho thiếu niên nhi đồng, đặc biệt từ thời kỳ bào thai cho đến 15 tuổi (tiền dậy thì và dậy thì).
Nếu cứ để tình trạng phát triển theo kiểu tự phát kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, giống nòi Việt Nam, khó đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ðến 2020, phấn đấu cao thêm gần 4cm
Từ thực tế của các nước, đặc biệt thành công như Nhật Bản (1950 - 1975), Việt Nam thực hiện qua 1 thế hệ mới có thể cải thiện rõ rệt thể lực và tầm vóc. Chúng ta có một thuận lợi lớn là vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển “bù” sau chiến tranh.
Về cụ thể, tầm vóc thân thể của thanh niên nước nhà sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: với nam, đến 2020, chiều cao trung bình 167cm; năm 2030 là 168,5cm. Trong khi ở nữ, đến 2020; chiều cao trung bình 156cm, năm 2030 là 157,5cm. Như vậy, chỉ 10 năm nữa, thanh niên Việt Nam trung bình có thể cao thêm gần 4cm (nam 3,3cm và nữ 4cm).
Cùng đó, thể lực, nhất là sức bền và sức mạnh của đa số thanh niên cũng sẽ phải có bước tiến lớn, căn cứ vào các tiêu chí như chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường, lực bóp tay thuận… Đề án thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong 20 năm, phân thành 1 giai đoạn, lấy 10 tỉnh thành để chỉ đạo trọng điểm. Trong đó, đối tượng tập trung sẽ là bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thanh thiếu niên đến 18 tuổi. Hai nhóm giải pháp chính, có tính đồng thời là về dinh dưỡng và TDTT, ngoài ra còn có các yếu tố về gen, di truyền. Mục tiêu chung của đề án hướng tới nâng cao một cách căn bản chất lượng con người trên các phương diện nguồn nhân lực, giống nòi, tuổi thọ, từng bước tiếp cận với chuẩn chung của quốc tế.
Chậm tiến độ nghiêm trọng vì kinh phí
Triển khai từ 3 năm trước, song đến thời điểm này, đề án gần như vẫn giậm chân tại chỗ ở bước khởi động và thực sự mới chỉ có các hoạt động thưa thớt liên quan đến truyền thông. Một phần lý do bởi đề án vẫn đang thiếu một “đầu mối” đảm bảo các điều kiện cần thiết, chưa có sự kết nối giữa các bộ, ngành hữu trách. Tuy nhiên, điều quyết định, đề án đang gặp khó về kinh phí khi chưa có 1 đồng nào trong những khoản được Nhà nước bao cấp, mà tai hại hơn lại thuộc về những đầu việc cơ bản ban đầu. Nó khiến cho cả 1 chương trình mang tính quốc gia rơi vào tình trạng… mòn mỏi chờ đợi.
Phải mất 10 năm, đề án mới được phê duyệt và thật đáng buồn, kế hoạch 10 năm coi như đã mất “trắng” 3 năm. Không chỉ chậm tiến độ nghiêm trọng mà cả đề án cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nguồn kinh phí 6.000 tỷ đồng đang bế tắc
Theo đề án, tổng kinh phí huy động cho việc thực hiện đề án lên tới 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ngoài nguồn chủ yếu được xã hội hóa, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo khoảng 500 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau 3 năm, nguồn kinh phí này gần như đang bế tắc. Ngành thể thao cũng chưa thể thuyết phục và thống nhất được với các bộ ngành hữu trách, trực tiếp là Bộ Tài chính để được “rót” kinh phí. Nguồn xã hội hóa cũng mới chỉ đạt được kết quả hết sức hạn chế với tổng trị giá, chủ yếu là sản phẩm, chưa nổi 10 tỷ đồng.
Nếu như không tạo ra được một sự đột phá, có lẽ những người thực hiện dù có tâm huyết, nỗ lực đến đâu cũng chỉ còn cách… bó tay. Đề án này đang đứng trước nguy cơ giống như chương trình phát triển thể thao cơ sở trước đây đã thảm bại vì các nội dung, giải pháp có tính khả thi rất thấp cũng như không có kinh phí. Đề án cũng tiếp tục phơi bày thực tế buồn khi khả năng kết nối liên ngành trong những công việc lớn mang tính tổng hợp của ngành thể thao luôn yếu kém.
Ý kiến người trong cuộc
* “Chậm thế này thì… căng quá”
“Ðề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam có thể coi như một chiến lược quốc gia, mà nếu thực hiện tốt có thể tạo ra sự thay đổi căn bản của cả dân tộc. Nhưng quả thật, chậm tiến độ như thế này thì quá đang lo ngại, và thực tế đề án đã bị ảnh hưởng. Trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội chuyên trách chúng tôi sẽ giám sắt chặt chẽ việc thực hiện đề án, cũng như có đề xuất tới Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành dành cơ chế, giải pháp cần thiết cho đề án” – Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội)
* “Nan giải nhất là vấn đề kinh phí”
“Khó khăn lớn nhất của đề án chính là vấn đề kinh phí thực hiện, nhất là nguồn đầu tư mang tính “kích cầu” phục vụ các công việc ban đầu từ nhà nước. Cách đây 1 năm, ngành thể thao đã soạn thảo một Thông tư hướng dẫn về định mức, cơ chế tài chính gửi sang Bộ Tài chính song đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi. Tất nhiên, chúng tôi vẫn đang quyết tâm, nỗ lực tìm cách tháo gỡ, và thực tế cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nếu cứ như thế này phải nói thật rằng rất khó đảm bảo”- Lâm Quang Thành (Giám đốc Ban Ðiều phối đề án).
* “Chỉ quan tâm bao giờ bóng đá Việt thắng Thái Lan”
“Là người hơn nửa thế kỷ gắn với mảng giáo dục thể chất, tôi xin nói thật nhận thức và sự đầu tư của chúng ta cho việc nâng cao thể lực tầm vóc, cụ thể hơn là giáo dục thể chất trong trường học hãy còn quá bất cập. Ngay cả nhiều đại biểu quốc hội, tôi cũng chỉ thấy quan tâm bao giờ bóng đá Việt thắng Thái Lan, chứ đâu có chú ý gì đến thực tế người Việt, nhất là thanh thiếu niên, đang có thể trạng như thế nào, đang rèn luyện ra sao và so với chuẩn khu vực, thế giới. Ai cũng thừa nhận giáo dục thể chất vô cùng quan trọng, khẳng định luôn chăm lo thích đáng song thực tế đó là mảng phụ, yếu nhất của hệ thống giáo dục” - Vũ Ðức Thu (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ÐT)
X.C (ghi)
Nguyên Anh