Theo số liệu thống kê năm 2014, hơn 100.000 lao động Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài và vượt kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu lao động năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đây được coi là một năm kỷ lục đối với ngành xuất khẩu lao động ngoài nước.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 110% so với kế hoạch đề ra và gia tăng ở nhiều thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan hơn 60.000 lao động, tăng 14.000 lao động so với năm 2013; Nhật Bản gần 20.000 lao động, tăng hơn 10.000 lao động so với năm 2013; Hàn Quốc gần 7.000 lao động, tăng 1.500 lao động so với năm 2013.
Cũng theo thống kê thì đây là con số rất lớn, cao nhất từ trước tới nay. Với con số đó thì lĩnh vực xuất khẩu lao động cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã tập trung vào những thị trường có tiềm năng và từng thành viên của hiệp hội xuất khẩu lao động đã có những kế hoạch cụ thể cũng như có sự chuẩn bị rất tốt đảm bảo chất lượng nguồn lao động, đảm bảo quản lý người lao động ở nước ngoài một cách tốt nhất.
Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều thị trường, trong đó có thị trường Đài Loan với những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm kể từ cuối năm 2011 đến nay đã khiến tổng lượng tiếp nhận lao động Việt Nam tăng lên hàng năm. Thị trường Nhật Bản cũng đã tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may.
Thực tế, những thị trường ổn định về thu nhập cho người lao động, an ninh được đảm bảo như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... vẫn là những thị trường mà doanh nghiệp muốn giữ vững. Thêm vào đó, những thị trường yêu cầu lao động có chất lượng cao như điều dưỡng viên đi Đức hay đi Nhật thì cũng là thị trường lớn đang tiếp tục được khai thác. Chính vì thế, hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo tích cực trong việc mở rộng thị trường lao động, song song với việc mở rộng thị trường là yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động của nước ta.
Năm 2015, một số thị trường mới với mức thu nhập cao sẽ mở ra cho lao động Việt Nam như châu Phi và Trung Đông. Bên cạnh đó, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trong năm 2015 sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Dự báo, số lượng lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 và đây là tín hiệu vui, cũng là cơ hội và thách thức với thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian tới.
Phạm Đông