Xuất ngoại chữa bệnh: Người Việt đang chạy... vòng quanh

12-11-2013 13:42 | Y tế

Có một số người bệnh chạy hết nước này đến nước khác, tốn rất nhiều tiền để cuối cùng lại quay trở về Việt Nam cho các bác sĩ Việt Nam chữa chạy vì… hết tiền.

Nhân một ca bệnh ung thư vòm họng vừa được điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai sau khi bệnh nhân này đã xuất ngoại chữa bệnh tại Singapore nhưng không khỏi (Báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin) chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả bài viết của BS. Võ Xuân Sơn để bạn đọc có thể tự tìm câu trả lời cho câu hỏi "Xuất ngoại chữa bệnh có phải lúc nào cũng tốt?".
 
Xuất ngoại chữa bệnh: Người Việt đang chạy... vòng quanh
 

Có một số người bệnh chạy hết nước này đến nước khác, tốn rất nhiều tiền để cuối cùng lại quay trở về Việt Nam cho các bác sĩ Việt Nam chữa chạy vì… hết tiền.


Ngày xưa, cụ Nghị Quế bảo “đồng hồ tây có bao giờ sai đâu”. Ngày nay, các quan chức của chúng ta lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài khám chữa bệnh, có cụ còn chết ở nước ngoài, và con cháu của các cụ không còn ân hận gì vì các cụ đã được chăm sóc hết mức tận tình. Mọi người còn nhớ vụ tổng thống Nga En-xin mổ tim không? Ông đã quyết định mổ tại Nga, do một bác sĩ Nga mổ. Rõ ràng là cái ông Bô-rit En-xin kia đã đặt lòng tự hào dân tộc lên trên cả sự an toàn tính mạng của cá nhân mình.

Tôi còn nhớ câu chuyện của một cán bộ thuộc hàng khá cao cấp đi mổ ở nước ngoài. Khi trở về VN thì vết mổ bị nhiễm trùng nên đến chỗ tôi khám. Vị cán bộ nọ cho biết là ông được mổ nội soi cho bệnh thoát vị đĩa đệm, bác sĩ làm rất giỏi và rất nhã nhặn, nhiệt tình, chỉ vài ngày là ông ra về. Không may là vết mổ có chút mủ. Nhìn vết mổ tôi biết ngay là không phải mổ nội soi. Khi tôi nói điều này thì vị cán bộ nhìn tôi với vẻ hơi ngạc nhiên, và khẳng định chắc chắn là mổ nội soi. Vài tháng sau, gặp anh bác sĩ mổ cho vị cán bộ đó, tôi hỏi anh ta. Thì ra là họ đã trang bị nội soi từ rất lâu, nhưng suốt mấy năm trời, họ có rất nhiều ca mổ bắt đầu bằng nội soi nhưng lại kết thúc bằng mổ vi phẫu. Gần đây thì anh bạn đó còn cho tôi biết họ đã dẹp chương trình nội soi do không thực hiện được dù có sự giúp sức của các chuyên gia Hàn Quốc, ngay tại cái nơi mà mỗi năm có gần chục ngàn người Việt Nam qua khám bệnh.
Xuất ngoại chữa bệnh: Người Việt đang chạy... vòng quanh 1
Ảnh minh họa.

Đồng ý là bệnh viện nước ngoài xây dựng qui củ hơn, khang trang hơn, sự tiếp đón của họ cũng “ngon lành” hơn, bác sĩ của họ nhã nhặn, nhiệt tình hơn. Nhưng không thiếu những bệnh nhân của chúng ta vừa phải mất tiền, vừa phải ôm hận vì tính vọng ngoại của mình.

Một bệnh nhân bị u nội tủy, được chỉ định mổ. Sau khi chúng tôi giải thích đã đời về cách thức mà chúng tôi sẽ mổ, bệnh nhân đi ra nước ngoài mổ. Ở đó bệnh viện khang trang, bác sĩ giải thích làm sao đó, chắc không thể nhiệt tình và cặn kẽ hơn chúng tôi, nhưng có sức thuyết phục hơn. Cuối cùng bệnh nhân được mổ bằng một kĩ thuật có từ năm 1925. Sau mổ lại được chiếu xạ. Ban đầu tình trạng cải thiện rất tốt. Đây là một người bệnh rất có tâm với ngành y, anh thông báo với chúng tôi tình hình, vừa thể hiện sự vui mừng, vừa có ý chỉ cho chúng tôi những tiến bộ mới để chúng tôi học tập. Ba tháng sau, anh gọi điện cầu cứu vì tình hình diễn biến giống như những gì chúng tôi đã giải thích trước đó. Tiếc rằng khi ấy chúng tôi không còn giúp được gì cho anh. Có một số người bệnh chạy hết nước này đến nước khác, tốn rất nhiều tiền để cuối cùng lại quay trở về Việt Nam cho các bác sĩ Việt Nam chữa chạy vì… hết tiền.

Một số bác sĩ khi làm luận văn, luận án về các đề tài lâm sàng, kết quả thu được tốt hơn các nghiên cứu nước ngoài. Thầy hướng dẫn phải “điều chỉnh” ngay, rằng thì là mà số liệu thì cứ để như thế, nhưng kết luận phải bỏ cái chữ “hơn” mà để là “tương đương”. Vậy mà khi ra trình còn có thầy cho là kết quả không chính xác, làm sao mà tương đương được, cứ như là các bác sĩ Việt Nam không có đủ chất xám ấy. Tương tự vậy, khi trình bày về một kĩ thuật tiên tiến nào đấy, một số bác sĩ Việt Nam đi Tây về không thèm quan tâm, khi được hỏi đến thì trả lời rất gọn: “Thầy tôi bên Tây bảo cái đó là đồ bỏ”. Đến khi tình cờ chứng kiến cuộc mổ và kết quả, họ mới “té ngửa”, thì ra là cái “Tây” của họ lại đang nằm ở “vùng trũng”...

BS. Võ Xuân Sơn

Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Y đức - Đạo lý" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!


 

Ý kiến của bạn