Nguyên nhân gây bệnh
Xuất tính ra máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Viêm và nhiễm khuẩn: viêm là một trong những nguyên nhân xuất tinh ra máu thường hay gặp nhất. Quá trình viêm gây kích thích niêm mạc dẫn đến hiện tượng sung huyết và phù nề các ống, các tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, ụ núi và niệu đạo; từ đó gây xuất tinh ra máu. Các nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn, chấn thương, sỏi túi tinh, hay calci hóa tuyến tiền liệt. Nhiễm khuẩn thường gặp với các loại vi khuẩn như Enterobacteria, chủ yếu là Escherichia coli; Chlamydia, vi khuẩn gram dương, trực khuẩn lao và một số loại virút. Cần chú ý trường hợp nhiễm khuẩn lao là nguyên nhân chủ yếu gây xuất tinh ra máu ở nhiều bệnh nhân tại nước ta.
Tắc túi tinh và các nang của túi tinh: các nguyên nhân gây căng và giãn túi tinh lâu ngày sẽ làm đứt vỡ các mạch máu dưới niêm mạc cũng làm xuất tinh ra máu.
Ung thư: xuất tinh ra máu cũng phát hiện ở những bệnh nhân bị các loại ung thư thường gặp, trước hết phải lưu ý đến trường hợp ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn, u lympho.
Các bệnh toàn thân: các bệnh toàn thân thường gặp cũng có thể gây bệnh lý xuất tinh ra máu như bệnh rối loạn đông máu, hemophilie, xơ gan, tăng huyết áp...
Các thủ thuật khám bệnh: trong một số trường hợp, xuất tinh ra máu có thể do các thủ thuật khám bệnh và được xem là do bác sĩ gây ra khi thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, đặt dụng cụ niệu đạo, chiếu xạ trong ung thư tuyến tiền liệt, sau thắt ống dẫn tinh, sau cắt tinh hoàn...
Giãn tĩnh mạch niệu đạo: trong trường hợp này, tinh dịch thường không có máu nhưng bệnh nhân thấy đi tiểu ra máu máu một bãi sau khi cương dương vật hoặc chảy máu ra ngoài niệu đạo sau khi cương dương vật mà chưa xuất tinh.
Chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân
Chẩn đoán xác định bệnh xuất tinh ra máu thường căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, Về lâm sàng, thấy tinh dịch có màu đỏ, màu nâu hoặc màu rỉ sắt. Về cận lâm sàng, xét nghiệm thấy có nhiều hồng cầu trong tinh dịch.
Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh căn cứ vào các xét nghiệm nước tiểu, tinh dịch và máu; các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân lao đường tiết niệu, siêu âm ổ bụng, siêu âm qua trực tràng, soi niệu đạo và bàng quang, chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung và nội soi túi tinh. Xét nghiệm nước tiểu để phân tích, nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong nước tiểu. Xét nghiệm tinh dịch để làm tinh dịch đồ và tìm hồng cầu, bạch cầu; nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong tinh dịch. Xét nghiệm máu để làm công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng, các xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt PSA (prostate specific antigen), đặc biệt đối với bệnh nhân trên 40 tuổi. Các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân lao đường tiết niệu đối với những trường hợp xuất tinh ra máu nên được thực hiện; ngoài các xét nghiệm công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng để tìm nguyên nhân, cần làm thêm các xét nghiệm Mantoux, kháng thể kháng lao, phản ứng PCR (polymerase chain reaction) với trực khuẩn lao bằng bệnh phẩm là tinh dịch. Siêu âm ổ bụng để đánh giá tình trạng gan, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt. Siêu âm qua trực tràng là kỹ thuật phương tiện hữu hiệu để chẩn đoán các bệnh lý khu vực túi tinh và tuyến tiền liệt như canxi hóa tuyến tiền liệt, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc nang ống phóng tinh. Soi niệu đạo và bàng quang có thể phát hiện các tổn thương ở niệu đạo, tuyến tiền liệt; thông thường nên soi bàng quang-soi niệu đạo khi dương vật cương mới có thể xác định được giãn mao mạch và tĩnh mạch của niệu đạo cũng như của tuyến tiền liệt hay các u máu niệu đạo một cách dễ dàng. Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung là một phương tiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị nhất trong thăm dò túi tinh, tuyến tiền liệt và được chỉ định thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý trên siêu âm qua trực tràng. Nội soi túi tinh được chỉ định thực hiện trong các trường hợp xuất tinh ra máu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm thấy nguyên nhân nào hoặc xuất tinh ra máu kéo dài mà phát hiện bất thường túi tinh qua siêu âm hay chụp cộng hưởng từ; nếu người bệnh phàn nàn là có xuất tinh ra máu, cần xác định xem là có thực sự là xuất tinh ra máu hay không hay chỉ là sự ngộ nhận hoặc chỉ là chảy máu từ dương vật như rách hãm da bao quy đầu dương vật hoặc nhầm lẫn với máu từ kinh nguyệt của người bạn tình.
Khi xác định là có xuất tinh ra máu, 3 yếu tố cơ bản giúp đánh giá tiếp theo là tuổi của bệnh nhân, thời gian kéo dài của triệu chứng, sự xuất hiện của các triệu chứng hoặc các yếu tố nguy cơ phối hợp. Nam giới dưới 40 tuổi có một vài đợt xuất tinh ra máu và không có yếu tố nguy cơ hoặc triệu chứng phối hợp có thể chỉ cần đánh giá các bệnh tiết niệu sinh dục thông thường như viêm nhiễm đường tiết niệu sẽ được điều trị nếu có chỉ định và tái theo dõi. Nam giới từ 40 tuổi trở lên có xuất tinh ra máu tái diễn nhiều lần hoặc điều trị không khỏi, có các triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ phối hợp thì cần đánh giá rộng rãi hơn bao gồm cả việc đánh giá xem có ung thư hay không như ung thư tuyến tiền liệt. Trường hợp xuất tinh ra máu ít, có phối hợp với nguyên nhân can thiệp thủ thuật khám bệnh do bác sĩ gây ra thường nhẹ, vì vậy việc theo dõi là phương thức điều trị phù hợp nhất.
Xử trí can thiệp, điều trị
Trong tất cả các trường hợp, nếu xuất tinh ra máu cần điều trị thì nên điều trị dựa vào nguyên nhân mới có hiệu quả. Việc điều trị có thể thực hiện bằng phương pháp nội khoa và phương pháp ngoại khoa.
Điều trị nội khoa: được chỉ định xử trí điều trị cho các trường hợp viêm và nhiễm khuẩn. Trong trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn thông thường, điều trị theo kết quả của kháng sinh đồ là hợp lý nhất. Nếu không có kết quả kháng sinh đồ thì sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm. Nên lựa chọn những loại kháng sinh nào có phổ rộng tác dụng với họ vi khuẩn Enterobacteria, chủ yếu là Escherichia coli; đặc biệt là ở những người trẻ, thuốc phải có tác dụng với cả Chlamydia. Sử dụng nhóm thuốc Quinolon như Ciprofloxacin, Norfloxacin, Levofloxacin hay Gatifloxacin; liều uống từ 400 đến 500mg mỗi ngày, uống trong vòng 2 tuần đến 1 tháng. Nếu không có Quinolon, có thể thay thế bằng Trimethoprim phối hợp với Sulfamethoxazol như Bactrim viên 480mg, uống từ 2 đến 4 viên mỗi ngày kết hợp Doxycyclin viên 100mg, uống từ 1 đến 2 viên mỗi ngày, dùng trong khoảng 10 đến 15 ngày. Cũng có thể dùng Metronidazol viên 250mg, uống từ 2 đến 4 viên mỗi ngày kết hợp với Clindamycin hay Erythromycin dùng trong 2 tuần. Đồng thời dùng phối hợp với các thuốc chống viêm giảm phù nề, thuốc cầm máu như Alpha chymotrypsin viên 4,2mg, dùng 4 viên mỗi ngày trong 7 ngày và các thuốc cầm máu như Transamin viên 500mg, uống 2 đến 4 viên mỗi ngày, uống trong 5 đến 10 ngày. Trong trường hợp bị bệnh lao sinh dục - tiết niệu, phải thực hiện điều trị theo phác đồ chữa trị bệnh lao được quy định.
Điều trị ngoại khoa: được chỉ định thực hiện tùy theo từng trường hợp cụ thể. Tiến hành phẫu thuật mở hay nội soi như nội soi qua đường niệu đạo hoặc nội soi qua ổ bụng. Xử trí can thiệp ngoại khoa nên thực hiện trong các trường hợp có bệnh lý tại chỗ như tắc túi tinh, nang túi tinh hay sỏi túi tinh; các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh như ở ống dẫn tinh, túi tinh; ung thư tinh hoàn và giãn tĩnh mạch niệu đạo.
Theo các nhà khoa học, đối với những người trẻ dưới 40 tuổi thì xuất tinh ra máu là một bệnh lý lành tính và có thể tự khỏi nhưng rất hay tái phát. Đối với người trên 40 tuổi, bệnh lý này thường diễn biến thành ác tính, kể cả ung thư nên phải được khám chẩn đoán và điều trị phù hợp. Xuất tinh ra máu có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau nên cần được chẩn đoán xác định một cách cụ thể. Việc điều trị phải thực hiện theo nguyên nhân gây bệnh mới đạt hiệu quả tốt với chỉ định của bác sĩ bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa. Khi nam giới phát hiện bệnh lý xuất tinh ra máu bất thường, không nên mặc cảm hay che dấu mà phải đi khám để chẩn đoán xác định, giúp cho điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra.