Không có bằng cấp về y học, không có giấy phép hành nghề nhưng trong suốt hơn 10 năm qua ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vẫn ngang nhiên khám chữa bệnh cho nhiều người với phương pháp là giẫm, đạp, và... " treo cổ" người bệnh. Điều đáng nói, trạm y tế xã rồi phòng y tế huyện đã nhiều lần kiểm tra, ra quyết định đình chỉ cơ sở của ông Thọ nhưng ông này vẫn phớt lờ và ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng.
Tẩm cho... " xương mềm"
Trong vai những người đến khám bệnh tại nhà ông Thọ chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến nhà ông tại đội 9, thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế bởi hai căn biệt thự khang trang. Ông này có 3 cơ sở, vừa là nơi khám, chữa đồng thời có căn nhà 3 tầng cho những người phải chữa dài ngày thuê trọ. Để ông Thọ khám cho mình chúng tôi chuẩn bị sẵn phim chụp X.quang cột sống của một người hoàn toàn khỏe mạnh để ông khám. Giơ tấm phim ra trước ánh sáng, ông Thọ phán xanh rờn : "Em bị gai cột sống bẩm sinh, gai to như cái xẻng, không chữa nhanh sẽ liệt đấy!". Tôi suýt phì cười nhưng vẫn cố bấm bụng hỏi thầy về cách chữa. Ông Thọ ra vẻ suy nghĩ rồi nói: "Còn mỗi cách là mài mòn đầu gai!". Nghe vậy, tôi rợn cả người không tin vào tai mình đành mấp máy hỏi lại: Mài kiểu gì ạ?. Ông Thọ nói ngay: Tôi sẽ cho cậu uống vài thang thuốc cho mềm chỗ gai đó ra. Sau đó lấy cơm nóng và lá cúc tần đắp lên chỗ gai rồi cho người dậm, nhờ sự cọ xát của lực ép đến lúc nào gai xương mòn thì thôi!? Tỏ ra ngạc nhiên với phương pháp chữa bệnh của thầy và vờ hỏi có nên đi mổ không. Vừa nghe đến mổ, ông Thọ quả quyết: "Nếu mổ chỗ đó lên chạc ba ngay lập tức, chỉ dùng cách mài mòn đầu gai thôi, không nên mổ". Tiếp đó, thầy không quên "gài" thêm, bệnh của em điều trị sớm ngày nào tốt ngày đó, để lâu bệnh sẽ "chạy" xuống chân, không đi được và sẽ bị liệt nằm một chỗ đấy!? Nếu điều trị luôn, sẽ phải ở lại liên tục trong hơn 1 tháng bệnh mới đỡ".
Ông Thọ cũng không giấu diếm việc lựa chọn bệnh nhân để khám chữa tại cơ sở của mình. Lựa chọn của ông là "lấy thanh, tránh già" . Nghĩa là ông chỉ chữa cho thanh niên, người trung tuổi vì ở độ tuổi này mới chịu đựng được những cú "sốc" giẫm, đạp hay lên giá... "treo cổ".
Ông lang Thọ (áo trắng), người đã xúc phạm thanh tra y tế, đang chữa bệnh cho một số người (ảnh PV chụp bằng ĐTDĐ). |
Thiết bị "treo cổ" tự chế
Nghe ông Thọ đọc phim xong, vẫn giữ vẻ mặt mệt mỏi vì đau tôi đi xuống chỗ chữa bệnh. Được biết, do mới ốm nên khâu chữa bệnh này ông Thọ giao cho hai người con trực tiếp đảm nhiệm. Đến nơi điều trị, một cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt chúng tôi: sân nhà la liệt người nằm, kẻ ngồi chờ đến lượt được... giẫm. Hai con trai của ông Thọ khoảng hơn 20 tuổi, nặng 60 kg mỗi người đang giẫm, di, "nhảy múa" trên lưng người bệnh. Chốc chốc một trong số hai thanh niên này dừng lại ở một bệnh nhân bóp và bẻ cổ. Những âm thanh uỳnh uỵch từ những nắm đấm của hai người thanh niên giáng xuống người bệnh đang nằm bẹp phía dưới. Đôi lúc tôi nghe tiếng kêu rên của người đang chịu đau.
Đi qua khoảng sân vào nơi có thiết bị "treo cổ" do chính ông Thọ tự sáng chế mà theo ông có tác dụng "kéo giãn đốt sống cổ" để chữa đau đốt sống cổ. Gian phòng chưa đầy 6m2 đặt 3 thiết bị kéo cổ. Gọi là thiết bị nhưng thực tế cấu tạo không khác gì một ròng rọc trong xây dựng. Ông Thọ dùng một thanh sắt hộp vuông uốn cong, phần mào đầu thanh sắt được gắn hai bánh xe để dẫn động dây. Mỗi bệnh nhân vào được một người giúp việc cho ông Thọ thòng dây qua cổ, hai chân của người bệnh đặt qua một tấm ván nằm ngang có tác dụng kéo căng dây và làm đối trọng với phần cổ. Lực kéo đốt cổ không được tính toán mà phụ thuộc hoàn toàn vào trọng lực từ người bệnh dồn xuống. Người bệnh sẽ được điều trị đau đốt sống cổ ở thế "treo cổ" trong khoảng 45 phút. Trước khuôn mặt một bệnh nhân đang điều trị có phần tím tái do bị dây thít lại, tôi hỏi có đau không nhưng người bệnh trả lời khá khó khăn và chỉ có tiếng ú, ớ phát ra từ họng. Nguy cơ "đầu lìa khỏi cổ" từ thiết bị tự chế này của thầy Thọ là rất lớn bởi không thể tính được trọng lực kéo từ phía dưới tác động lên phần cổ người bệnh.
Được biết mỗi đợt điều trị của một bệnh nhân phải trả cho ông Thọ 100.000đ tiền công khám/1 ngày, 15.000đ tiền thuốc. Ngoài ra với những bệnh nhân ở trọ và ăn uống tại nhà thầy phải trả thêm 80.000đ. Như vậy tính sơ sơ người bệnh phải bỏ ra gần 200.000 đồng cho một ngày điều trị bằng phương pháp giẫm, đạp và "treo cổ" của ông Thọ. Tác dụng và hiệu quả từ phương pháp này của ông Thọ chưa được kiểm chứng, chỉ biết rằng hoạt động khám chữa bệnh của ông Thọ đã bị UBND huyện Mỹ Đức đình chỉ hoạt động từ ngày 3/6/2009 theo quyết định số 1261/QĐ-UBND. Sau đó, Phòng Y tế huyện Mỹ Đức đã 3 lần lập biên bản đình chỉ hoạt động khám bệnh của ông Thọ vào các ngày 12/5/2009, 16/5/2009, 1/6/2009 và mới đây nhất ngày 19/7/2010 đoàn thanh tra của Phòng y tế huyện Mỹ Đức đã tiến hành lập biên bản đối với hoạt động khám bệnh của ông Thọ nhưng không nhận được sự hợp tác, trái lại ông Thọ đã có những lời lẽ xúc phạm đoàn công tác, lớn tiếng thách thức các cơ quan chức năng.
Thiết bị tự chế của ông Thọ. |
Và khả năng... "phân thân"?!
Theo thông tin từ phía người dân và một số bệnh nhân đang nằm điều trị tại nhà ông Thọ cho biết: Ông Thọ vẫn khoe đã từng đi học 2 năm về đông y ở Trung Quốc trong thời gian làm công tác lãnh đạo tại ủy ban xã và có thẻ hội viên hội đông y. Tuy nhiên khi trao đổi với ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng y tế huyện Mỹ Đức, ông Tráng cho biết thẻ hội viên mà ông Thọ có được do hội đông y Hà Tây (cũ) cấp. Thẻ này lưu tên một thành viên bất kỳ có tham gia sinh hoạt trong Hội đông y. Thẻ không phải là một chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, ông Thọ vẫn mượn oai của loại thẻ này nhằm khẳng định mình hoạt động đông y. Còn về thời gian học đông y 2 năm tại Trung Quốc, ông Trần Ngọc Tráng cho biết thêm: "Điều này là gian dối bởi trong thời gian trên ông Thọ đang giữ chức Phó chủ tịch xã Phù Lưu Tế, chỉ riêng việc giải quyết công việc của xã đã tốn rất nhiều thời gian và thường xuyên phải có mặt tại uỷ ban. Ông Thọ không thể "phân thân" để cùng lúc vừa làm phó chủ tịch xã vừa sang tận Trung Quốc để học đông y được. Người địa phương ai cũng biết điều này".
Trong một văn bản của Phòng y tế huyện Mỹ Đức gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội từ năm 2009 mà chúng tôi có được, đã khẳng định: Ông Thọ không có chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp, người bệnh đến chữa bệnh do sự giới thiệu, mách bảo truyền nhau...
Một bệnh nhân từng điều trị tại nhà ông Thọ cho PV biết: trước khi vào nằm điều trị tại nhà ông Thọ, bệnh nhân phải viết vào một tờ giấy do ông Thọ đã soạn sẵn với nội dung "giấy cam kết khám chữa bệnh tự nguyện". Sau đó nộp 3 triệu đồng tiền đặt cọc cho cả khoảng thời gian chữa bệnh. Số tiền này nộp trực tiếp cho vợ ông Thọ, đồng thời người bệnh sẽ nhận lại giấy biên nhận nhận tiền viết bằng tay có chữ ký của vợ ông Thọ.
Y tế địa phương đã nhiều lần ra quyết định đình chỉ nhưng ông Thọ vẫn thách thức cơ quan chức năng. |
Cả nể hay bất lực?
Đem vấn đề này trao đổi với Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế, ông Nguyễn Sỹ Bình không lảng tránh câu hỏi của PV: Phải chăng chính quyền địa phương đã bất lực không thể xử lý được trường hợp của ông Thọ?. Ông Bình trả lời: Thực tế việc ông Thọ tự ý mở hoạt động khám chữa bệnh không xin phép và không có giấy phép hành nghề là có thực. Chính quyền xã cũng nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Thọ không nghe. Xử lý mạnh thì không nỡ bởi "không gì thì trước đây ông Thọ cũng từng làm ở uỷ ban, anh em có thời gian công tác cũng nhau... sự nể nang là có”.
Phải chăng chính vì sự cả nể đó mà ông Thọ càng có cơ hội hoạt động trái phép, bất chấp quyết định đình chỉ của các cơ quan chức năng? Ngay cả đến khi ông Thọ ngang nhiên xúc phạm đoàn thanh tra của Phòng y tế huyện Mỹ Đức, lớn tiếng thách thức ban ngành chức năng thì uỷ ban xã mới biết sự việc sau khi có văn bản của phòng y tế huyện gửi đến. Ông Bình cho biết: Tới đây, xã sẽ xử lý dứt điểm trường hợp khám chữa bệnh không phép của ông Thọ nhưng phải chờ khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền! Nói như vậy thì chẳng khác nào chính quyền xã Mỹ Đức phủ nhận chức năng quản lý nhà nước về y tế của phòng y tế huyện.
Một người không có giấy phép hành nghề, chưa qua lớp học về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đã từng nhiều lần bị cơ quan y tế địa phương ra quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh trái phép lẽ nào chính quyền xã Phù Lưu Tế còn đợi ý kiến chính thức từ cơ quan có thẩm quyền? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Việc khám chữa bệnh không phép, không có chuyên môn trong hành nghề y, thiết bị chữa bệnh tự chế không qua thẩm định của các ngành chức năng của ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân. Không những vậy việc ông Thọ xúc phạm lăng mạ, cố tình không hợp tác với đoàn kiểm tra của Phòng y tế huyện Mỹ Đức ngày 19/7/2010 là hành vi không thể chấp nhận được cần phải bị xử lý. Công luận đang chờ đợi sự ra tay mạnh mẽ của các ngành chức năng để giải quyết dứt điểm trường hợp này.
Nhóm Phóng viên điều tra