Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, anh H.V.T. (46 tuổi, quê quán tại xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, sinh sống và làm việc tại Di Linh, Lâm Đồng) vừa trải qua ca mổ ghép thận thứ 21 tại bệnh viện từ quả thận được người em trai hiến tặng.
Theo người nhà kể lại, ban đầu anh T. không có biểu hiện gì của bệnh suy thận ngoài triệu chứng chân có cảm giác chỉ hơi tê tê. Công việc hàng ngày của anh là làm vườn, trồng và chăm sóc cây cà phê. Vào một buổi sáng, anh bắt đầu làm công việc hàng ngày như bình thường. Bất ngờ anh cảm thấy đầu choáng váng, chóng mặt, đau bụng dữ dội. Lúc đó vợ chồng anh mới vào Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra sức khỏe. Cầm kết quả khám bệnh trên tay, vợ chồng anh giật mình vì bác sĩ kết luận anh bị suy thận mạn giai đoạn 4. Hai vợ chồng cảm giác như rơi vào tột cùng của sự đau khổ và bế tắc.
Nhà anh T. có 4 người anh em (3 trai và 1 gái), đều sinh sống ở quê nên gia đình anh chị đã quyết định về quê điều trị. Tháng 9/2023 bệnh của anh T. phát triển thành giai đoạn cuối, đến tháng 11/2023, anh phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tư vấn ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.
Hay tin người anh trai của mình mắc bệnh suy thận độ 5, căn bệnh không chữa khỏi được, cuộc sống sau này sẽ gắn liền với bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Thương anh và các cháu, người em trai đang sinh sống tại xã Quảng Định, huyện Quảng Xương quyết định sẽ hiến thận với mong muốn anh trai được sống khỏe mạnh hơn.
Khi biết ý định em trai hiến thận cứu mình, ban đầu anh T. cương quyết từ chối, vì anh lo sợ việc san sẻ một phần cơ thể, mạng sống cho mình sẽ khiến em mình ốm đau, bệnh tật về sau, em còn gia đình, nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì ai sẽ có ai lo cho vợ, các cháu, và cả bố mẹ nữa. Sau một thời gian dài thuyết phục, cuối cùng anh T. cũng đồng ý nhận thận của em trai.
"Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai ghép thận thường quy nhiều năm nay, thuận lợi cho gia đình trong việc đi lại, chăm sóc cũng như tiết kiệm chi phí nên tôi đã đến khám sàng lọc. Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, các bác sĩ thông báo thận phù hợp để hiến cho anh trai, tôi mừng chảy nước mắt, cảm giác như chính mình được hồi sinh. Sau đó, cả hai anh em tiếp tục được các bác sĩ khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kỹ lưỡng để chuẩn bị cho ca đại phẫu", người em trai vui mừng kể lại.
Ngày 18/12, ê-kíp ghép thận của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiến hành phẫu thuật ghép thận cho anh em T.. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi.
Sau ghép, sức khỏe của cả anh T. và em trai đều tiến triển khá tốt. Anh T. được ra viện sau ghép gần hai tuần, quả thận mới hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường. Anh tiếp tục được điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Sức khỏe của người em trai sau hiến thận cũng nhanh chóng hồi phục và hiện tại anh đã có thể quay trở lại với công việc hàng ngày.
"Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến người đặc biệt nhất cuộc đời mình, cảm ơn em trai đã sẵn sàng chia sẻ một phần cơ thể, cảm ơn em dâu đã đồng ý để chồng hi sinh vì anh. Cảm ơn em đã cho anh tiếp tục được sống một cuộc sống khỏe mạnh. Anh sẽ cố gắng sống thật tốt để xứng đáng với món quà đặc biệt của em trao tặng...", anh T. chia sẻ.
Thông tin thêm về ca ghép thận, Bác sĩ Trần Đình Thủy, khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là ca ghép thận có cùng nhóm máu, cùng huyết thống và là ca ghép thận thứ 21 được thực hiện thành công tại bệnh viện. "Để ca ghép thành công như hôm nay, mọi công tác chuẩn bị đã được các bác sĩ tiến hành rất công phu trong nhiều tháng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho người ghép và người hiến. Sau ghép, sức khỏe của cả người cho và người nhận đều hồi phục rất tốt", Bác sĩ Trần Đình Thủy nói.