Trang nghiêm...
Dưới cái nóng hầm hập của trời chiều, đôi tay những nhân viên sắp hũ tro cốt vào hộp carton vẫn hoạt động đều đều. Từng chiếc hũ trước khi đưa vào sử dụng được kiểm tra kỹ càng. Thông tin chi tiết bệnh nhân mất vì COVID-19 được dán ngay ngắn trên mỗi nắp hộp.
Nhiều năm gắn bó với công việc trao đưa tro cốt cho người nhận, các nhân viên ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa lặng người đi mỗi khi một chiếc hộp lại được chuyển lên xe.
Một nhân viên ở đây thổ lộ rằng: Làm nghề này trong lòng tôi luôn thường trực ước nguyện là các linh hồn trong các hũ sành kia sẽ thong dong về miền cực lạc. Trào dâng xúc cảm khó tả nhất là mỗi khi đọc thấy tên người quen.
Sau khi nhận tro cốt từ Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hỏa cũng như các cơ sở hỏa táng khác, xe của quân đội sẽ đưa về Nhà tang lễ TP.HCM (phường An Lạc, Bình Tân).
Tại đây, từng chiếc bàn tròn đã đánh số, dán tên sẵn từng quận. Các chiến sĩ nhẹ nhàng đưa từng hộp chứa tro cốt xuống, nạn nhân của quận nào sẽ đặt lên chiếc bàn dán số quận đó.
Ngay tại Nhà tang lễ đã lập sẵn bàn thờ để tiếp nhận tro cốt của người không may mắn. Lễ truy điệu được cử hành trang nghiêm. Những nén tâm hương được thắp lên nghi ngút. Phía trên cao là dòng chữ "Vô cùng thương tiếc các nạn nhân tử vong do dịch COVID-19".
Sau những phút giây truy điệu ở Nhà tang lễ Thành phố, Ban Chỉ huy quận sự của các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đến nhận và kết nối với chính quyền các xã/phường đưa tro cốt người bệnh mất vì COVID-19 về tận nhà.
Bằng tất cả sự tiếc thương, sau khi thắp nén hương dành cho người đã khuất, Thượng tá Nguyễn Thanh Minh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân chia sẻ: "Chúng tôi đưa tro cốt về tận nhà người đã khuất. Các chiến sĩ đều làm rất cẩn trọng, trang nghiêm".
Rưng rưng đón nhận về nhà
Thực hiện đúng, đủ các quy định, đặc biệt là thông tin chính xác về người đã khuất là điều mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đặt lên hàng đầu. Nhá nhem tối ngày 8/8, sau khi nhận các hũ tro cốt của nạn nhận quận mình, chiếc xe quân đội của quận 3 lặng lẽ lách qua từng hẻm nhỏ để kịp thời giao về gia đình nạn nhân.
Tại mỗi điểm giao nhận dù là trong khu phong tỏa, điểm cách ly đều diễn ra trang trọng. Mọi thông tin, dữ liệu về gia đình nạn nhân chuẩn xác nhất.
Mấy lần chứng kiến những chuyến xe đặc biệt này, ông Nguyễn Văn T. ở quận 3 rưng rưng: Có nhiều hôm biết tin xe chở tro cốt hàng xóm của mình về nhưng cũng chỉ dám đứng từ xa gửi lời tiễn biệt theo những cơn gió. Dịch bệnh đã tàn phá và làm bao chia cắt, đớn đau. Nhưng lòng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh luôn vững vàng. Hy vọng dịch sẽ sớm được dập tắt.
Sau bao tiếng đồng hồ mong ngóng, tận tay nhận hộp tro cốt chồng mình từ lãnh đạo phường An Lạc (quận Bình Tân) và các chiến sĩ quân đội, mắt chị T. H đỏ hoe. Cố kìm lòng, hai dòng lệ vẫn nhỏ xuống chiếc khẩu trang. Chị H. bảo, mới hôm nào còn điện thoại rôm rả mà nay đã âm dương cách biệt. Lúc bệnh chuyển nặng, gia đình cứ lo không biết rồi hậu sự sẽ thế nào. Giờ được Thành phố lo chi phí hậu sự, nỗi lo lắng được xua tan. Chỉ hy vọng đau thương rồi sẽ nguôi ngoai đi.
Nhận hộp tro cốt của người thân, chị Ng. ở quận 3 cũng thốt lên: "Thế là, em đã được đón anh về. Dù từ đây cách biệt nhưng những điều tốt đẹp mãi nhớ về anh. Cũng cầu mong cho dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, Thành phố trở lại sự bình yên". Được các cấp chính quyền lo hậu sự chu đáo, nhiều gia đình khác cũng bớt đi trăn trở.
Giám sát rất kỹ
Để rõ thêm về quy trình lo hậu sự cho nạn nhân COVID-19, ngày 10/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã có cuộc trao đổi với PV Suckhoedoisong.vn. Ông Thắng cho biết: Để lo hậu sự tốt nhất cho người nhiễm COVID-19 không may qua đời, Thành phố đã có chủ trương rõ ràng chi toàn ngân sách để thanh toán. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp.
Trường hợp mất ở bệnh viện, ngân sách sẽ đưa về ngành y tế Thành phố.
Trường hợp không may qua đời tại nhà thì quận huyện sẽ chuyển ngân sách về phường xã để lo cho người dân. Các giấy tờ xác nhận mất do COVID-19 cũng được xã, phường hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân. Khâu rất quan trọng, mang tính đạo lý là trả (giao) tro cốt của người mất về cho người thân. Đây là việc làm đậm tính đạo lý. Thành phố đã làm rất chu đáo. Đây là sự quan tâm sâu sắc, "nghĩa tử là nghĩa tận".
Việc xử lý trường hợp bệnh nhân tử vong làm theo các bước rất chặt chẽ, cẩn thận. Khi bệnh nhân mất, ngành y tế lo khâm liệm, cung cấp thông tin, chuyển giao cho các cơ sở mai táng, hỏa táng.
Trong suốt quá trình vận chuyển, xử lý tử thi, người nhà không được thăm viếng. Hỏa táng xong thì Công ty Môi trường và Đô thị giao cho Bộ Tư lệnh Thành phố để tiến hành các bước chuyển cho các quận đội, huyện đội đưa tro cốt của người dân về tận nhà.
Theo ông Thắng, để đảm bảo tất cả các khâu lo hậu sự cho nạn nhân COVID-19 được tốt nhất thì toàn bộ từng bước đều có giám sát. Điển hình như khâu bàn giao, vận chuyển thì các đơn vị thực hiện đều cử ra bộ phận giám sát đột xuất hoặc thường xuyên để khắc phục ngay các bất cập (nếu có). Ai cũng xác định đây là việc làm quan trọng nên thực hiện bằng tất cả trách nhiệm cao nhất.
Được biết, ở TP. HCM hiện có 4 cơ sở đang tiếp nhận hỏa táng. Cụ thể: Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Bình Tân), Đa Phước (Bình Chánh), Phúc An Viên (TP.Thủ Đức) và Long Thọ (Củ Chi). Tất cả quy trình hỏa táng đều thực hiện đúng quy định.
Xem thêm video đang được quan tâm
215.560 ca nhiễm COVID-19, hơn 9.000 ca xuất viện tại TP Hồ Chí Minh| #COVID_19 #TP_Hồ_Chí_Minh