Trong bài phát biểu hằng đêm hôm 30/6, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky cho rằng các cuộc tấn công vào khu vực biên giới Nga đã giúp bảo vệ mạng sống.
Theo người đứng đầu Nhà nước Ukraine, những quyết định táo bạo cần phải được đưa ra và đó là những quyết định mà Kiev cần.
Ông Zelensky nói: “Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác của mình. Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc để đạt được những quyết định cần thiết”.
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng thế giới càng sớm giúp đỡ Kiev đối phó với chiến đấu cơ của Liên bang Nga mang theo bom thì nước này càng có khả năng tấn công sớm vào cơ sở hạ tầng quân sự và sân bay quân sự của Liên bang Nga.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra sau khi các lực lượng Nga hôm 30/6 đã tấn công trung tâm Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bằng một quả bom dẫn đường, khiến một người thiệt mạng, 8 người bị thương và đốt cháy các tòa nhà cũng như xe cộ.
Về phía Ukraine, theo hãng tin AP, giới chức nước này đang thúc giục Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington sản xuất để tấn công sâu vào Nga.
Cuối tháng 5, các phương tiện truyền thông đưa tin Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lặng lẽ “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí của Mỹ nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì “mục đích phản công ở khu vực Kharkov”.
Sự thay đổi chính sách này sau đó đã được Tổng thống Biden xác nhận. Ông nhấn mạnh Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất “ở gần biên giới với Nga, nếu Moskva dùng vũ khí ở phía bên kia biên giới tấn công các mục tiêu cụ thể ở Ukraine”.
“Washington không cho phép Ukraine tấn công sâu hơn 320 km vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi không cho phép họ tấn công vào Moskva, hay Điện Kremlin”, ông giải thích vào thời điểm đó.
Sau đó, Lầu Năm Góc tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp ngoài khu vực Kharkov để đáp trả một cuộc tấn công xuyên biên giới từ Nga, miễn là họ không sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ của nước láng giềng.
Tuy nhiên, ba quan chức Mỹ giấu tên được AP phỏng vấn xác nhận rằng Chính quyền của ông Biden vẫn không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Các chỉ huy Ukraine cũng nói với hãng tin này rằng các quy tắc giao chiến hiện tại vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng ATACMS.
Chỉ huy pháo binh Ukraine có biệt danh Hefastus cho biết: “Nếu Mỹ đảo ngược chính sách này, Kiev có thể nhắm mục tiêu vào các căn cứ chỉ huy lữ đoàn Nga và toàn bộ nhóm phía Bắc, vì chúng nằm cách tiền tuyến 100 đến 150 km”.
Ông Egor Cherniev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về an ninh quốc gia Ukraine, nói: “Thật không may, chúng tôi vẫn không thể tiếp cận các sân bay và máy bay của Nga do tầm bắn hạn chế của vũ khí. Đây chính là vấn đề”.
Ông cũng cho rằng các đồng minh phương Tây nên dỡ bỏ hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự hạn chế ở Nga.
Một chỉ huy đại đội thiết bị bay không người lái của Ukraine lưu ý rằng "thật vô lý khi Nga đang tích cực tiến vào lãnh thổ Ukraine, mà chúng tôi không thể tấn công lại bên trong lãnh thổ của đối phương, nơi họ cất giữ hậu cần và vật tư".
Theo AP, trong khi các quan chức Ukraine hy vọng có thể thuyết phục Mỹ chấp thuận sự thay đổi chính sách này, họ vẫn tin rằng chỉ có tình hình chiến trường tuyệt vọng mới có thể mang lại điều đó.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin cho biết các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp “gần giống với hành động xâm lược”. Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin cũng cảnh báo rằng Moskva sẽ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác, bao gồm cả Triều Tiên, để đáp trả việc phương Tây cung cấp hệ thống tầm xa cho Ukraine.