Xúc tiến xã hội hoá Y tế: Nhiều giám đốc bệnh viện vắng mặt

03-10-2014 16:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xã hội hoá y tế với sự tham gia của các nhà đầu tư và các bệnh viện công lập trên toàn địa bàn. Nhưng lãnh đạo các bệnh viện dường như không mặn mà?

Không đạt chỉ tiêu

Theo TS Nguyễn Khắc Hiền Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, kết quả thu được qua công tác xã hội hoá y tế giai đoạn 2009-2013 là khả quan, giúp các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung đã có thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị y tế nhờ đó người dân được thụ hưởng những thành tựu tốt nhất của khoa học kỹ thuật trong y tế.

Đã có 13/41 bệnh viện công lập và 6 trung tâm y tế xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm trang thiết bị hoặc hoặc cho đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh với số tiền là 236,61 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động xã hội hoá đã tạo nguồn lực, trang thiết bị y tế hiện đại nâng cao một bước chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên so với yêu cầu đề ra, công tác xã hội hoá y tế của Hà Nội không đạt yêu cầu về huy động vốn. Chỉ tiêu huy động vốn xã hội hoá thực hiện đề án hiện đại hoá trang thiết bị y tế từ 2009-2015 là 1.734 tỷ đồng nhưng đến tháng 6/2014 mới chỉ huy động được 155,949 tỷ đồng, chưa đạt 10% so với chỉ tiêu.

Lãnh đạo Hà Nội rất quan tâm đến xã hội hoá y tế nhưng bệnh viện có vẻ thờ ơ ( Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
Lãnh đạo Hà Nội rất quan tâm đến xã hội hoá y tế nhưng bệnh viện có vẻ thờ ơ ( Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Bên cạnh đó, việc phát triển các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập cũng không đảm bảo chỉ tiêu về giường bệnh. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 29 bệnh viện ngoài công lập với quy mô 1.048 giường bệnh trong khi tiêu của giai đoạn này là 3.300 giường bệnh. Giải thích về nguyên nhân của tình trạng này ông Trần Văn Chung -Trưởng phòng KHTH, Sở Y tế Hà Nội cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế đã làm chùn bước các nhà đầu tư còn phải kể đến yếu tố chủ quan là việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn…

Trách nhiệm của giám đốc bệnh viện đến đâu?

Một hội nghị xúc tiến đầu tư rất quan trọng trong ngành y tế nhưng có 9 bệnh viện công lập của Hà Nội không cử cán bộ tham gia. Trong khi đó, theo danh sách của phóng viên Báo SK&ĐS có được, các bệnh viện này đều có đề xuất lên lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội danh mục đề án liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị yế và cả đăng ký vay vốn tín dụng do thành phố bảo trợ và hỗ trợ 50% lãi suất. Tổng số tiền của 9 bệnh viện vắng mặt trong buổi xúc tiến đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, các nhà đầu tư quan tâm đến ngành y tế đều có mặt! Phải chăng chính vì không có sự quan tâm đúng mực của giám đốc bệnh viện nên dẫn đến chỉ tiêu xã hội hoá của ngành y tế Hà Nội không đạt yêu cầu đề ra? Câu trả lời, chỉ có giám đốc các bệnh viện có thể trả lời!

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư y tế lần này, một vấn đề được đem ra thảo luận nhiều là vấn đề “chung”, “riêng” trong xã hội hoá y tế. Có một thực tế hiện đang diễn ra tại các bệnh viện công lập của Hà Nội đó là tình trạng, giường bệnh xen kẽ giữa giường dịch vụ và giường hưởng ngân sách. Từ đó, vô hình chung tạo ra mặc cảm, phản ứng từ chính người bệnh. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện cần nhanh chóng tách khu vực dịch vụ ra khỏi khu vực giường bệnh chung. Nhưng trao đổi bên lề, nhiều giám đốc bệnh viện công lập của Hà Nội đều nói nếu làm đúng chỉ đạo thì…khó quá. Bởi suất đầu tư cơ sở vật chất ban đầu quá lớn song việc khấu hao, thu hồi vốn quá lâu nên lãnh đạo bệnh viện hầu hết đều e ngại khi tách “riêng”, “chung”!

Hà Nội cùng với TPHCM là 2 đầu tàu của nền kinh tế đất nước, trong khi TPHCM có nhiều cơ chế thoáng và ưu đãi cho nhà đầu tư và các bệnh viện thì Hà Nội vẫn phải xoay vần trong mớ bong bong. Chỉ tiêu đề ra từ 2009 quá cao so với thực tiễn hay do nhà đầu tư chưa mặn mà với ngành y tế? Câu trả lời còn bỏ ngỏ....

Anh Tuệ

 


Ý kiến của bạn
Tags: