Xúc động và tự hào khi tác nghiệp tại sự kiện lớn

21-06-2024 12:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Ðược tác nghiệp tại một sự kiện trọng đại của đất nước không chỉ là niềm tự hào mà đó còn là trọng trách lớn lao của mỗi phóng viên, nhà báo.

Tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vừa diễn ra, đã có hàng trăm nhà báo tác nghiệp xuyên suốt ngày đêm cả tuần lễ, để truyền tải những thông tin sống động nhất tới người dân cả nước.

Ðể lại niềm tự hào cho mỗi người dân Việt Nam

Sáng 7/5/2024 vừa qua, nhân dân cả nước đều hướng về mảnh đất Ðiện Biên lịch sử nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Lễ kỷ niệm đã diễn ra thành công, để lại ấn tượng và niềm xúc động, niềm tự hào cho mỗi người dân Việt Nam.

70 năm trước, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và tạo nên "thiên sử vàng" chói lọi với các giá trị lịch sử không bao giờ phai mờ qua các thế hệ người Việt Nam.

Xúc động và tự hào khi tác nghiệp tại sự kiện lớn- Ảnh 1.

Hình ảnh trong Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh.

Thông qua các hoạt động của Lễ kỷ niệm giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại của nhân dân ta chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Từ đó, mỗi chúng ta luôn tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, rèn luyện ý chí, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Trong bài diễn văn phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn...", với "đôi chân đất", tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội - "Chín năm làm một Ðiện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ðây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính", là thắng lợi của tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Xúc động và tự hào khi tác nghiệp tại sự kiện lớn- Ảnh 2.

Lực lượng diễu binh, diễu hành di chuyển qua các tuyến đường trước sự chào đón của người dân.

Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ðó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công".

Báo chí góp phần làm nên thành công

Ðể tuyên truyền sâu, rộng và đậm nét các hoạt động của Lễ kỷ niệm, các cơ quan báo chí đã cử nhà báo, phóng viên, biên tập viên có mặt tại tỉnh Ðiện Biên để thực hiện nhiệm vụ. Ông Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðiện Biên đánh giá cao sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các văn nghệ sĩ của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật địa phương và Trung ương, chủ động phối hợp, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh với số lượng tin bài tuyên truyền về Ðiện Biên rất lớn, trải đều trên các ấn phẩm, sách, báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Cùng nhiều cơ quan báo chí khác, Báo Sức khỏe và Ðời sống (Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) đã cử nhóm phóng viên có mặt tại thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên để tác nghiệp phục vụ chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Là một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, nhận được sự quan tâm của toàn thể người dân, nên bất cứ nhà báo, phóng viên nào được cử lên thành phố Ðiện Biên Phủ tác nghiệp đều cảm thấy tự hào, nỗ lực hết mình, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Vẫn còn đó hình ảnh anh kỹ thuật viên ôm vội chiếc máy quay vào người khi trời đổ cơn mưa bất chợt; hay hình ảnh phóng viên ảnh ướt đẫm mồ hôi dưới tiết trời nắng như đổ lửa; cũng có những phóng viên phải cuốc bộ vài km để di chuyển tới nơi tác nghiệp khi việc di chuyển không thuận lợi. Dù khó khăn nhưng những người làm báo đều nỗ lực hết sức để truyền tải thông tin đến bạn đọc sớm nhất, chân thực nhất.

Xúc động và tự hào khi tác nghiệp tại sự kiện lớn- Ảnh 3.

Nhà báo Đỗ Tuấn Anh - Báo Sức khỏe và Đời sống. Ảnh: PV

Chia sẻ về niềm tự hào khi được tác nghiệp tại sự kiện này, nhà báo Ðỗ Tuấn Anh - Báo Sức khỏe và Ðời sống nói: "Mỗi khi bấm máy tại tất cả các địa điểm như Nghĩa trang lịch sử A1, Di tích đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên, Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và Lễ kỷ niệm diễu binh, diễu hành... tất cả chúng tôi đều cảm thấy thiêng liêng, xúc động".

Một trong những buổi tác nghiệp đáng nhớ của bản thân tôi cùng rất nhiều đồng nghiệp khác đó là khi chứng kiến các cựu binh từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đến Nghĩa trang lịch sử A1 thăm lại đồng đội đã mãi mãi nằm xuống vì đất nước. Chúng tôi đã nghẹn lòng khi nghe ông Phạm Bá Miều (94 tuổi, là Tiểu đội trưởng thuộc Ðại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) nói: "Lúc bấy giờ, tôi phụ trách 1 tiểu đội. Trong 56 ngày đêm, trận đánh mà tiểu đội chúng tôi hy sinh nhiều nhất là ngày 4 và ngày 5/5/1954. Khi hoàn thành nhiệm vụ, giành chiến thắng thì tiểu đội chỉ còn 5 đồng chí thôi".

Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều rưng rưng cho biết thêm, tối 7/5/1954, các tiểu đội ngồi lại với nhau và ông có nói rằng "sống rồi, chúng ta sống rồi". Dù vui trong chiến thắng nhưng trong sâu thẳm trái tim tất cả đều cảm thấy đau thương lắm, bởi chỉ trong một tiểu đội 11 đồng chí do ông phụ trách mà có tới 6 đồng chí đã hy sinh.

Tình người Ðiện Biên

Sau chuyến xe giường nằm chạy xuyên đêm dưới trời mưa như trút nước, hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đặt chân tới thành phố lịch sử giữa núi rừng Tây Bắc là khắp đường phố, con ngõ, các trụ sở... đâu đâu cũng rợp bóng cờ, băng-rôn kỷ niệm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Khi tới nơi, chúng tôi bất ngờ được một đồng chí công an đang trực chốt cho mượn chiếc xe máy để di chuyển tạm từ đầu thành phố tới Trung tâm báo chí (đường tạm cấm ôtô phục vụ lễ sơ duyệt) nhận thẻ tác nghiệp. Vội vã tới mức cả hai bên đều chẳng kịp để lại phương thức liên lạc. Ít lâu sau, khi trả chiếc xe, chúng tôi nhận được nụ cười tươi rói của đồng chí công an. Lúc này, chúng tôi hiểu rằng Ðiện Biên luôn mến khách sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai khi đặt chân tới.

Xúc động và tự hào khi tác nghiệp tại sự kiện lớn- Ảnh 4.

Đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên tác nghiệp trong Lễ kỷ niệm. Ảnh: Tuấn Anh.

Và xuyên suốt một tuần lễ tác nghiệp tại đây, chắc chắn không ít đồng nghiệp của các cơ quan báo chí luôn cảm nhận được sự hào sảng, tình người và lòng mến khách của người dân Ðiện Biên. Ðó là hình ảnh hàng trăm "trạm cấp nước miễn phí" đặt khắp các tuyến đường, thậm chí nhiều điểm di tích còn cung cấp thêm đá lạnh, trái cây, lương khô... "tiếp sức" cho người dân, du khách và cả lực lượng diễu binh, diễu hành luyện tập.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên cho hay, dịp cao điểm từ ngày 30/4 đến 7/5, địa phương đón trên 371.000 lượt khách du lịch. Ðể phục vụ lượng lớn người dân, du khách đến với Ðiện Biên, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ đã hoạt động hết công suất. Ðặc biệt, hàng trăm hộ gia đình tại thành phố Ðiện Biên Phủ được vận động đón khách tới lưu trú. Các hộ gia đình đã nhường phòng, cùng san sẻ chỗ ở để không ai không có chỗ ngủ. Ðặc biệt, hình ảnh nhiều hộ gia đình đã thức xuyên đêm mời du khách về nhà ở miễn phí đã khiến chúng tôi cũng như bất cứ ai đều xúc động...


Lê Bảo
Ý kiến của bạn