Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2

25-07-2025 10:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Cứ đến dịp 27/7, thân nhân, đồng đội liệt sĩ từ khắp nơi tìm về Nhà tưởng niệm. Có người chỉ mang theo tên của một địa danh, một con suối, một gò đất hay một dấu tích nhỏ. Vì không tìm được phần mộ, họ thắp hương nơi suối, người nhặt một nắm đất, một viên sỏi về đặt trang trọng bên di ảnh người thân.

Ở chiến trường miền Đông Nam bộ (B2) khốc liệt, hơn 9.000 chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó có 528 nhân viên quân dân y hy sinh vẫn còn nằm trong lòng đất tại căn cứ mà chưa quy tập được hài cốt. 
Đều đặn thăm viếng đồng đội

Sáng 24/7, như bao năm, các thành viên Ban Liên lạc Truyền thống Quân y Miền B2 – Quân khu 7 (Ban Liên lạc truyền thống Quân y Miền B2) lại lên đường từ TPHCM tới Nhà tưởng niệm liệt sĩ Quân dân y Miền B2 ở xã Lộc Quang, Lộc Ninh, Đồng Nai.

Sau quãng đường hơn 150km, các chiến sĩ năm xưa tóc đã bạc bắt đầu sửa soạn hoa, trái cây để tưởng nhớ đồng đội dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.

"Chúng tôi đều đặn về đây mỗi năm 4 lần: 30/4, 27/7, 22/12 và dịp Tết âm lịch. Không ai nhắc ai, mà tự hẹn lòng mình", dược sĩ Nguyễn Thu Phượng (77 tuổi) nhẹ nhàng chia sẻ trong lúc tỉa hoa huệ đỏ.

Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2- Ảnh 1.

Theo dược sĩ 77 tuổi Nguyễn Thu Phượng, bà đều đặn về Nhà tưởng niệm liệt sĩ Quân dân y Miền B2 mỗi năm 4 lần: 30/4, 27/7, 22/12 và dịp Tết âm lịch để viếng thăm đồng đội.

Bà Phượng đi bộ đội năm 15 tuổi, vào làm tại xưởng dược B26 (thuộc U60 Cục Hậu cần B2). Gia đình bà có nhiều người là liệt sĩ, gồm: ba, chú ruột và các anh, chị. Cả bà nội và mẹ của bà đều được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

"Bom B52 không bắt được tôi, ung thư cũng không bắt, tới Covid-19 tôi phải thở máy 50 ngày cũng không chết. Đó là tôi may mắn. Còn đồng đội của tôi ngã xuống, tới nay còn chưa lập được mộ phần, thương lắm", bà Phượng giọng lặng đi.

Ngồi bên cạnh bà Phượng, dược sĩ Nguyễn Thị Thạnh, 84 tuổi, tập trung cắm bông cúc vào bình. Bà Thạnh cho biết, bà đi bộ đội năm 1962. Sáng nay, bà vẫn tự chạy xe máy từ Tân Bình đến điểm tập kết (trụ sở Báo Quân khu 7 ở phường Đức Nhuận) để kịp chuyến đi tưởng niệm đồng đội.

"Được đi thăm viếng đồng đội là phấn khởi, không biết mệt đâu. Mừng lắm, bộ đội luôn khỏe mà!" – bà Thạnh nói với nụ cười hiền hậu.

Được biết, từ khi khánh thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ Quân dân y Miền B2 năm 2012, năm nào bà Phượng, bà Thạnh cùng các thành viên của Ban Liên lạc Truyền thống Quân y Miền B2 đều có mặt 4 lần để bày tỏ lòng nhớ thương tới đồng đội ngã xuống.

Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2- Ảnh 2.

Dược sĩ 84 tuổi Nguyễn Thị Thạnh cắm bông tưởng nhớ các đồng đội.

Bên trong nhà tưởng niệm, các thành viên Ban liên lạc Truyền thống Quân y Miền B2 chia nhau người sửa soạn hoa quả, người quét dọn bàn thờ.

Dược sĩ Thượng Thị Gừa, nay đã bước sang tuổi 68, được phân công làm sạch bàn thờ. Vừa tỉ mỉ lau sạch từng ngóc ngách cả 3 bàn thờ trong nhà tưởng niệm, bà Gừa vừa trải lòng: "Cùng ở chiến trường, cùng là chiến sĩ y tế nhưng người còn người mất. Nhớ thương đồng đội là tình cảm tự nhiên và thiêng liêng lắm...".

Ngôi nhà chung tri ân giữa chiến trường xưa

Chiến trường B2 là nơi khốc liệt, khiến hơn 9.000 chiến sĩ đã hy sinh tại các bệnh viện, điểm điều trị. Trong đó có 528 chiến sĩ quân y, dân y. Đến nay, hài cốt của nhiều liệt sĩ vẫn chưa được quy tập do nhiều lý do khách quan.

"Đáng nói là, tới nay hơn 9.000 liệt sĩ đã ngã xuống vẫn còn yên nghỉ đâu đó tại các căn cứ, các bệnh viện, các điểm điều trị năm xưa. Cho dù Đảng, nhà nước và nhân dân đã nỗ lực nhưng tro hài cốt liệt sĩ vẫn chưa quy tập được", đại tá, bác sĩ Phùng Xuân Hải - Trưởng ban liên lạc Truyền thống Quân y Miền B2 cho biết.

Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2- Ảnh 3.

Dược sĩ 68 tuổi Thượng Thị Gừa lau dọn sạch bàn thờ trong Nhà tưởng niệm liệt sĩ Quân dân y Miền B2.

Thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi tìm về chỉ mang theo tên của một địa danh, như một con suối, một gò đất, một dấu tích nhỏ. Vì không tìm được phần mộ, họ thắp hương nơi suối, nhiều người đành nhặt một nắm đất, một viên sỏi mang về đặt trang trọng bên di ảnh liệt sĩ.

"Tận cùng của nỗi đau là sự hy vọng mòn mỏi. Điều này đã thôi thúc chúng tôi phải sớm có một hành động nào đó giúp các gia đình liệt sĩ vơi nhẹ đau thương, mất mát khi chưa tìm được hài cốt, mộ chí người thân", đại tá, bác sĩ Phùng Xuân Hải chia sẻ.

Từ sự day dứt ấy, các thành viên ban liên lạc đã kêu gọi xây dựng Nhà tưởng niệm Quân y Miền B2 từ năm 2008.

Với sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, đơn vị và Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng), công trình được khởi công năm 2010 và hoàn thành tháng 4/2012, tọa lạc tại Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Cục Hậu cần Miền B2, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (trước đây).

Nhà tưởng niệm Quân y miền B2 hoàn thành, có tổng diện tích 800m2, trong nhà tưởng niệm khắc tên họ 3.000 liệt sĩ đã tìm được tên họ, quê quán, đơn vị vào 32 bảng đá hoa cương.

Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2- Ảnh 4.

Các thành viên Ban liên lạc chuẩn bị đồ lễ thắp hương các chiến sĩ hy sinh tại Nhà tưởng niệm Quân y Miền B2.

Trong ngôi nhà chung này, tất cả mặt tường đều khảm đá granite danh sách các liệt sĩ quân dân y, thương - bệnh binh chiến trường B2. Dù thân xác vẫn còn đâu đó ngoài kia, nhưng anh linh, hương linh của các liệt sĩ đã có ngôi nhà chung để "lui tới, đi về". Đây không chỉ là biểu tượng tri ân người ngã xuống, còn là biểu tượng của tình đồng đội, đồng nghiệp thiêng liêng.

Ngôi nhà chung không chỉ là nơi tưởng niệm. Đây còn là điểm đến để giáo dục truyền thống yêu nước, nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, kết nạp Đoàn – Đảng viên, nơi các thế hệ sau được thắp lên niềm tự hào và lòng biết ơn.

Xúc động nghĩa tình đồng đội Quân y Miền B2- Ảnh 5.

Nhà tưởng niệm Quân y Miền B2 tọa lạc trong quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ Cục Hậu cần miền B2.

Trải qua hơn một thập kỷ, ngôi nhà ấy vẫn ấm lửa nhang, đầy hoa tươi mỗi dịp lễ. Và những người lính năm xưa – dù giờ tóc đã bạc, lưng đã còng vẫn luôn trở về, đều đặn và thành kính. Bởi tình đồng đội và lòng tri ân là ngọn lửa thiêng bất diệt.

Lịch sử vẫn còn ghi rõ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở chiến trường miền Đông Nam bộ (B2), quân y thuộc Cục Hậu cần miền có 34 bệnh viện, 13 đội điều trị trực tiếp phục vụ, thu dung cứu chữa thương - bệnh binh cho các binh đoàn chủ lực miền và trong các chiến dịch lớn. Chiến trường miền Đông ác liệt, đã có nhiều chiến sĩ bị thương nặng khi về đến bệnh viện hoặc đội điều trị đã hy sinh. Nhiều cán bộ, nhân viên quân y và dân y biệt phái sang quân y vừa phục vụ thương binh vừa cầm súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thương - bệnh binh, bảo vệ bệnh viện khi bị biệt kích. Nhiều trường hợp trúng bom B52 hy sinh tại bệnh viện, đội điều trị. Các liệt sĩ đều được chôn cất tại căn cứ bệnh viện, đội điều trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự doTổng Bí thư Tô Lâm: Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do

SKĐS - Sáng 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2025), Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu.


Đỗ Bá
Ý kiến của bạn