Xúc động câu chuyện các chị, các mẹ dân tộc Thổ phục dựng cánh võng Làng Sen
SKĐS - Nghề đan võng gai độc đáo, truyền đời của cộng đồng dân tộc Thổ (xã Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An) luôn là mạch ngầm quý giá trong không gian văn hóa nơi đây. Sau bao ngày trăn trở, bà con Giai Xuân vừa trao tặng chiếc võng mô phỏng lại chiếc võng gắn liền với tuổi thơ của Bác cho Khu di tích Kim Liên.
Giữ lửa nghề cha ông
Theo chân ông Nguyễn Châu Uyên, công chức văn hoá xã Giai Xuân, chúng tôi đến Giai Xuân để "mục sở thị" về chuyện giữ gìn, bảo tồn nghề đan lát truyền thống của người Thổ nơi đây. Dù đã được giới thiệu trước, nhưng mọi người bất ngờ khi các mẹ, các chị đang say mê đan võng tại nhà văn hóa xã.
Từ năm 2021, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ, xã Giai Xuân thành lập Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống, đến nay thu hút hơn 30 hội viên tham gia.
Xã Giai Xuân là một trong số ít những nơi còn nguyên bản cách đan truyền thống. Bà Trương Thị Thống, Tổ trưởng Tổ hợp tác, năm nay 60 tuổi vẫn còn say mê với nghề truyền thống cha ông. Tận dụng khoảng đất trống trước và sau nhà, bà Thống đều đặn trồng gai mỗi năm. Một phần sản phẩm thu được se thành sợi để đan võng, số còn lại làm giống cho mùa sau. Bao năm nay vẫn vậy. "Để có chất lượng sợi gai tốt, bà con không thu hoạch khi cây gai non quá hoặc già quá vì sợi gai sẽ không dai, dễ đứt hơn. Sợi cây gai được phơi đủ nắng và bảo quản cẩn thận. Chỉ tính riêng công đoạn làm sợi mất khá nhiều thời gian rồi", bà Thống cho biết.
Không chỉ là người say mê với nghề truyền thống mà nhiều năm nay, bà Thống miệt mài truyền nghề cho nhiều thế hệ đi sau trong xã.
Bà Thống kể, từ khi còn là cô bé 15-16 tuổi, được mẹ truyền dạy cho tất cả các khâu để làm nên một chiếc võng gai đẹp. Mỗi năm học và tập luyện thêm một chút, sự khéo léo, giỏi giang của bà được bà con khắp trong và ngoài vùng biết đến. Vì thế, sản phẩm đan của bà luôn được mọi người yêu thích và đặt mua. Cứ tranh thủ lúc nhàn rỗi, bà lại đan, tỉ mẩn với từng múi đan, từng nét hoa văn cho từng cánh võng…
Cũng theo bà Thống, tùy theo loại, kích cỡ, những sản phẩm làm ra được bán có giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/mỗi chiếc. "Tôi cảm thấy rất vui khi thấy nhiều bà con nhờ truyền nghề. Hai năm qua, tôi truyền nghề cho hàng chục người trong xã. Thật vui khi nghề truyền thống cha ông được các thế hệ trẻ hăng hái học tập", bà Thống thổ lộ.
Võng gai người Thổ có ba loại hoa văn. Loại phổ biến nhất là đan tính theo sợi 3, sợi 4, sợi 5 có mắt võng thưa hơn để sử dụng hàng ngày và bán ra thị trường. Bên cạnh đó, còn có loại đan bông thang sẽ cầu kỳ, phức tạp hơn, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn.
Kỹ thuật phức tạp nhất là chiếc võng cáng quan với các mắt được đan dày hơn và có nhiều hoa văn cầu kỳ, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian công sức. Trước đây, võng cáng quan chỉ được đan cho những người đỗ đạt, cáng lên huyện, lên tỉnh. Võng gai đã đi theo họ từ rất lâu đời, từ thời ông cha, họ đã biết tự tạo ra các sản phẩm, dụng cụ này phục vụ cho đời sống hàng ngày và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay.
Tuy không mang nhiều tính ứng dụng, song các công đoạn trồng gai, làm sợi, đan thủ công truyền thống của người Thổ vẫn cần được giữ gìn như một cách bảo tồn một nét đẹp văn hóa đang dần bị lãng quên. Cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra, bà Nguyễn Thị Toán (55 tuổi), tươi cười cho biết, từ nhỏ theo bố mẹ đan võng. "Những chiếc võng được mình làm nên thấy mọi người đón nhận nhiệt tình càng tạo thêm động lực cho người dân. Nghề này rất hay, sau khi làm vườn về, những lúc rảnh rỗi, mưa gió thì tranh thủ đan võng để bán kiếm thêm thu nhập", bà Toán kể.
Ông Trần Khắc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho hay, địa phương đánh giá rất cao về nghề đan võng của người dân. Việc phát triển ngành nghề đan truyền thống này vừa góp phần đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ. "Địa phương rất quan tâm đến mô hình này và tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con. Chính quyền xã đề nghị cấp trên quan tâm đến chương trình, dự án liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên bà con phát triển mô hình này. Võng gai là sản phẩm truyền thống của đồng bào Thổ ở Giai Xuân và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2022", ông Trần Khắc Hải cho biết.
Tấm lòng của đồng bào Thổ
Trong một dịp về thăm quê Bác, đến tham quan quê ngoại Bác Hồ tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, bà Nguyễn Thị Đém, người dân tộc Thổ, xóm Long Thọ, xã Giai Xuân rất ấn tượng với chiếc võng gia đình Bác Hồ đã sử dụng. Bà ấp ủ làm một chiếc võng gai quê mình, giống với chiếc võng hiện vật để tặng cho Khu di tích Kim Liên. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện được ý định của mình, năm 2019 bà Đém qua đời. Trước lúc mất, bà dặn con cháu làm và tặng chiếc võng cho Khu di tích Kim Liên.
Thực hiện tâm nguyện của bà Đém, hơn 3 tháng trước, chị em ở Tổ hợp tác sản xuất võng gai Giai Xuân lên kế hoạch phục dựng chiếc võng gắn với tuổi thơ của Bác Hồ. Dù đan võng vốn là nghề truyền thống của bà con, người nào cũng có đến 30 - 40 năm tuổi nghề, nhưng để phục dựng lại chiếc võng xưa, nhất là võng của gia đình Bác Hồ thì ai cũng trăn trở, lo lắng.
Sau khi nhận được bức ảnh về chiếc võng cũ từ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, các chị và các mẹ nhận thấy sự khác biệt lớn nhất nằm ở nguyên liệu, một bên làm từ sợi đay, còn một bên từ sợi gai.
Dù đã cố gắng tỉ mỉ phục dựng, chiếc võng đầu tiên gửi tặng Khu Di tích vẫn chưa được chấp nhận do chưa đúng với nguyên bản, đặc biệt là ở phần đầu võng. Võng của gia đình Bác được quấn thành vòng tròn, trong khi đầu võng của người Thổ lại được tết cầu kỳ hơn. Không nản lòng, các thành viên trong Tổ hợp tác tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết tâm đan lại một chiếc võng khác, giống với chiếc võng hiện vật đang trưng bày ở quê ngoại Bác Hồ.
Những chiếc võng gai được chị em tổ hợp tác Giai Xuân thực hiện tỉ mỉ với nhiều công đoạn khác nhau.
Kể về quá trình làm chiếc võng, bà Trương Thị Thống cho biết, đan một chiếc võng đẹp với các mắt võng đều nhau không hề đơn giản. Các sợi gai không quá dài, khi đan phải khéo léo tiếp thêm sợi, vừa giấu đi mối nối để đảm bảo thẩm mỹ, vừa giữ cho từng sợi đều nhau, giúp võng bền chắc. "Đây là chiếc võng đan để tặng quê Bác, nên bao tâm huyết và tính cảm mọi người dồn hết vào đó. Đó chính là tình yêu mến và kính trọng của bà con dân tộc Thổ ở Tân Kỳ, dành cho Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam", bà Thống xúc động nói.
"Để đan chiếc võng này mọi người phải cẩn trọng ở mọi khâu, từ việc chọn nguyên liệu cho đến quá trình đan và hoàn thiện. Gần 4 kg gai khô được lửa chọn kỹ để làm chiếc võng. Công đoạn khó nhất là kết đai đầu võng, thường có 2 đến 3 người cùng nhau thực hiện. Nếu không khéo léo và cẩn thận, đầu và đuôi võng có thể bị lệch, phải tháo ra làm lại," bà Bùi Thị Thuyết, thành viên tổ hợp tác chia sẻ.
Được sự kết nối của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Kỳ và chính quyền xã Giai Xuân với Giám đốc Khu di tích Kim Liên, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Bác về với thế giới người hiền, bà con Giai Xuân trao tặng chiếc võng mô phỏng lại chiếc võng gắn liền với tuổi thơ của Bác cho Khu di tích Kim Liên.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, khi biết được ý định của bà con đồng bào Thổ ở xã Giai Xuân ai cũng trân trọng và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bà con thực hiện ước nguyện của mình.
"Việc phục dựng các hiện vật cũ ở quê Bác cũng nằm trong kế hoạch của Khu Di tích. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ bảo quản cẩn thận và trưng bày, sử dụng chúng vào thời điểm thích hợp nhằm phát huy giá trị của những hiện vật quý giá này", ông Tuấn chia sẻ.
Hoàng Trinh