Sau hơn 120 năm thành lập, đặc biệt sau gần 40 năm xây dựng và phát triển kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân. Viện Pasteur TP.HCM đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng.
Những con số biết nói
Viện Pasteur TP.HCM ra đời năm 1891, do bác sĩ người Pháp Albert Calmette thành lập theo ý tưởng của nhà khoa học lỗi lạc Louis Pasteur, là Viện Pasteur thứ hai được thành lập sau Viện Pasteur Paris. Viện Pasteur là viện đầu ngành về y tế dự phòng, vi sinh, miễn dịch của khu vực phía Nam. Từ khởi đầu chưa có mạng lưới y tế dự phòng, Viện đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn xây dựng được mạng lưới y tế dự phòng tại tất cả các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để thực hiện công tác phòng chống bệnh tật, đây là thành tích đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Viện Pasteur TP.HCM.
Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Viện đã cùng với ngành y tế cả nước hoàn thành xuất sắc các mục tiêu “Thiên niên kỷ” của Chương trình Quốc gia về loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm các ca mắc và chết do sốt xuất huyết (SXH) Dangue, viêm não. Nhờ đó tỷ lệ bệnh tật đã giảm rõ rệt; bệnh bại liệt từ 272 ca/năm đến 1997 không còn phát hiện trường hợp nào và năm 2000 đã thanh toán được bệnh bại liệt; uốn ván sơ sinh giảm 58 lần; Bạch hầu: giảm 102 lần; ho gà giảm 337 lần. Khống chế thành công các dịch bệnh tối nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm H5N1, cúm đại dịch, dịch SXH Dengue, tay - chân - miệng, giúp hạn chế tử vong và không để xảy ra dịch lớn.
Là vùng trọng điểm của cả nước với bệnh SXH chiếm hơn 80% của cả nước do đặc điểm tự nhiên, tập quán sinh hoạt và tình hình dịch tễ. Nhiều năm qua, Viện với vai trò là Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia (2008-2009) và khu vực về phòng chống SXH đã chỉ đạo và cùng các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện các chương trình hành động phòng chống SXH một cách hiệu quả, đạt mục tiêu chung: giảm tỉ lệ chết, tỉ lệ mắc, khống chế không để xảy ra dịch lớn; trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á có số mắc, số tử vong tăng cao gấp nhiều lần. Thực hiện dự báo, giám sát dịch tễ học, virut học, chương trình hóa bệnh SXH, đã phục vụ tốt công tác phòng chống dịch, được quốc tế đánh giá cao, góp phần làm cho tình hình bệnh SXH không còn diễn tiến theo chu kỳ rõ ràng như trước; giảm tỉ lệ chết/mắc đều mỗi năm duy trì tỷ lệ dưới 0,09%, giảm tỉ lệ từ 455/100.000 dân năm 1998 xuống còn 199/100.000 dân năm 2012.
Một thành tựu rất mới nữa của Viện Pasteur TP.HCM là việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng chống SXH, dự kiến 1 - 2 năm tới sẽ được lưu hành. Đây là nghiên cứu vắc-xin ngừa bệnh SXH đầu tiên được chứng minh là an toàn và có hiệu quả. Với kết quả nghiên cứu này, vắc-xin sẽ giúp giảm khoảng 50.000 - 60.000 trường hợp mắc SXH hàng năm. Đây là thành tựu vượt bậc và đáp ứng mong ước từ lâu của người làm công tác phòng dịch.
Nhằm bảo vệ hàng triệu trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến và hàng chục nghìn trẻ em không chết hay tàn phế do các bệnh nhiễm khuẩn hiểm nghèo, Viện Pasteur TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng đến 100% xã, phường thuộc khu vực phía Nam. Kết quả: năm 2000 đã thanh toán được bệnh bại liệt, năm 2005 loại trừ uốn ván sơ sinh, đây là thành công rất lớn của ngành y tế Việt Nam...
Cái nôi của những nhà khoa học nữ được vinh danh
Với vai trò là một viện nghiên cứu y học, Viện Pasteur TP.HCM đã có những nghiên cứu phát triển y sinh học đưa vào công tác phòng chống dịch bệnh. Viện là nơi đầu tiên trong cả nước phát hiện ca nhiễm HIV vào năm 1990; là một trong những đơn vị đầu tiên nghiên cứu về HIV kháng thuốc tại nước ta...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham quan Phòng truyền thống của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng viết lưu niệm tại Phòng truyền thống.
Trong hoàn cảnh khó khăn đã tự sản xuất được hơn 31 triệu vắc-xin BCG ngừa bệnh lao; hơn 2,5 triệu liều vắc-xin ngừa bệnh dại là vắc-xin duy nhất phòng bệnh dại tại Việt Nam với chất lượng tốt và giá thành phù hợp, là công cụ hiệu quả nhất trong việc kiểm soát bệnh dại tại thời kỳ bệnh này đang ngày càng gia tăng. Viện cũng đã sản xuất nhiều bộ sinh phẩm chẩn đoán phục vụ cho phòng chống dịch như bộ kít chẩn đoán virut Dengue, viêm não Nhật Bản, bộ sinh phẩm AFP-nano trong chẩn đoán dị tật thai nhi và ung thư gan nguyên phát. Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận về chất lượng 4 phòng xét nghiệm và Trung tâm cúm Quốc gia là những phòng xét nghiệm chuẩn thức, những phòng xét nghiệm này không chỉ giúp xác định các tác nhân gây bệnh mà còn được công nhận trên toàn thế giới.
Đặc biệt, theo PGS. Phan Trọng Lân, năm 2003, Viện trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - nay là Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng với cán bộ, các nhà khoa học của Viện giải mã thành công bộ gen hoàn chỉnh virut cúm A/H5N1 gây bệnh trên người là cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn về sản xuất kít chẩn đoán, vắc-xin ngừa cúm trên người, và gia cầm. Và cũng trong năm này, lần đầu tiên ở Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM đã nghiên cứu phát hiện virut Entero 71 gây bệnh tay - chân - miệng nặng trên người.
Với những cống hiến và hy sinh thầm lặng, các nhà nữ khoa học của Viện Pasteur TP.HCM đã vinh danh không chỉ cho ngành y tế mà cả nền khoa học nước nhà bởi những giải thưởng danh giá: tháng 2/2009, TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm đã vinh dự là cán bộ y tế đầu tiên của Việt Nam được Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý cho những đóng góp không mệt mỏi trong hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Cao Thị Bảo Vân - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM vinh dự nhận giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao tặng cho nhà nữ khoa học xuất sắc nhất năm 2008. PGS.TS. Trương Thị Xuân Liên - nguyên Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM với giải Nhất hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 8 năm 2005” và hàng chục giải thưởng qua các hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và TP.HCM, VIFOTECH các năm...
Phát biểu nhân dịp trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Viện Pasteur TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Viện Pasteur TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực y tế dự phòng, vi sinh, miễn dịch, nghiên cứu khoa học..., khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Viện cần phát huy truyền thống của 124 năm hình thành và phát triển, của những thành tựu 40 năm qua để trở thành đơn vị hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực y tế dự phòng và có uy tín cao trong khu vực Đông Nam Á, đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Từng là Viện trưởng Viện Pasteur, thấu hiểu sự vất vả và những hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất xúc động khi chia sẻ: Trong quá trình 124 năm hình thành và phát triển của Viện Pasteur, đặc biệt 40 năm trong hòa bình và thống nhất đất nước, Viện Pasteur TP.HCM luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, phát huy vai trò là một trong những Viện đầu ngành của cả nước về y tế dự phòng, phụ trách chuyên môn kỹ thuật cho 20 tỉnh, thành phố phía Nam... Có được thành quả to lớn ấy, theo Bộ trưởng, là nhờ đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, phòng chống dịch năng động và nhiệt tình của Viện những năm qua đã có mặt ở khắp các nẻo đường, từ thành thị tới nông thôn, từ vùng sông nước tới rừng núi khó khăn, đến từng gia đình của khu vực phía Nam, tham gia giám sát chủ động và phòng chống tích cực các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh dễ có nguy cơ phát triển thành dịch. Sự hy sinh thầm lặng vì công việc của đội ngũ cán bộ viên chức Viện đã góp phần quan trọng vào những thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Huyền