Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy trong 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định giá trị xuất siêu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Năm 2022, xuất siêu đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77, 41% trong tổng giá trị xuất siêu của toàn ngành kinh tế là 11,2 tỷ USD. Đến hết 10 tháng năm nay thì xuất siêu nông, lâm, thủy sản đã đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2%. Giá trị xuất siêu này giúp cho nền kinh tế có ngoại tệ để nhập trang thiết bị, máy móc và để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Chúng tôi hy vọng và sẽ cố gắng để hai tháng cuối là tháng 11/2023 và tháng 12/2023 sẽ đạt xuất siêu cao hơn và góp phần giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trong 10 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng giá trị xuất khẩu nhìn chung vẫn giảm so với cùng kỳ năm nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào vẫn xuất đạt 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 21,94 tỷ USD, tăng 17%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng rau quả đóng góp 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%; gạo 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; hạt điều 2,92 tỷ USD, tăng 14,85%. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD, tăng 22%.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra rằng trong tháng 10/2023 xuất khẩu đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022 và nếu với tốc độ tăng này thì ngành nông nghiệp có thể về đích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53, 54 tỷ USD.
“Trong 2 tháng cuối năm thường là tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, năm nay chúng ta thấy rằng lũ lụt miền Trung xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu và sản sản xuất. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của nhiều năm trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chỉ đạo các địa phương cùng các đơn vị sớm khắc phục ngay ảnh hưởng của lũ lụt ở các tỉnh miền Trung,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính giảm như: Giá cao su là 1.330 USD/tấn, giảm 17,3hạt điều 5.693 USD/tấn, giảm 5%; hồ tiêu 3.339 USD/tấn, giảm 23,4%; sắn và sản phẩm từ sắn 425 USD/tấn, giảm 3,3%...
Một số nông sản có giá bình quân tăng như: Giá gạo 558 USD/tấn, tăng 15,3%; càphê 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% %; chè 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Về thị trường, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính trong 10 tháng với 21,13 tỷ USD, tăng 5,7%; tiếp đến là châu Mỹ 9,74 tỷ USD, giảm 20,6%; châu Âu 4,5 tỷ USD, giảm 11,8%; châu Phi 910 triệu USD; tăng 21,6%; châu Đại Dương 641 triệu USD, giảm 17,2%.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.