Tối ngày 22/6, tại Hà Nội, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Shin Young-soo đã trao Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO (gọi tắt là tiêu chuẩn NRA) cho Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Vinh dự song hành thách thức
Việt Nam hiện đã sản xuất được 10/12 vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và đang đưa vào thử nghiệm lâm sàng các vắc-xin phòng chống cúm mùa, cúm đại dịch; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng nhà máy và phát triển sản xuất vắc-xin cúm tại Nha Trang.
Tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ năm 2001, WHO đã tiến hành đánh giá Cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin tại Việt Nam theo Bộ tiêu chí đánh giá Cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin của WHO. Sau đó, Việt Nam đã trải qua nhiều lần đánh giá khác qua các năm 2005, 2008 và 2011. Đặc biệt, trong các ngày từ 13 - 17/4/2015, đoàn chuyên gia độc lập của WHO đến từ 12 quốc gia trên thế giới đã đánh giá chính thức chức năng Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin tại Việt Nam với kết quả đánh giá tất cả các chức năng đạt trên 90%; trong đó có những chức năng đạt 100%. Như vậy, sau 14 năm chuẩn bị, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 37 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn Cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin trong tổng số 43 nước có sản xuất vắc-xin trên thế giới. Bộ trưởng khẳng định: Được WHO công nhận là Hệ thống cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin đạt tiêu chuẩn của WHO là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng ngành y tế mà còn là niềm tự hào của cả quốc gia. Việc đạt được tiêu chuẩn này khẳng định năng lực quản lý của Bộ Y tế cũng như uy tín, chất lượng của vắc-xin sản xuất trong nước, mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành công nghiệp vắc-xin Việt Nam. Tuy nhiên, việc công nhận NRA về vắc-xin chỉ có thời gian nhất định (trong 2 năm) và định kỳ 2 năm WHO sẽ tiến hành đánh giá lại các chức năng của cơ quan quản lý. Để đảm bảo duy trì và phát triển hệ thống NRA bền vững là thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng.
Vắc-xin Việt Nam vươn tới xuất khẩu
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc Việt Nam đạt được tiêu chuẩn NRA có ý nghĩa lớn trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp. Bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của WHO, ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế, đội ngũ các nhà khoa học và các thầy thuốc đã đóng góp vào thành tích vừa nêu, Phó Thủ tướng mong rằng, vắc-xin của nước ta không chỉ được sử dụng trong nước mà còn vươn tới xuất khẩu; dần dần Chương trình Tiêm chủng mở rộng của nước ta phải có đầy đủ các loại vắc-xin mà thế giới đã có và ngành y tế sản xuất được thêm nhiều loại vắc-xin, góp phần để người dân, trong đó có trẻ em được chăm sóc sức khỏe tốt và có tương lai rộng mở.
“Chúng ta rất tự hào, nếu các bạn nhìn thấy, phần lớn những chỉ tiêu đánh giá của các tổ chức thế giới về các mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam thường đứng từ 70-90 trong các nước thì con số 37 hết sức có ý nghĩa. Nó không chỉ thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cả hệ thống quản lý của ngành y tế mà còn là công sức của rất nhiều nhà khoa học, mà những kết quả đã được thể hiện, được kiểm nghiệm bằng việc chúng ta tự sản xuất được 10/12 loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những công việc tiếp theo khó khăn hơn nhiều. Chúng ta vẫn phải tiếp tục các chương trình nghiên cứu khoa học về bảo vệ sức khỏe nói chung và về vắc-xin nói riêng. Chúng ta phải có cơ chế chính sách để huy động được các nguồn vốn đầu tư. Cùng với đó là thực hiện công tác làm thị trường trong nước và thị trường quốc tế trên quan điểm sản xuất lớn. Chúng ta phải rà soát tất cả các quy định liên quan đến việc sử dụng, tiêm vắc-xin, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Vắc-xin sản xuất tại Việt Nam sẽ xuất khẩu trong thời gian tới. Ảnh: TM
Vắc-xin của Việt Nam bảo đảm an toàn và hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế
Tại lễ đón nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin Việt Nam đạt chuẩn, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Shin Young-soo khẳng định: Sau khi được các chuyên gia WHO đánh giá kỹ lưỡng, Việt Nam đã được công nhận là nước có hệ thống quốc gia về quản lý vắc-xin đạt tiêu chuẩn. Đây là một thành tựu quan trọng đối với Việt Nam. Kết quả đặc biệt này sẽ tạo lòng tin cho mọi người về độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin được sản xuất tại Việt Nam. Dựa trên những kết quả này, các công ty sản xuất vắc-xin trong nước tại Việt Nam có thể nộp đơn yêu cầu WHO tiền thẩm định các loại vắc-xin của họ. Các công ty sản xuất vắc-xin của Việt Nam từ bây giờ có thể góp phần làm tăng nguồn cung ứng vắc-xin trên toàn cầu nhằm đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được vắc-xin có chất lượng...
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề cuộc họp báo ngay sau khi lễ công bố kết thúc, ông Lahouari Belgharbi, trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định, với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vắc-xin nhiều nhất trên thế giới. Sau khi NRA đạt chuẩn của WHO, vắc-xin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu. Tới đây, WHO sẽ mời chuyên gia Việt Nam tham gia đoàn đánh giá năng lực của Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của một số quốc gia như: Nga, Australia,...
Thái Bình