Thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng nhà trường vừa có việc làm ý nghĩa khi trích tiền tiết kiệm để mua 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, số tiền cô Phụng dùng để mua sách, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo được trích ra từ việc cô kinh doanh mỹ phẩm online ngoài giờ.
Cô Phụng có hơn 15 năm công tác ở các trường học miền núi, vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị nên hơn ai hết, cô hiểu rõ những thiếu thốn của học sinh nơi đây. Nhận công tác tại huyện miền biên của Quảng Trị từ năm 2007, khi còn là giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, cô Thúy Phụng luôn nỗ lực trong việc dạy và rèn luyện để học sinh học tốt. Năm 2018, khi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, trách nhiệm của cô càng nặng nề hơn.
Được biết, Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt nằm trên địa bàn huyện Hướng Hoá, địa phương miền núi, vùng cao, biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Đa số học sinh nơi đây là người Vân Kiều, hoàn cảnh kinh tế nhiều khó khăn nên các em đến lớp luôn thiếu sách vở, áo quần... Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều phụ huynh vì điều kiện, không đủ tiền mua sắm sách giáo khoa cho con em. Bởi vậy, mỗi lớp chỉ có vài học sinh có sách giáo khoa mới.
"Học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc nên còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Để các em có đủ hành trang bước vào năm học mới, tôi trích tiền tiết kiệm của bản thân, tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các em. Chỉ mong các em có điều kiện tốt nhất để theo đuổi ước mơ học tập", cô Phụng tâm sự.
Bên cạnh tặng sách, cô Phụng còn chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng để hỗ trợ thêm bữa ăn trưa tại trường vào đầu năm học cho các em học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt cho biết, ngoài việc tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập, vào tháng 5/2023, cô Phụng tặng nhà trường một giếng khoan lấy nước sinh hoạt và bể lọc nước trị giá 25 triệu đồng. Ngoài ra, cô Phụng còn kết nối các tấm lòng hảo tâm tặng nhà trường thêm một giếng khoan khác trị giá 25 triệu đồng.
Không chỉ là nhà quản lý đầy trách nhiệm, cô Phụng còn có nhiều hoạt động thiện nguyện hiệu quả giúp đỡ học sinh nghèo là con em người dân tộc. Bởi vậy, cô luôn được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến.
Cô Phụng cũng chính là người khởi xướng mô hình "Bán trú dân nuôi", kêu gọi, vận động từ phích nước, thực phẩm, mì ăn liền đến chăn màn, sạp ngủ… để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho học sinh bán trú buổi trưa tại trường.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng cho biết, trường có 15 lớp với hơn 280 học sinh, phần lớn là con em người dân tộc Vân Kiều. Thương học sinh vất vả việc ăn ở, đi lại, các thầy cô áp dụng mô hình nội trú dân nuôi.
Mỗi ngày, phụ huynh học sinh góp cơm theo năng lực kinh tế của gia đình, phần còn lại thầy cô tự sản xuất, đi xin thêm để có cơm trưa, chiều cho các em.
Cô Thúy Phụng chia sẻ, tự nguyện áp dụng mô hình nội trú dân nuôi làm thầy cô vất vả hơn, nhưng giúp được các em có thêm điều kiện đến trường đều đặn, gắng học kịp các bạn miền xuôi.
Đến năm học này, mô hình "Bán trú dân nuôi" do cô Phụng khởi xướng đã bước qua năm thứ 6. Nhờ đó, những năm qua chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên. Với cô Phụng, phần thưởng lớn nhất là kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các em học sinh người dân tộc thiểu số nơi biên cương xa xôi.
Chương trình thiện nguyện “Tết ấm vùng cao” tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì