Xúc động những người cha, người mẹ sẵn sàng hiến nội tạng để cứu sống con mình

20-04-2017 16:24 | Y học 360
google news

Đón con chào đời, bậc cha mẹ nào cũng chỉ mong mỏi bé được bình thường. Nhưng phận đời may rủi, có những em bé chưa kịp nhìn thấy bao nét đẹp cuộc đời đã phải đối diện cái chết. Và chính cha mẹ em lại là người hồi sinh cuộc đời các em lần nữa…

Mẹ hi sinh lá gan cứu con 10 tuổi: Chỉ cần cứu được con, sức khoẻ mẹ suy giảm cũng được

Sau hơn 3 tuần nhận một phần lá gan từ mẹ (40 tuổi) cậu bé Dương Gia Khiêm (10 tuổi, quê ở Bạc Liêu) đã có thể đi lại, cười nói khỏe mạnh. Các bác sĩ cho biết sức khoẻ bé đã hồi phục.

Cả hai mẹ con Khiêm vừa trải qua những giờ khắc sinh tử nhiều căng thẳng trên bàn mổ lấy và ghép gan kéo dài hơn 12 giờ ngày 28/3, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM).

Bé Khiêm cười tươi sau 3 tuần được ghép lá gan của người mẹ đẻ. Ảnh: BXD

Khi mới chào đời (2007), bé Khiêm được chẩn đoán xác định bị teo đường mật bẩm sinh. Cậu bé từng trải qua phẫu thuật Kasai để duy trì sự sống. Bé nhiều lần nôn ói ra máu ồ ạt tưởng chừng không thể qua khỏi vì tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ghép gan là giải pháp cuối cùng giúp cháu thoát cửa tử.

Chứng kiến con có thể ra đi bất cứ lúc nào, cả bố và mẹ bé Khiêm đều sẵn lòng hiến một phần cơ thể để giành sự sống cho Khiêm. Cuối cùng gan của người mẹ 40 tuổi phù hợp nên được chọn hiến.

Chị biết sức khỏe sau khi hiến gan sẽ không thể như trước nhưng chỉ cần cứu được Khiêm thì người mẹ nào như chị cũng không ngần ngại. Ca mổ ghép gan cho bé Khiêm đã được tiến hành vào ngày 28/3 vừa qua.

Theo GS.BS Trần Đông A – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện, đây là một ca mổ đặc biệt hơn so với các ghép khác cho bệnh nhi.

Bình thường, bệnh nhi ghép gan thường nhỏ hơn 2,5 tuổi. Người cho gan cũng chỉ cần cho một phần nhỏ của lá gan để ghép vào cơ thể bệnh nhi. Thế nhưng, do bé Khiêm đã 10 tuổi nên cần nửa lá gan của người mẹ.

Tiến trình ca mổ phức tạp, nhiều lần bác sĩ hồi hộp, lo lắng. Người mẹ có bất thường cấu trúc mạch máu gan nên phương pháp mổ lấy gan cũng khác biệt.

Nhưng sau ca mổ, biến chứng xảy ra cũng khiến các bác sĩ còn lo lắng hơn: Ngày thứ 6, bé gặp biến chứng tràn dịch. Các bác sĩ phải điều chỉnh chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhi và may mắn cơ thể bé thích nghi tốt nghiệm không phù hợp.

Bố đẻ hiến 60% lá gan cứu con gái: “Đã có lúc, tôi đã nghĩ mất con mãi mãi”

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã ghép gan thành công cho bệnh nhi Dương Thị Phương Mai, 15 tuổi (ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá), người hiến gan là bố đẻ của em.

Bé Mai bị rối loạn chuyển hóa đồng, suy gan cấp trên nền bệnh mạn tính, xơ gan, hôn mê gan và rối loạn đông máu nặng. Ghép gan là cách duy nhất cứu bé.

Nhưng tiền đâu mà ghép gan bây giờ? Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vui suy đi tính lại, số tiền lớn quá, hộ nghèo, lại đang nợ hàng trăm triệu như anh chị lấy đâu ra tiền mà cứu con? Cuối cùng, khi bệnh viện Việt Đức thông báo có bệnh viện tư hỗ trợ kinh phí ghép gan, anh chị mới vơi được phần nỗi lo.

 Bé Mai được hồi sinh sự sống lần nữa nhờ chính bố đẻ của mình - người đã hiến gan cho em.

Bé Mai được hồi sinh sự sống lần nữa nhờ chính bố đẻ của mình - người đã hiến gan cho em.

Vợ chồng chúng tôi đều đăng ký hiến tạng nhưng cô ấy sức khỏe yếu, tôi sợ chịu không nổi khi phẫu thuật nên quyết giành lấy phần hiến gan cho con”, anh Dương Văn Tiến – bố bé Mai chia sẻ với PV. May mắn xét nghiệm gan của ông bố 39 tuổi hoà hợp. Đêm 28/3, em được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức chờ ghép gan vào sáng 29/3.

Hết lo tiền thì đột ngột 5h sáng 29/3, trước khi ca mổ bắt đầu, bé Mai bị suy hô hấp, hôn mê gan, phải chuyển đến phòng cấp cứu. Từ ca ghép tạng thông thường chuyển thành ca ghép tối cấp cứu.

Anh Tiến nói: Đã có thời điểm, chúng tôi sợ mất con mãi mãi. Ghép cho con có thành công không? Còn gia đình anh trăn trở rằng liệu có nên đánh đổi sức khoẻ của người cha để lấy 5-6% hy vọng?

Rồi gia đình đã xin giám đốc BV ký giấy xin về “chờ chết”. May mắn thay, các bác sĩ bảo, vẫn có thể cứu được con. Gia đình lại bàn bạc, rồi đồng ý thực hiện ca ghép.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là trường hợp nặng nhất trong số 36 ca ghép gan từ trước đến nay ở Bệnh viện Việt Đức. Ca ghép này còn khó hơn là ghép gan cho một người già gần 80 tuổi.

Tham gia ca phẫu thuật đặc biệt này, có tới hơn 100 y, bác sĩ cùng chạy đua trong suốt 10 giờ đồng hồ để giành sự sống cho bé Mai.

Bác ruột “trích” lá phổi cứu cháu trai: “Cháu mình mà! Phải cứu chứ!”

Ngày 21/2/2017 là ngày đặc biệt đối với ngành ghép tạng, lần đầu tiên tại Việt Nam đã thành công ca ghép phổi từ người cho sống tại BV 103. Ca mổ kéo dài khoảng 11 giờ với sự tham gia của các chuyên gia tới từ Nhật Bản và hơn 100 nhân viên y tế của Học viện Quân y 103.

Người được ghép phổi là cháu Ly Chương Bình (SN 2010, Quản Bạ, Hà Giang). Người cho phổi là bố đẻ và bác ruột của em.

 Bố bé Bình (phải) là người đã hiến một phần phổi cứu con trai thứ 2 của mình. Ảnh: V.Thu

Bố bé Bình (phải) là người đã hiến một phần phổi cứu con trai thứ 2 của mình. Ảnh: V.Thu

Trước khi lên bàn ghép, Bình được chẩn đoán bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai bên phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3. Ghép phổi là phao cứu sinh duy nhất lúc này mới hồi sinh được cuộc đời cậu bé dân tộc 7 tuổi.

Chị Tâm xúc động nhớ lại, khi gia đình bàn bạc chuyện lấy phổi ở đâu để ghép cho con, bất ngờ anh trai chồng cũng đồng ý rất nhanh mà không suy nghĩ.

Vậy là em, chồng em và anh trai chồng cùng đi đăng ký. Sau rất nhiều lần xét nghiệm, chỉ có bố cháu và bác ruột được hiến phổi cho con” - chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình nhớ lại.

 Anh Ly Cù Toàn - người bác ruột cháu Bình - đã hiến một phần phổi cứu cháu trai.

Anh Ly Cù Toàn - người bác ruột cháu Bình - đã hiến một phần phổi cứu cháu trai.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Ly Cù Toàn - người bác ruột cháu Bình cho hay, khi biết tin cháu Bình cần ghép phổi, anh đã tự nguyện hiến cho cháu để cứu sống cháu. “Cháu của mình bị bệnh, thương lắm! Lúc đầu em cũng hơi lo lắng, sợ, nhưng các bác sĩ động viên, phân tích nên cũng yên tâm. Phổi lấy đi một phần rồi lại giãn ra, không sao!” – anh Toàn nói.

25 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển với nhiều thành tựu kỹ thuật ngang tầm thế giới, đã hồi sinh hàng nghìn cuộc đời. Rất nhiều trường hợp ghép là từ bố - con, mẹ - con, người thân, họ hàng, nhưng bên cạnh đó cũng rất nhiều người sẵn sàng hiến một phần cơ thể cho "người dưng".

Tuy nhiên, nguồn tạng hiến hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn so với danh sách bệnh nhân chờ ghép mỗi lúc một dài hơn.

Thủ tục hiến xác và nội tạng khá đơn giản. Người hiến đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự là có thể đăng ký. Bạn chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng thân xác, và cùng người làm chứng (người thân trong gia đình) ký tên.

Hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể tiếp nhận đơn đăng ký hiến tạng. Người có nguyện vọng hiến tạng nhưng có thắc mắc có thể liên hệ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (http://moh.gov.vn ) hoặc đơn vị điều phối tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM)... để được giải đáp, tư vấn.

Một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác. Có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép, cứu người như tim, gan, thận, phổi...


Ý kiến của bạn